Test Footer 2

Việt Nam trước hiểm họa nước biển dâng cao - Bài 2: Đắp đê lớn bao quanh ĐBSCL?

Khi nước biển dâng, nông nghiệp sẽ là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thanh Niên có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học về các giải pháp chống ngập và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.  Nghe đọc bài

* Thưa Thứ trưởng, khi nước biển dâng 1m, một phần không nhỏ diện tích trồng lúa sẽ bị ngập, chúng ta phải làm gì để bảo đảm an ninh lương thực ?
- Các nhà khoa học chỉ ra rằng, khi nước biển dâng, tùy từng mức độ sẽ có những phần diện tích canh tác tương ứng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng bằng sông Hồng và đồng bằng duyên hải bị ngập, bị nhiễm mặn. ĐBSCL là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, theo tính toán sơ bộ, nước biển dâng 1m, lũ sẽ gây ngập 90% diện tích trong 4 tháng rưỡi - 5 tháng/năm, vào mùa kiệt nước mặn (nồng độ muối 4%0) xâm nhập trên 70% diện tích. Vì đây là những vựa lúa của cả nước nên chắc chắn khi đó, an ninh lương thực sẽ bị đe dọa.


 Việt Nam trước hiểm họa nước biển dâng cao - Bài 2: Đắp đê lớn bao quanh ĐBSCL? - ảnh 1
Ngay từ bây giờ chúng ta phải bắt tay nghiên cứu đón đầu để có được các giống lúa chịu mặn, chịu ngập, chịu hạn cho năng suất cao…
Thứ trưởng Đào Xuân Học

Quan điểm của chúng tôi là nếu nước biển dâng ở mức 1m thì sẽ sử dụng giải pháp công trình để đảm bảo ĐBSCL vẫn sản xuất được 2 vụ lúa trong năm. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, chúng ta phải bắt tay nghiên cứu đón đầu để có được các giống lúa chịu mặn, chịu ngập, chịu hạn cho năng suất cao, đề phòng trường hợp các giải pháp công trình không phát huy hiệu quả và mực nước biển dâng quá cao. Tôi được biết, chúng ta đã có quỹ gien lúa chịu ngập, mỗi ngày có thể cao lên từ 15 - 20 cm nhưng năng suất còn thấp. Bây giờ, nhiệm vụ của các nhà khoa học là phải khôi phục giống lúa này và cải tạo để có giống lúa vừa chịu ngập tốt, vừa đảm bảo năng suất cao. Bên cạnh đó, cơ cấu lại cây trồng theo hướng tìm các loại cây trồng thích ứng với đất đai từng vùng và biến đổi khí hậu để đảm bảo an ninh lương thực là giải pháp mà chúng ta cũng phải tính đến. * Chúng ta có tính đến việc đắp đê để ngăn nước biển dâng?
- Tuyến đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam đang được gia cố, nâng cấp nhưng rất tiếc là chưa tính đến yếu tố nước biển dâng. Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ đề án xây dựng và nâng cấp tuyến đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, trong đó có tính toán đến tác động của nước biển dâng trong tương lai. Theo đó, "hệ thống phòng thủ" sẽ được bày binh bố trận như sau: rừng ngập mặn được trồng từ 500m - 1km tùy từng vị trí, tiếp đến là tuyến đê đất, hệ thống cống chống mặn xâm nhập, sau đê có một đoạn lưu không, rồi đến trục đường giao thông ven biển có cao trình đảm bảo...
Tại ĐBSCL, giải pháp kỹ thuật được áp dụng để đảm bảo cấy 2 vụ lúa khi nước biển dâng cao 1m còn nhắm tới mục tiêu bảo đảm an toàn cho nhân dân. Bộ NN-PTNT đang tiến hành xây dựng "Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng". Trong đó, giải pháp đắp đê lớn bao quanh ĐBSCL cũng được tính đến. Về lý thuyết chúng ta có thể thực hiện được, nhưng cần phải lưu ý đến các quy định của Ủy ban sông Mê Kông và điều kiện tài chính của đất nước có cho phép hay không.
Bộ NN-PTNT trong nội dung tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thủy lợi đến năm 2020 nhấn mạnh: "Đến năm 2070 mực nước biển có thể nâng cao 0,90m so với hiện nay; 0,5 triệu ha đất của đồng bằng sông Hồng và 1,5-2,6 triệu ha đất của ĐBSCL sẽ bị ngập bởi thủy triều nếu không có hệ thống công trình bảo vệ". (M.V)
Giải pháp thứ hai gọi nôm na là "sống chung với lũ". Đê được đắp như bờ bao theo từng ô, mùa lũ vẫn tháo cống để nước chảy vào những khu vực không có dân cư đã được quy hoạch trước đó. Tuy nhiên, nếu áp dụng giải pháp này, nước mặn sẽ xâm nhập, nên bài toán mới được đặt ra là chúng ta sẽ phải đi tìm nguồn cung cấp nước ngọt ở đâu. Đây mới chỉ là những tính toán sơ bộ ban đầu, cần phải cân nhắc kỹ các giải pháp rồi lựa chọn phương án tối ưu để thực hiện có hiệu quả. * Có cách nào để chống ngập cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nước biển dâng, thưa Thứ trưởng?
- Theo tính toán, các địa phương như TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long và Hải Phòng sẽ chịu ngập lớn do triều cường. Hiện tình trạng ngập ở các đô thị đang ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, triều cường nhiều lần làm vỡ bờ bao khiến TP.HCM bị ngập trên diện rộng, mỗi khi có triều cường thì 50% diện tích TP Cần Thơ ngập nước. Bộ NN-PTNT thực hiện quy hoạch chống ngập cho TP.HCM và đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, hệ thống đê và cống sẽ được thiết lập ngăn không cho triều cường xâm nhập, nước mưa sẽ được tích trữ trong hồ và kênh rạch đợi khi triều xuống sẽ tháo cho rút. Bên cạnh đó, giải pháp bơm vợi cũng sẽ được áp dụng tại một số nơi, đơn cử như khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tôi tin, dự án hoàn thành sẽ giải quyết triệt để ngập do lũ, triều cường và tạo nền thoát nước mưa cho thành phố.
Cách chống ngập cho các thành phố khác về cơ bản cũng là đắp đê, xây cống và quy hoạch tích trữ nước mưa nhưng sẽ được tính toán để áp dụng phù hợp với điều kiện, đặc điểm địa hình của từng nơi. Hiện chúng tôi đang thực hiện xây dựng quy hoạch chống ngập cho TP Cần Thơ trong khi TP Cà Mau cũng đã đặt hàng miệng với Bộ NN-PTNT về lập quy hoạch chống ngập.
* Xin cảm ơn ông!
Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ, những năm gần đây diện tích đất trồng lúa ở khu vực này đã có xu hướng suy giảm; năm 2000 diện tích trồng lúa của vùng trên 3,94 triệu ha, đến năm 2006 chỉ còn 3,77 triệu ha. Mặt khác, tính đa dạng sinh học ở những khu rừng ngập mặn ven biển; những mô hình nuôi, trồng thủy sản cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi nước biển dâng. (C.N)
Những cách ứng phó
ĐBSCL trước nay được xem là vùng sản xuất lương thực, thủy sản lớn nhất cả nước. Vùng canh tác lúa là vùng đất trũng ngập nước theo mùa mưa với cao trình thấp 0,5 - 1,5m so với mực nước biển. Vì vậy khi mực nước biển dâng cộng với việc bị nhiễm mặn, nếu không có giải pháp ngăn chặn thì sẽ không thể canh tác nông nghiệp.
Tổng kết kinh nghiệm từ nhiều nơi trên thế giới, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội) cho rằng “có 3 cách ứng phó với nước biển dâng là: bảo vệ (chống đỡ hay đương đầu), thích nghi và rút lui về phía sau. Ông cho rằng, 3 cách này đều có thể áp dụng với các đối tượng là công trình kiên cố, sản xuất nông nghiệp, các hệ sinh thái và đặc biệt là hệ sinh thái đầm lầy”.
Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ thì cho rằng cần đánh giá chính xác những tác động của biến đổi khí hậu, mức nước biển dâng trong khu vực để có những giải pháp chiến lược. Từ đó quy hoạch tổng thể hệ thống đê biển, cửa sông. Đồng thời xây dựng quy hoạch tổng thể vành đai rừng ngập mặn ở các tỉnh ven biển ĐBSCL từ Long An đến Kiên Giang để đảm bảo an toàn phòng hộ chắn sóng và bảo vệ cân bằng môi trường.
Mặt khác, phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho các cấp chính quyền và ngành chức năng; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Tuyên truyền giúp mọi người nhận thức được những tác động của biến đổi khí hậu gây nên. Trong quy hoạch cần phân vùng thủy văn, thủy lực theo các phương án mực nước biển dâng để có những giải pháp thích hợp.
Chí Nhân
Quang Duẩn-TNO
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment