Test Footer 2

Nỗi lo… mùa nước mặn – Bài 1

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày một lấn sâu vào ruộng đồng khiến sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nông dân các tỉnh ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang phải gánh chịu những tác động trực tiếp đến đời sống hằng ngày như không đủ nước ngọt tưới tiêu cho đồng ruộng, thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường…
Mùa khô ở Nam bộ bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 5 năm sau là nỗi ám ảnh của người dân ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… vì thiếu nước ngọt cho sản xuất lúa và đặc biệt là nước cho sinh hoạt hằng ngày.
Khát nước ngọt
Có nơi ở Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh mà chúng tôi chứng kiến, người dân phải mua nước uống hằng ngày với giá 30.000 đồng/ can 30 lít, còn nước dùng cho tắm, giặt là nước nhiễm mặn, nhiễm phèn được múc lên từ các kênh mương.
Bà Đỗ Thị Kim Thu ngụ ở ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang cho biết, nhờ có con đang làm việc trên Thành phố Hồ Chí Minh có thu nhập tốt nên đã hỗ trợ gia đình bà mua sắm bồn chứa nước để tích trữ từ mùa mưa, chứ như mấy năm trước đều phải mua nước ngọt với giá “cắt cổ” thì khổ lắm. Bà Thu cho biết, gia đình bà cũng rất khó khăn vì mấy năm trước thường bị nước biển tràn vào nhà mỗi khi có gió chướng, biển động, khiến cây trồng, vật nuôi không sống nổi. Nhờ có tuyến đê biển mới được xây kiên cố nên nay không còn tình trạng nước biển tràn vào nhà nữa, nhưng mùa khô không có nước ngọt tưới tiêu nên cũng không thể trồng trọt được..
Tiếp xúc với chúng tôi, phần lớn bà con nông dân ở ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn đều cho biết, mỗi khi mùa khô đến là chúng tôi lại thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Cuộc sống mưu sinh chỉ dựa vào những chuyến ra khơi đánh bắt cá, tôm thôi. Hộ nào khá giả có tàu thuyền lớn mới đủ khả năng đánh bắt xa bờ, còn phần lớn bà con đều đi làm thuê cho các chủ tàu lớn và đánh ắt nhỏ gần bờ, nên cũng chẳng ai khá giả.
Ảnh minh họa: vietnamnet.vn
Ảnh minh họa: vietnamnet.vn
Ông Lê Văn Tiễn, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất cho chúng tôi biết, địa bàn xã là một vùng trũng nên ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng vào mùa khô, nước mặt bị ô nhiễm, nước ngầm bị nhiễm mặn. Ấp Vàm Rầy có 120/705 hộ sống ở đây chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khô hạn, thiếu nước ngọt sản xuất, sinh hoạt. Toàn xã có đến 60% dân sử dụng nước giếng khoan, phần còn lại họ lấy nước kênh mương dùng phèn chua lắng bẩn để sử dụng, nước uống hằng ngày họ phải mua với giá từ 10.000 – 30.000 đồng/can 30 lít. Thực tế các giếng khoan trong xã đều bị nhiễm phèn rất cao, nên phần lớn trẻ em, phụ nữ ở đây đều bị mắc các bệnh ngoài da.
Trao đổi với chúng tôi ông Lê Văn Tiễn bức xúc về dự án cống đập ngăn mặn trên địa bàn xã được triển khai xây dựng từ năm 2008 đến nay vẫn chưa hoàn thành đang gây ra nhiều thiệt hại cho nông dân. Mùa khô người dân vùng nuôi tôm, cá nước mặn không thể lấy nước nuôi trồng thủy sản. Mùa mưa lũ, hai cống Kênh 10 và Tám Nguyên không thể xả lũ khiến hàng trăm hécta lúa, hoa màu bị ngập úng chết. Thiệt hại hàng chục tỷ đồng của người dân. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, hầu hết các huyện thị ven biển của tỉnh người dân phải hứng chịu cảnh thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt trong mua khô.
Không chỉ mặn vùng ven biển
Ở huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang một vùng nằm sâu trong đất liền, cách biển khoảng 60km, nhưng nước mặn cũng đã xâm nhập vào các tuyến kênh xáng lớn nên địa phương phải đóng các cống ngăn mặn lớn, đắp đập trữ ngọt ở các tuyến kênh cấp 3, cấp 4 nội đồng. Ở U Minh Thượng phần lớn diện tích lúa Đông Xuân đã được nông dân thu hoạch, nên xâm nhập mặn không ảnh hưởng gì nhiều đến sản xuất lúa. Hầu hết các ao hồ trên địa bàn huyện mà chúng tôi đi qua đều trong tình trạng khô cạn, người dân có nơi phải đi xa hàng cây số để lấy nước sinh hoạt.
Ông Dương Quốc Khởi, Bí thư – Chủ tịch UBND xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng cho biết, phần lớn diện tích đất ở vùng ngoài đê bao là kết hợp trồng lúa nuôi tôm, còn trong đê bao chủ yếu trồng hoa màu và mía. Tình trạng xâm nhập mặn mỗi năm một vào sâu trong nội đồng, nên chính quyền xã đã chủ động đắp đập trữ ngọt, ngăn mặn từ tháng 12 năm trước cho đến hết tháng 5 năm sau khi có mưa xuống mới xả các cống đập nội đồng. Theo ông Khởi chính vì phải đắp quá nhiều các đập đất nội đồng nên đã làm tăng chi phí vận chuyển nông sản, mỗi năm nông dân trong xã thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.
Xuôi xuống bán đảo Cà Mau, ở các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh, Cái Nước, Ngọc Hiển, nông dân các huyện này đều đã thu hoạch xong lúa Đông Xuân. Đồng ruộng cò bay thẳng cánh đã được cày phơi ải trắng tinh, các kênh mương nội đồng chỉ còn rất ít nước ngọt. Theo bà con nông dân ở đây, họ phải chờ đến đầu tháng 5 khi có mưa xuống mới bắt đầu gieo sạ vụ Hè Thu. Còn hiện nay chỉ có đi làm thuê tứ tán khắp nơi để có thu nhập đảm bảo cuộc sống.
Ngay trong Vườn Quốc gia U Minh Hạ hiện cũng đang phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng ở mức cao. Phần lớn diện tích rừng đã bị khô hạn, các thảm thực vật sát mặt đất đã không còn đủ độ ẩm để duy trì sự sống. Các kênh mương trong rừng đều không còn nước, đang đặt các lực lượng phòng chống cháy rừng trước tình huống “sẵn sàng chiến đấu”.
Trên đường từ thị trấn U Minh ra bờ biển Khánh Hội dài khoảng 20km nhưng nhà cửa, ruộng vườn của người dân hai bên đường đều xơ xác, tiêu điều vì khô hạn. Các kênh mương trữ nước ngọt nội đồng ngày một cạn nhanh, bởi bây giờ đang vào mùa gió chướng.
Còn tại tỉnh Trà Vinh, tình hình xâm nhập mặn chưa diễn ra gay gắt, nhưng theo ông Đoàn Tấn Triều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này thì nông dân các huyện Duyên Hải, Tiểu Cần bị thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất. Lý do là các địa phương trên đều nằm ven biển và nằm ngoài vùng ngọt hóa của dự án Nam Mang Thít, nên vẫn thường thiếu nước vào mua khô.
Theo Thái Nguyên/TTXVN, 27/03/2014
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment