Test Footer 2

45% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt nhiễm mặn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cảnh báo, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nếu mực nước biển dâng cao như dự báo năm 2030 thì khoảng 45% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nguy cơ nhiễm mặn.
Tại hội thảo “Chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội tổ chức tại Cần Thơ ngày 21/3, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng cho biết năng suất lúa của vùng cũng được dự báo sẽ giảm 9%; tiểu vùng nước ngọt quanh năm đảo lộn, hệ thống sản xuất, sản lượng lương thực, vườn cây ăn trái, thủy sản nước ngọt bị tổn thất lớn.
Theo đánh giá của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, tháng 3-4/2009, nước mặn 10-40 phần nghìn đã xâm nhập sâu vào Đồng bằng sông Cửu Long từ 50-60 km; tháng 5 xâm nhập sâu khoảng 70km.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nào cũng bị khô hạn trầm trọng, diện tích nhiễm mặn có thể lên tới gấp hai lần. Do đó, các vùng trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là năng suất, sản lượng sẽ bị giảm do cây lúa dễ bị nhạy cảm với độ mặn trong đất và nước.
Ảnh minh họa: Huỳnh Phúc Châu/SaiGonphoto.net
Ảnh minh họa: Huỳnh Phúc Châu/SaiGonphoto.net
Theo giáo sư, tiến sỹ Lê Quang Trí – Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), nước biển dâng làm mặn xâm nhập sâu vào nội địa, việc canh tác giống chịu mặn là khả năng phải nghĩ tới trong tương lai. Đây là vấn đề nghiêm trọng mà các quan chức hoạch định chính sách, các chuyên gia quy hoạch, giới khoa học, các cán bộ địa phương và người dân phải nâng cao nhận thức.
Vì vậy, việc chia sẻ thông tin và tìm phương cách giảm nhẹ, thích ứng đang khẩn thiết đặt ra. Ông Trí cho rằng, sự do dự, nghi ngờ và thiếu trách nhiệm sẽ dẫn đến hậu quả xấu cho thế hệ mai sau, do đó cần có những hành động hợp tác nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Đó là mô phỏng các diễn biến khí hậu cho các giai đoạn kịch bản khác nhau; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên mọi mặt sinh thái môi trường, sản xuất nông thôn, phát triển đô thị; tìm các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu đựng ngưỡng thời tiết khí hậu khắc nghiệt hơn…
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng tạo ra 40% GDP nông nghiệp của cả nước. So với cả nước, sản lượng lương thực vùng chiếm 50%, thủy sản chiến 70%. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long lại được xem là vùng sẽ phải chịu tác động của biến đổi khí hậu nhiều nhất và những tác động này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực.
Hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được nhiều nhà khoa học xác nhận Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong khu vực Đông Nam Á cả về mặt sinh thái, hệ canh tác và cơ cấu xã hội.
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết trong danh mục 62 dự án ưu tiên cấp bách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt có đến 17 dự án của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Điển hình là các dự án xây dựng nâng cấp đê biển tây tỉnh Cà Mau; công trình cống sông Kiên, thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang); hệ thống công trình ngăn triều, chống ngập cho thành phố Bạc Liêu; nâng cấp đê biển, xây dựng đê bao chống ngập úng vùng trũng, xây dựng hệ thống ngăn mặn cho tỉnh Sóc Trăng…
Các dự án trên tập trung vào việc củng cố, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đê, kè sông, kè biển, hệ thống công trình thủy lợi nhằm điều tiết lũ, ngăn mặn, giữ ngọt; hệ thống cung cấp nước ngọt tại những vùng khô hạn và nhiễm mặn với phạm vi các công trình trải rộng trên cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Từ đó khẳng định các chính sách pháp luật, các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia của Đảng và Nhà nước về biến đổi khí hậu được xây dựng tương đối phù hợp, có tính đến điều kiện của các vùng miền khác nhau và đưa ra những giải pháp thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu cho từng vùng, miền.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội nhấn mạnh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và toàn xã hội đã rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường thông qua những chủ trương về trồng rừng, chương trình khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề…
Đặc biệt, những chương trình lấn biển, ngăn mặn ở các tỉnh phía Nam, trồng cây chắn cát, chắn sóng ven biển miền Trung… cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hiện những chương trình này cũng như ý thức của nhân dân trước biến đổi của thiên nhiên đã được nâng lên rõ rệt, góp phần chống lại những diễn biến và tác động xấu, cực đoan của khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và những tác động xấu của thiên nhiên đối với con người.
Ông Dũng khẳng định, chủ trương của Việt Nam đến năm 2020 về cơ bản chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm da dạng sinh học, duy trì cân bằng sinh thái, hướng đến kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt là chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển miền Trung.
Theo Thanh Sang/VietNamPlus, 21/03/2014
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment