Test Footer 2

Miền Trung: Thấp thỏm sống bên bờ biển sạt lở

Trong những năm qua, miền Trung đã dành hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng hàng trăm tuyến kè bảo vệ bờ sông, bờ biển. Nhưng trước diễn biến bất thường của khí hậu, liên tiếp dân miền Trung phải gánh chịu những cơn bão, lũ dữ dội, cùng với đó là những đợt triều cường tấn công đã khiến hàng loạt cửa biển, đê, kè chắn sóng bị sạt lở, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
 
Bờ biển sạt lở nghiêm trọng
 
Tại tỉnh Quảng Nam, những hộ dân đang sống ven bờ biển ngày đêm vẫn thấp thỏm bởi sự đe dọa của các tuyến kè biển. Hiện có khoảng 10.000 hộ dân ven biển ở TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) đang chung tình cảnh như trên. Nhiều ngôi nhà ở đây đang xây dựng bị sóng biển đánh hư hại nặng. Mạng sống của hàng chục ngàn người bị đe dọa. Trong đó, tuyến kè biển Cửa Đại dài 300 m vừa hoàn thiện cách đây 1 năm với kinh phí 100 tỉ đồng. Tuyến kè có 9 cấu kiện bê-tông ở 3 hàng gờ kè với diện tích gần 30 m2 đã bị sạt lở, dầm kè rộng 60 cm cũng bị đứt gãy. Hàng chục căn nhà ở khu vực này bị nước biển xâm thực, lộ rõ chân móng.
 
Trong khi đó, ở khu vực bờ sông Thu Bồn, thuộc địa phận Hội An, 2 bờ kè Ngọc Thành - Cẩm Phô và Thanh Hà bị sạt lở nặng. Kè Ngọc Thành - Cẩm Phô bị lún 45 m chân và mái kè, còn kè Thanh Hà bị lún chân, tụt đá mái kè và xói lở 125 m. Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, các tuyến kè bị sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Sau các đợt bão lũ thời gian qua, có khoảng 10.000 ngôi nhà ở các phường Cẩm An, Cẩm Thanh, Cửa Đại, xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm)… đứng trước nguy cơ bị sạt lở.
 
Người dân miền Trung thấp thỏm sống bên bờ biển sạt lở
 
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, những ngày qua đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở hàng chục km bờ biển ở các xã thuộc huyện Phú Vang, Quảng Điền và thị xã Hương Trà, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Hàng nghìn mét khối đất, cây cối... ven biển ở các xã Phú Thuận, Phú Hải và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), xã Vinh Hải, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc), xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) và xã Hải Dương (thị xã  Hương Trà) đã bị cuốn trôi tan hoang theo từng đợt triều cường và sóng dữ. Bờ biển tiếp giáp với khu vực sạt lở được đắp kè bảo vệ tại xóm Gềnh - Cồn Đâu (thôn Thái Dương Hạ Nam, xã Hải Dương) tiếp tục bị xâm thực sâu hơn 10m và dài khoảng 500m.
 
Tại tỉnh Phú Yên, những ngày qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự đã phải ký quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về tình sạt lở ven bờ biển khu vực xóm Rớ, phường Phú Đông (TP. Tuy Hòa), uy hiếp đến tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân trong khu vực. Tại đây, sóng biển liên tiếp đánh bổ vào bờ kè xóm Rớ, vượt qua đường Đinh Tiên Hoàng, gây nguy cơ kè tiếp tục sạt lở rất cao. Người dân địa phương cho hay, lúc biển động, thường xuất hiện những cột sóng cao từ 5-7m đánh dạt bờ kè gây xói lở mạnh, cuốn đất đá xuống biển, khiến người dân xóm Rớ phập phồng lo lắng.
 
Theo ông Ngô Thạch Phổ - Trưởng ban Quản lý dự án thủy lợi và phòng, chống thiên tai (QLDATL&PCTT) tỉnh Phú Yên, tỉnh vừa đầu tư 12 tỉ đồng thi công giai đoạn 1 Dự án kè chống xói lở bờ biển xóm Rớ với chiều dài 690m, bảo vệ trước mắt cho 180 hộ dân sinh sống trước mặt bờ biển. Tuy nhiên, tháng 11/2013 và 15/1/2014, triều cường đánh sập nhiều đoạn kè này với chiều dài 170m. Ngành chức năng của tỉnh phải huy động hàng trăm người dân, bộ đội, dân quân đến xóm Rớ giúp đỡ người dân dào bao cát, đắp thành bờ bao dọc biển để bảo vệ khu dân cư.
 
Cần kinh phí để bố trí tái định cư
 
Thực tế cho thấy, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai ngày càng khốc liệt hơn, cuộc sống của người dân ven biển miền Trung đang bị đe dọa bởi hiểm họa này. Cho dù các tỉnh ven biển miền Trung đã có nhiều dự án quy mô tầm cỡ về sắp xếp dân cư ven biển. Thế nhưng, không biết đến bao giờ những dự án này mới hoàn thành sứ mệnh của mình. Bởi hiện tại tiến độ nhiều dự án còn rất ì ạch. Trong khi đó, thực trạng hiện tại cho thấy triều cường, bão dữ liên tiếp uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân.
 

Trước tình hình sạt lở ven bờ biển nghiêm trọng tại Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam và đích thân ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam đã ra thị sát hiện trường. Theo ông Dũng, dự kiến việc khơi thông cửa biển sẽ mất nhiều thời gian. Trước mắt, cần khơi thông cửa biển ở phạm vi rộng từ 50 - 100 m, sâu 4 - 5 m để tàu thuyền lưu thông. Giai đoạn tiếp theo sẽ có kế hoạch triển khai nạo vét rộng hơn, xa hơn, ổn định hơn để bảo đảm lưu thông tuyến huyết mạch này, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương, ra khơi.
 
Tại Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự, đã giao Ban QLDATL&PCTT tỉnh phối hợp với UBND TP. Tuy Hòa thực hiện ngay việc định vị, cắm mốc biển báo khu vực đang bị sạt lở; khẩn trương di dời các hộ dân trong khu vực đã và đang tiếp tục bị sạt lở, uy hiếp bởi triều cường để đảm bảo an toàn cho người dân. Về lâu dài, kè xóm Rớ được thi công vững chắc với chiều dài 1.500m từ ngân sách trung ương.
 
Trao đổi với báo chí, ông Phan Minh Thắng - Chủ tịch UBND xã Phú Hải (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, nhiều địa phương ven biển, người dân các xã ven biển không chỉ canh cánh nỗi lo mất đất, trôi nhà, mà người dân nằm trong vùng sạt lở đều rơi vào tình trạng không có đất để tái định cư. Để ổn định cuộc sống, cần có dự án xây dựng kè chống xói lở người dân mới yên tâm. Mới đây, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã đầu tư trên 50 tỷ đồng, bố trí tái định cư cho hơn 1.000 hộ thuộc vùng sạt lở ven biển và đầm phá. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng trăm hộ ở vùng sạt lở đang sống trong vùng nguy hiểm, cần được hỗ trợ tái định cư để ổn định cuộc sống.
 
Bài và ảnh: Xuân Lam - Võ Hà- tainguyenmoitruong.com.vn
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment