Test Footer 2

Việt Nam-Philippines tăng hợp tác ứng phó sự cố tràn dầu trên biển

Hồi tháng 10/2013, tàu Panama mắc cạn tại vị trí cách đảo Lý Sơn khoảng 6 hải lý về hướng Tây Bắc, đã làm tràn dầu ra biển (Ảnh:
Ngày 10/3, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị song phương giữa Việt Nam và Philippines nhằm trao đổi kinh nghiệm, đánh giá kết quả thực hiện về hợp tác trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên biển, xây dựng kế hoạch triển khai cho các năm tiếp theo. 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Vũ Sĩ Tuấn cho rằng, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong quản lý, sử dụng, khai thác biển và tài nguyên biển nói chung, cũng như trong ứng phó sự cố tràn nói riêng, Việt Nam và Philippines đã ký Bản Thỏa thuận về hợp tác xử lý sự cố tràn dầu trên biển vào tháng 10/2010. 

Hội nghị được tổ chức lần này là cơ hội để xem xét, đánh giá kết quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu; Trao đổi về công tác phối hợp thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa hai nước; Đề xuất những nội dung cần điều chỉnh bổ sung của Thỏa thuận; Xây dựng kế hoạch hợp tác trong thời gian tiếp theo. 

Đến nay, các cơ quan liên quan phía Việt Nam đã tích cực triển khai và phối hợp với các đối tác Philippines thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch thực hiện Thỏa thuận giữa hai nước, đạt được một số kết quả nhất định. 

Thỏa thuận giữa hai nước đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực đánh giá rủi ro, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu trên biển. 

Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp giữa hai nước đã nâng cao năng lực hệ thống giám sát, phát hiện, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu. 

Hội nghị này là một trong số các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện, mục đích để trao đổi kinh nghiệm giữa hai nước, đánh giá kết quả thực hiện về hợp tác trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên biển và xây dựng kế hoạch triển khai cho các năm tiếp theo. 

Mục tiêu của thỏa thuận đã được ký kết 2010 cho tới nay là dựa trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ nguồn lợi tài nguyên, môi trường biển và các khu vực biển khỏi những nguy hiểm do tàu, công trình ngoài khơi, bến cảng và các phương tiện vận tải. 

Để thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Philippines cho sự hợp tác trong việc chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 1864 ngày 21/10/2011 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định. 

Mục tiêu của kế hoạch phối hợp giữa hai nước nhằm tiến hành đào tạo lại, huấn luyện và diễn tập, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và ứng phó, khắc phục và giải quyết sự cố tràn dầu trên biển.

Bên cạnh đó, nghiên cứu và phát triển các dịch vụ ứng phó, hợp tác quốc tế và ngăn ngừa ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cử phái đoàn đến Philippines vào tháng 10/2014 để thảo luận và bàn bạc về việc thực hiện Hiệp định. 

Phía Việt Nam đã thực hiện 14 đề án, dự án bao gồm 10 dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện và bổ sung 5 nhiệm vụ trong Kế hoạch ban hành. 

Đánh giá những kết quả đã đạt được, đại diện lãnh đạo của Lực lượng phòng vệ bờ biển của Philippines cho rằng mặc dù đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác ứng phó với sự cố tràn dầu cũng như các hoạt động hợp tác hiệu quả và các thỏa thuận trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu. 

Philippines đề xuất trong thời gian tới, hai bên cùng nâng cao năng lực ứng phó sự cố tràn dầu, đào tạo sâu rộng nguồn nhân lực và tăng cường cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các nước. 

Vùng biển Việt Nam là loại biển mở nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là một trong những trục hàng hải có lưu lượng tàu bè qua lại rất lớn, trong đó nhiều tàu chở dầu.

Tuy chưa xếp vào biển có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng vùng biển Việt Nam cũng được cảnh báo là có nguy cơ ô nhiễm cao trong tương lai, vì công nghiệp đang phát triển mạnh ở các vùng duyên hải, cộng thêm hoạt động thăm dò, khai thác, vẫn chuyển dầu khí trong khu vực ngày càng gia tăng, trong khi nơi đây lại thường xuyên xảy ra những thiên tai nguy hiểm trên biển./. 
LÝ THANH HƯƠNG
(TTXVN/VIETNAM+)
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment