Test Footer 2

Thiếu định hướng chiến lược - KHCN biển chưa phát triển đúng tầm

(TN&MT) - Không thể phủ nhận những  thành tựu mà ngành khoa học biển đã góp sức tạo ra mức đóng góp 20 – 22% GDP hàng năm từ kinh tế biển, song nhìn lại, chỉ trong khu vực, có thể thấy tính chất manh mún và lạc hậu của hệ thống KHCN biển Việt Nam trong bối cảnh hiện nay...
Khoa học nâng vị thế biển Việt Nam
Những năm qua, nhờ có các công trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong điều tra nghiên cứu biển mà Việt Nam đã đánh giá đuợc tiền năm, dự báo triển vọng và định hướng tìm kiếm khoáng sản biển, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và hydrate; năng lượng biển (nhiệt, gió, sóng, thuỷ triều và sinh khối...); tiềm năng sử dụng nước và đất ngập nước ven bờ.
Cùng với đó là việc đánh giá, hệ thống lại các hệ sinh thái biển, vùng bờ biển và hải đảo với trên 12.000 loài, phân bố của các khu hệ sinh vật, những đặc trưng cơ bản về đa dạng sinh học và một số quá trình sinh học, năng suất sinh học các vùng biển. Từ đó nâng cao giá trị kinh tế, vị thế của vùng biển Việt Nam. Đặc biệt hoạt động điều tra khảo sát biển, đảo đã góp phần khẳng định chủ quyền và lợi ích của Việt Nam trên biển. Các kết quả nghiên cứu được sử dụng làm cơ sở khoa học để đàm phán, đấu tranh phân định ranh giới trên biển và xác định chủ quyền lãnh hải, nhất là đối với Vịnh Bắc Bộ, các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vùng cửa sông Bắc Luân... Các tờ bản đồ địa hình trên vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa được biên vẽ theo phân công của tổ chức IOC\WESTPAC góp phần khẳng định chủ quyền và ở mức độ nào nhất định đó là sự công nhận Quốc tế đối với các vùng biển - đảo này của Việt Nam. Tài liệu về hình thái địa hình, cấu trúc địa chất biển... là căn cứ khoa học quan trọng góp phần chỉ rõ ranh giới ngoài thềm lục địa, giúp đàm phán xác định chủ quyền trên biển. Nhiều nghiên cứu đã hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện môi trường sống của bộ đội, nhân dân trên các đảo.
Cần một chiến lược phát triển KHCN biển đúng tầm. Ảnh: MH
Cần một chiến lược phát triển KHCN biển đúng tầm. Ảnh: MH
Các nhà khoa học đã tham gia hợp tác quốc tế nghiên cứu biển dưới các hình thức song phương, đa phương, các chương trình quốc tế, các nhiệm vụ nghị định thư Nhà nước, các hợp tác nghiên cứu được ký kết giữa cấp viện và trường đại học với phương thức hợp tác khá đa dạng. Thông qua hợp tác, trình độ cán bộ đã được nâng cao rõ rệt, tiếp thu và ứng dụng được những thành tựu lý luận, phương pháp, kỹ thuật hiện đại trong nghiên cứu biển và cũng từ đó, quốc tế có cơ hội hiểu hơn về tiềm năng kinh tế biển Việt Nam.
Phát triển chưa tương xứng
Tuy đã đạt được một số những thành quả đáng kể, song chất lượng nghiên cứu khoa học công nghệ chưa đồng đều và hiệu quả ứng dụng chưa cao là “lỗi” phổ biến hiện nay. Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu còn thiếu tính chuyên nghiệp, nội dung nghiên cứu còn thiếu chiều sâu và dàn trải. Không ít các công trình nghiên cứu kéo dài mà đến khi kết thúc thúc thì kết quả của nó không còn sử dụng được trong thực tiễn. Mặt khác, KHCNB đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, trong khi chưa có cơ sở chính thống nào đào tạo chuyên gia và rất ít cơ quan nghiên cứu chuyên về  KHCNB. Gần đây một số đơn vị mới thành lập nghiên cứu về biển, nhưng còn rất thiếu phương tiện, chuyên gia và kinh nghiệm. Không ít tổ chức, đơn vị không chuyên nhận nhiệm vụ nghiên cứu biển nên công trình nghiên cứu ít thể hiện tính chuyên nghiệp, nội dung nghiên cứu thiếu chiều sâu. Nội dung, phạm vi và đối tượng nghiên cứu còn dàn trải, nên kết quả khó tránh định hướng chung chung theo bề rộng, thiếu chi tiết và định lượng. Ví dụ, hiện nay, biến đổi khí hậu đang là một vấn đề mới, nhưng rất thiếu những nghiên cứu chuyên sâu và định lượng. Với cách tiếp cận như hiện nay, rất khó hình thành các tập thể khoa học mạnh theo chuyên ngành, rất ít khả năng có những nghiên cứu hệ thống theo chiều sâu để đạt được hiệu quả ứng dụng thực tiễn cao, những giải thưởng cao hay được các công bố ở các tạp chí uy tín của thế giới.
 Do hạn chế lớn về phương tiện và thiết bị khảo sát, kinh phí đầu tư và cả về trình độ, kinh nghiệm của cán bộ khoa học, các công trình nghiên cứu cho các vùng biển sâu và biển xa còn rất hạn chế, phần nhiều dựa vào tài liệu khảo sát của nước ngoài, hoặc thực hiện được nhờ các chuyến khảo sát hợp tác quốc tế. Những hạn chế này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên, ngăn ngừa phòng chống thiên tai mà còn hạn chế về khả năng đảm bảo chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Cần một chiến lược về khoa học công nghệ
Vấn đề phát triển kinh tế biển còn chưa thật sự phát triển, dàn trải và manh mún có nguyên nhân chủ yếu nhất là chậm có một chiến lược phát triển KHCNB. Mặc dù có những nhiệm vụ được xác định theo kế hoạch 5 năm, song việc chậm có chiến lược phát triển và ứng dụng KHCN biển sẽ hạn chế tầm cỡ, quy mô, trọng tâm, tính liên tục và kế thừa của các nhiệm vụ nghiên cứu, ảnh hưởng đến tiến độ và tiềm lực phát triển của lĩnh vực.
Trên thực tế, vì chưa có một chiến lược về KHCNB nên các nhiệm vụ được đặt ra chưa thật định hướng rõ ràng và thiếu tính hệ thống, chủ yếu xuất phát từ các hoàn cảnh, tình huống phát sinh. Vì vậy, khó tránh được có những nhiệm vụ trùng lặp, hoặc cần nhưng lại thiếu và khó có thể phát triển nghiên cứu có định hướng theo quy mô mở rộng hay nâng cao. Còn chậm chuyển hướng vào công nghệ dự báo, công nghệ phục hồi hay quy trình quản lý. Nhiều vấn đề mới và cấp thiết nhưng triển khai chậm so với yêu cầu của thực tiễn và trễ khoảng 5-10 năm so với các nước trong khu vực. Khi có vấn đề đột xuất hoặc tình huống bất thường, hoạt động KHCNB chưa đủ năng lực để ứng phó và giải quyết kịp thời. Chỉ riêng việc ứng phó với vụ tràn dầu ven biển Vũng Tàu hàng năm đều xảy ra song vẫn không rõ nguồn gốc đã thể hiện rõ hạn chế về cả năng lực quản lý và nghiên cứu, thiếu tài liệu điều tra cơ bản, quan trắc và giám sát môi trường.
Mặt khác, sau nhiều năm hoạt động, đội ngũ cán bộ khoa học biển này đã hình thành, nhưng chưa hoàn chỉnh về cơ cấu chuyên môn, hạn chế về cả số lượng và chất lượng, thiếu các chuyên gia có trình độ cao, hầu hết từ đầu không được đào tạo về KHCNB. Số cán bộ có trình độ tốt đào tạo từ khối nước XHCN trước đây hầu hết đã nghỉ hưu, số đào tạo mới từ nước ngoài chưa nhiều, không đủ đáp ứng yêu cầu. Trong nước ít có cơ sở đào tạo đạt trình độ cao về KHCNB.
Chính vì vậy, để có được nền KHCN biển phát triển, các nhà khoa học đã chỉ ra là cần có Chiến lược để xác định quy mô và tầm vóc của các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ, các vấn đề ưu tiên, lộ trình các bước và giải pháp thực hiện để phát triển các ngành khoa học kỹ thuật quan trọng. Mặt khác, có chiến lược cũng sẽ dễ dàng xác định những chính sách ưu tiên đặc biệt và có quan hệ mật thiết với luật KHCN, luật Biển và một số luật khác rất cần được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện để tạo ra khung pháp lý thuận lợi. Ngoài ra cũng cần chú trọng chính sách sử dụng nhân lực; ưu đãi và trọng dụng cán bộ khoa học; tôn vinh người có tài năng; đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế tài chính; chính sách và cơ chế  xã hội hoá nguồn tài chính; đẩy mạnh nghiên cứu triển khai và ứng dụng công nghệ ở các địa phương, các tập đoàn và cơ sở sản xuất là nhu cầu cần kíp hiện nay.
Minh Vũ-baotainguyenmoitruong.vn
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment