Test Footer 2

Cửa Đại trôi theo sóng

Bãi biển Cửa Đại, TP.Hội An từng được bầu chọn một trong 10 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Tuy nhiên, hiện tượng xói lở và bồi lấp ở khu vực Cửa Đại, sông Thu Bồn và bãi biển Cửa Đại ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.
Để có được giải pháp chỉnh trị, trả lại cho biển Cửa Đại vẻ đẹp vốn có, việc rất cần thiết và cấp bách là phải có một đề tài nghiên cứu tổng thể để đánh giá chi tiết các nguyên nhân, cơ chế gây xói lở; mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tác động. Từ đó có giải pháp toàn diện để tái tạo bãi biển, phục vụ cho phát triển du lịch bền vững của Hội An, Quảng Nam.
Một phần khu nghỉ dưỡng Fusion Alya đổ ầm xuống biển, dù đã có kè kiên cố.
Một phần khu nghỉ dưỡng Fusion Alya đổ ầm xuống biển, dù đã có kè kiên cố.
GIẢI PHÁP NÀO CHỐNG XÓI LỞ?

Từ cuối năm 2014 đến nay, liên tục nhiều hội thảo, giải pháp kỹ thuật được tìm kiếm, một cách gấp gáp, Quảng Nam nóng lòng muốn chặn tình trạng sạt lở của bãi biển Cửa Đại. Mọi thứ chưa đi đến kết quả cuối cùng, trong khi hàng ngày hàng giờ, ngoài kia, bãi vẫn cứ lở, cát vẫn cứ trôi…
Tìm kiếm giải pháp
Xói lở bờ biển Cửa Đại trở nên nghiêm trọng hơn từ năm 2007 đến nay, khu vực xói lở bắt đầu từ cửa sông và có xu hướng dịch chuyển dần về phía bắc. Trong khoảng 10 năm gần đây, bờ biển bị lấn sâu vào khoảng 160m, nhiều vị trí bị xói sâu vào tận các khu nghỉ dưỡng, cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, xói lở nghiêm trọng đã xảy ra vào tháng 10.2014, sau một đêm bờ biển Hội An bị xâm thực khoảng 30-40m trong điều kiện thời tiết bình thường, đến nay nguyên nhân chi tiết vẫn chưa được đánh giá và phân tích một cách chính xác.
Tháng 12.2014, hội thảo khoa học “Đề xuất giải pháp khoa học công nghệ nhằm chống sạt lở bờ biển phục vụ du lịch và phát triển bền vững khu vực cửa Đại - TP.Hội An” đã được UBND tỉnh tổ chức với mục đích huy động trí tuệ của các nhà khoa học chuyên sâu về lĩnh vực công trình biển để xem xét nguyên nhân và tìm ra giải pháp khắc phục mang tính cấp bách và lâu dài nhằm phòng chống sạt lở bờ biển Hội An. Tham gia và báo cáo tại hội thảo quan trọng này có GS.TS. Hitoshi Tanaka, nguyên Chủ tịch Hội Quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thủy văn môi trường - vùng châu Á - Thái Bình Dương (IAHR-APD), hiện là Phó Chủ tịch Hội Xây dựng dân dụng Nhật Bản (JSCE); ông có nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực kỹ thuật công trình biển tại Khoa Xây dựng dân dụng và môi trường, Đại học Tohoku, Nhật Bản.
Sau 5 tháng, một hội thảo liên quan đến xói lở Cửa Đại được tổ chức vào tháng 5.2015 tại Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung. Hội thảo “Một số kết quả nghiên cứu ban đầu về cơ chế xói lở và giải pháp phòng chống xói lở bờ biển Cửa Đại, Hội An” đã thu hút nhiều nhà khoa học, công ty tư vấn về lĩnh vực kỹ thuật công trình biển trong và ngoài nước. Nhiều ý kiến cho rằng để chống xói lở Cửa Đại cần một giải pháp tổng thể từ việc quản lý lưu vực từ thượng nguồn đến vùng hạ lưu sông Thu Bồn. Một số nhà khoa học cũng đưa ra nhận định: việc phát triển kinh tế ở bờ bắc của Cửa Đại đang làm cho quá trình xói lở gia tăng mạnh hơn. Như vậy phía bờ nam có khả năng xảy ra hiện tượng này không khi mà một số doanh nghiệp chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng tại bờ nam? Điều này cần có nghiên cứu kỹ lưỡng để nhằm tránh những tác động không đáng có xảy ra với phía bờ Nam Cửa Đại.
Một đoạn sóng biển tàn phá Cửa Đại.                          Ảnh: B.LIÊN
Một đoạn sóng biển tàn phá Cửa Đại. Ảnh: B.LIÊN
Về nguyên nhân tiềm năng gây nên xói lở bờ biển, có 3 nhóm nguyên nhân được các nhà khoa học đưa ra: (1) Sự suy giảm bùn cát hàng năm, do khai thác cát dọc sông, vùng cửa sông, xây dựng cầu - đường, san lấp mặt bằng và xây dựng hệ thống hồ chứa thượng lưu lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; (2) Sự giảm lưu lượng từ thượng lưu do suy giảm lưu lượng bởi điều kiện tự nhiên thay đổi, trữ nước ở thượng lưu hoặc chuyển nước sang lưu vực khác; (3) Do biến đổi khí hậu!
Học cách của Nhật Bản
Đầu tuần sau (7.9), Hội thảo quốc tế Việt Nam - Nhật Bản về Cửa sông, Bờ biển và Kỹ thuật sông năm 2015 do Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung và UBND tỉnh Quảng Nam; Đại học Tohoku, Nhật Bản; Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Trường Đại học Thủy lợi đồng tổ chức tiếp tục tìm kiếm giải pháp phòng chống xói lở Cửa Đại. GS-TS. Hitoshi Tanaka và PGS-TS. Nguyễn Trung Việt đều cho rằng, nguyên nhân tiềm năng gây xói lở Cửa Đại là sự suy giảm bùn cát từ thượng lưu. Kết quả nghiên cứu ban đầu này cho thấy tình trạng xói lở nghiêm trọng tại bờ biển Cửa Đại trở nên nghiêm trọng hơn khoảng 5-6 năm gần đây, sự dịch chuyển khu vực xói lở tiến dần về phía bắc, bắt đầu từ cửa sông, nếu không có nghiên cứu tổng thể và giải pháp bảo vệ, câu chuyện xói lở có thể tiếp tục xảy ra ở khu vực bãi biển An Bàng, Hà My. Nguyên nhân sâu xa là sự suy giảm bùn cát hàng năm ở phía thượng lưu, bên cạnh đó các biên cứng (đập phá sóng nhô ra ở các khu nghỉ dưỡng ven biển, mái kè biển dọc đường Âu Cơ) giữ vai trò gây xói lở mạnh hơn ở khu vực phía bắc. Nếu khắc phục được hiện tượng này, quá trình hồi phục bãi biển có thể xảy ra để ổn định bờ biển Cửa Đại.
Với các giải pháp mang tính tự phát của các doanh nghiệp, các khu nghỉ dưỡng hiện nay chỉ làm tình trạng xói lở thêm nghiêm trọng hơn. Các doanh nghiệp có thể bỏ ra hàng chục tỷ đồng để cứu... bãi biển của riêng mình nhưng không hề tính đến cả một đường bờ biển dài sẽ bị tác động. Chính điều này cần phải có giải pháp quan trắc đánh giá diễn biến xói lở vùng cửa sông, đây chính là cơ sở để định lượng được sự bồi lấp của cửa sông. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu cơ chế xói lở bờ biển Cửa Đại cần được giám sát một cách liên tục, dài hạn thông qua hệ thống video - camera trực tuyến (được ứng dụng công nghệ tiên tiến của Cộng hòa Pháp chuyển giao cho Việt Nam) để có thể quan trắc được đầy đủ về mặt thông tin số liệu nhằm có cơ sở chắc chắn trong việc đề xuất giải pháp hợp lý và tổng thể tái tạo bãi biển Cửa Đại.
Là cố vấn trưởng dự án xây dựng xã hội thích ứng thiên tai tại Việt Nam giai đoạn 2 tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), TS.Hirotada Matsuki cho biết: “Xói lở bờ sông là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất ở khu vực nông thôn Việt Nam. JICA đã hỗ trợ bảo vệ các khu vực bờ sông áp dụng phương pháp kỹ thuật sông ngòi truyền thống của Nhật Bản. Từ năm 2010, JICA đã hỗ trợ công trình bảo vệ bờ sông tại thôn Kim Ngọc (Hương Thọ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế) và Thạnh Xuyên (Duy Thu, Duy Xuyên, Quảng Nam), thuộc miền Trung Việt Nam. Các kỹ thuật này nhằm đưa đường lạch sâu ra ngoài hướng bờ sông để thay đổi điều kiện dòng chảy gây ra xói mòn thành mang lại bồi đắp. Chúng ta có thể nhân rộng kỹ thuật này để phòng chống sạt lở ở Việt Nam. Chúng tôi, nhóm chuyên gia JICA, Nhật Bản muốn mang tới ý tưởng này đến Việt Nam”. (THANH HÀ)
SÓNG DỮ PHÍA CỬA BIỂN
Những con sóng hiền hòa vỗ về bãi biển Cửa Đại thơ mộng, nhưng ẩn chứa những sức mạnh khủng khiếp. Nó có thể bào mòn đất, cát, đá và cả những rừng phi lao, dừa… theo từng đợt sóng. Chỉ trong vòng 2 năm, sóng đã đánh trượt hơn chục héc ta bãi biển. Tình trạng biển xâm thực Cửa Đại đã được dự báo từ năm 1989. Còn nhớ, trong cơn bão số 8 năm 1989, sóng biển đã phá tan bờ biển Cửa Đại, chia cắt làm đôi xã Cẩm An cũ, nay thuộc phường Cửa Đại, sau thời gian tự bồi lấp trở lại. Tuy nhiên lúc đó không có nhà chuyên môn nào nghiên cứu đánh giá tác động, mà chỉ cho rằng do thiên tai.
Quầy bar của Khu nghỉ dưỡng Hội An Beach Resort bị sóng cuốn sập.  (ảnh chụp năm 2014)
Quầy bar của Khu nghỉ dưỡng Hội An Beach Resort bị sóng cuốn sập. (ảnh chụp năm 2014)
Từ năm 2005 đến nay, tình trạng xâm thực bãi biển ngày càng nghiêm trọng, làm biến mất các bãi tắm, ngày càng kéo dài theo hướng bắc, đe dọa các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Nhiều khách sạn sắp đưa vào hoạt động đã bị sóng đánh sập xuống biển như Fusion Alya, hay resort Vingroup. Để chống đỡ tạm thời và bảo vệ tài sản, nhiều chủ khách sạn đã bỏ ra vài chục tỷ đồng làm kè tạm.
 “Cửa Đại không chỉ tạo ra thương cảng Hội An, trung tâm kinh tế lớn, hay phố cổ Hội An với quốc tế cả chục thế kỷ trước. Mà nó còn tạo ra một nền văn hóa đa dạng và sinh động nhờ sự giao thoa đa quốc gia. Đặc biệt nó còn tạo ra rất nhiều thứ nổi tiếng của xứ Đàng Trong lúc đó, như nghề mộc, nghề dệt lụa… Đặc biệt là ghe bầu, thương hiệu xứ Quảng. Từ cuối thế kỷ 19, Cửa Đại bồi lấp đã ảnh hưởng nghiêm trọng các nghề truyền thống xứ Quảng, và phố cổ Hội An vắng bóng thương thuyền, trở thành phố vắng hơn một thế kỷ”.
Nhà nghiên cứu lịch sử Hội An, Nguyễn Đức Minh
Từ năm 2007 - 2014, có trên 70 phương tiện tàu thuyền và chục người bị sóng đánh chìm tại Cửa Đại. Theo ngư dân, nguyên nhân chủ yếu là cửa sông ra biển bị bồi lấp, đổi dòng. “Cửa Đại trước kia hiền lắm, tàu thuyền ra vào dễ dàng. Khoảng năm 1986 - 1987 đến nay, cửa bị bồi quá nặng, làm cạn dòng chảy, tạo ra sóng dữ. Dù tàu to thuyền lớn cũng không thể vào khi gặp thời tiết xấu” - ông Huỳnh Bốn, người có kinh nghiệm trên 40 năm ra vào Cửa Đại chia sẻ.
GS-TS. Marcel Stive, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nghiên cứu kỹ thuật công trình biển (thuộc Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan, kiêm Giám đốc khoa học của Trung tâm Nghiên cứu về nguồn nước Delft) và PGS-TS. Nguyễn Trung Việt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung có chung quan điểm rằng: “Nguyên nhân gây nên tình trạng sóng biển xâm thực, gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển Cửa Đại cần phải có đánh giá trên cơ sở nghiên cứu chi tiết về các điều kiện về địa hình, địa chất, thủy văn cũng như chế độ sóng, dòng chảy của bờ biển Hội An. Bởi biển xâm thực không chỉ lúc bão gió, ngay năm 2014, biển bị xâm thực nặng trong thời tiết bình thường.
GS-TS. Marcel Stive cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình đã thành công tại Hà Lan: “Muốn có được giải pháp khả thi phòng chống hiệu quả, bền vững để giữ được bãi biển Cửa Đại, phải có công trình nghiên cứu khoa học lớn, nhưng nó thật sự tốn kém đến tài chính. Hà Lan là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn đến biển. Và Hà Lan đang ở dưới mực nước biển 1m. Để giữ và bảo vệ thành công nạn xâm thực, Chính phủ Hà Lan tốn rất nhiều tiền cho việc nghiên cứu”. (MINH HẢI)
GIÁM SÁT SẠT LỞ QUA HỆ THỐNG VIDEO-CAMERA TRỰC TUYẾN
Đây là đề xuất của PGS-TS Nguyễn Trung Việt – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung. Với những nỗ lực nghiên cứu của ông cùng các cộng sự, bước đầu đã tìm ra nguyên nhân, cơ chế gây sạt lở và giải pháp chỉnh trị tổng thể cho vùng cửa sông và bờ biển Quảng Nam.
PGS-TS. Nguyễn Trung Việt chia sẻ thêm về các giải pháp trước mắt và cả lâu dài để ngăn chặn xâm thực biển ở Cửa Đại:
Thời gian qua được sự quan tâm đặc biệt về chuyên môn và hỗ trợ một phần kinh phí từ phía đối tác nước ngoài, chúng tôi đã có phân tích và đánh giá sơ bộ về nguyên nhân, cơ chế gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển Cửa Đại.
Tuy nhiên, để có được giải pháp chỉnh trị tổng thể cho vùng cửa sông và bờ biển Quảng Nam, việc hết sức cấp bách và cấp thiết là phải có một đề tài nghiên cứu tổng thể hơn để mô phỏng một cách định lượng về các yếu tố gây nên xói lở bờ biển Cửa Đại, từ đó có thể lượng hóa cụ thể về giải pháp chỉnh trị cho toàn bộ vùng cửa sông và bờ biển Cửa Đại, Hội An. Xin lưu ý ở đây là phải có giải pháp một cách đồng bộ trên toàn bộ dọc bờ biển khu vực Cửa Đại, không thể giải quyết một cách cục bộ một vài nơi trên tuyến đường bờ Âu Cơ. Khi có kết quả nghiên cứu cần khẩn trương có dự án chống xói lở bờ biển.
PV: Liệu có khả thi không bởi nước mà, chặn chỗ này thì nó sẽ bứt chỗ kia! Nếu ngăn chặn được ở Cửa Đại thì có ảnh hưởng đến vùng bờ khác không?
Ông Nguyễn Trung Việt: Như tôi đã nói, hoàn toàn không thể giải quyết một cách “cục bộ” mà phải giải quyết một cách đồng bộ, tổng thể dọc suốt gần 7km bờ biển Cửa Đại.
PV: Các ông đang tham khảo giải pháp chỉnh trị sông truyền thống của Nhật Bản. Khả năng áp dụng cho Cửa Đại, cho vùng bờ của Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung Việt: Các kinh nghiệm về lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu công trình biển trên thế giới, đặc biệt là ở Nhật Bản có thể xem xét để áp dụng cho trường hợp ở Cửa Đại. Nhật Bản là nước phát triển và đã rất thành công trong lĩnh vực kỹ thuật công trình biển. Một điều rất thú vị là khu vực cửa sông và bờ biển Tenryu, Nhật Bản có tính tương tự với khu vực cửa sông và bờ biển Cửa Đại (về diện tích và chiều dài lưu vực sông, điều kiện sóng, tình trạng xây dựng hệ thống thủy điện ở thượng lưu và tình trạng khai thác cát dọc sông và khu vực cửa sông…), do vậy việc áp dụng những kinh nghiệm mà Nhật Bản đã thành công sẽ có ích và rút ngắn thời gian cho trường hợp Cửa Đại nói riêng và các cửa sông ven biển ở Việt Nam nói chung.
Một điều hết sức thuận lợi nữa là GS-TS. Hitoshi Tanaka, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng dân dụng (JSCE), Nhật Bản và là giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu công trình biển đặc biệt yêu quý Việt Nam. Hiện giáo sư nỗ lực tìm kiếm nguồn kinh phí từ phía Chính phủ Nhật Bản để hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng dự án chống xói lở bờ biển Cửa Đại.
PV: Với tình trạng cấp bách của Cửa Đại, ông nghĩ chính quyền cần làm những gì, ngay từ bây giờ?
Ông Nguyễn Trung Việt: Nhiều nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu, đánh giá các nguyên nhân chi tiết về cơ chế xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông. Từ đó khẳng định giải pháp tư vấn, xây dựng cho dự án. Tuy nhiên, hoàn toàn chưa có kinh phí đầu tư để cho các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, khẳng định giải pháp kỹ thuật thông qua tính toán mô phỏng trên cơ sở có đầy đủ số liệu!
Vì vậy, chính quyền các cấp nên quan tâm đúng mức và kịp thời để các nhà khoa học, các cơ quan đào tạo, nghiên cứu thực sự vào cuộc. Cần phải đầu tư để quan trắc đánh giá diễn biến xói lở vùng cửa sông và bờ biển, đây chính là cơ sở để định lượng được sự bồi lấp cửa sông, xói lở bờ biển.
Một điều quan trọng nữa, việc nghiên cứu cơ chế xói lở bờ biển Cửa Đại cần được giám sát liên tục, dài hạn thông qua hệ thống video-camera trực tuyến được ứng dụng công nghệ tiên tiến của Cộng hòa Pháp chuyển giao cho Việt Nam (thông qua đề tài khoa học và công nghệ theo nghị định thư cấp nhà nước) để có thể quan trắc, tập hợp đủ thông tin số liệu nhằm có cơ sở đầy đủ hơn trong việc đề xuất giải pháp hợp lý và tổng thể tái tạo bãi biển Cửa Đại. Hiện nay, thiết bị đã được phía Nhật Bản tài trợ nhưng chưa thể triển khai vì chưa có cột điện để gắn thiết bị lên giám sát.  (PHAN HOÀNG (thực hiện))
GIẢI PHÁP BẢO VỆ BỜ, TẠO BÃI THEO HIỆU ỨNG "TOMBOLO"
Mới đây, đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc bảo vệ bờ biển, cửa sông phục vụ quản lý, phát triển bền vững vùng ven biển Quảng Nam” do TS. Lê Đình Mầu (Viện Hải dương học chủ nhiệm) được Hội đồng nghiệm thu của Sở KH-CN đưa ra bàn thảo.
Thực hiện trong vòng 2 năm, TS. Lê Đình Mầu và cộng sự đã làm rõ sự biến động của bờ biển, cửa sông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1965-2014, nêu rõ hiện trạng các công trình bảo vệ bờ biển, cửa sông và trong đó, hiện trạng xói lở nặng ở bờ biển Cửa Đại là một trong những tâm điểm.
Trên cơ sở nghiên cứu, TS. Lê Đình Mầu đề xuất nhóm giải pháp bảo vệ bờ, tạo bãi theo hiệu ứng “Tombolo”, tức thiết kế các kè phá sóng nằm xa bờ với 3 phương án. Trong đó, phương án rẻ tiền nhất là tạo các bãi tắm xen giữa các resort hiện hữu để 2 resort bên cạnh có bãi tắm chung. Một giải pháp nữa là tiến hành xây dựng liên tiếp hệ thống kè phá sóng xa bờ, cách bờ 150-200m và một kè chắn bồi tích tại gần mũi Cửa Đại, tạo ra một bãi cát dưới dạng tombolo. Giải pháp thứ 3 là xây dựng liên tiếp hệ thống kè phá sóng xa bờ, mỗi kè dài 100m, cách nhau 50m, cách bờ 150 - 200m, mỗi kè vừa chắn sóng, vừa giữ bãi cát nhân tạo. Phương án này sẽ tạo ra một hệ thống bãi cát kép, bên trong bờ có dạng tombolo, xa bờ là bãi nhân tạo.
Theo ông Trần Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở TN-MT, đề tài đưa giải pháp nhưng chưa có những thông tin cơ bản về mặt khoa học và thực tiễn, để từ đó các nhà đầu tư lựa chọn phương án, giải pháp… nên chưa thuyết phục. Một số thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá, với Cửa Đại, đề tài vẫn chưa mạnh dạn đưa ra cảnh báo, kiến nghị cụ thể cái gì nên và không nên đối với ngành chức năng trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc quy hoạch xây dựng các công trình, hệ thống nhà hàng, khách sạn phục vụ du lịch tại Hội An…
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết: “Điều chúng tôi cần là đề tài có thể mở ra được hướng giải quyết gì về tình trạng sạt lở ở thành phố du lịch. Các nhà khoa học cần đề ra những cảnh báo, cái gì nên và không nên để thành phố lấy đó làm cơ sở cho điều chỉnh, xây dựng quy hoạch, quản lý phục vụ phát triển bền vững”.(HOÀNG LIÊN)

Theo Báo Quảng Nam
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment