Test Footer 2

Chủ tịch nước khảo sát đê biển ở Đồng bằng sông Cửu Long

VOV.VN - Chủ tịch nước nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu cần có giải pháp hiệu quả, đặc biệt ở các điểm xung yếu.

Tiếp tục chuyến khảo sát tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, trong 2 ngày hôm qua và hôm nay (3 và 4/3), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn công tác Trung ương đã đến kiểm tra tuyến đê biển và tìm hiểu đời sống của bà con ven biển các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Qua thực tiễn Chủ tịch nước nhấn mạnh trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu cần phải có giải pháp hiệu quả đầu tư cho các tuyến đê biển, đặc biệt là các điểm sạt lở ở vùng xung yếu để bảo vệ vùng đất cùng hệ sinh thái biển nhằm đảm bảo cuộc sống cho bà con vùng ven biển.
Là vùng trọng điểm chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau có đường bờ biển dài hàng trăm km. Những năm qua, cùng với sự đầu tư của Trung ương các địa phương đã từng bước quy hoạch đầu tư xây mới và nâng cấp hàng nghìn km đê sông và đê biển, kết hợp sử dụng rào chắn sóng, trồng rừng ngập mặn tạo thành hệ thống công trình ngăn mặn, giữ ngọt, chống triều cường, tạo bãi bồi khá hiệu quả. 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát tuyến đê biển ở Bạc Liêu
Tuy nhiên, do nguồn vốn thiếu nên việc triển khai nhiều dự án còn chậm chễ, thiếu đồng bộ, đặc biệt một số điểm trọng yếu đã xuống cấp bị nước biển xâm nhập gây sạt lở làm ảnh hưởng đến vùng đất ven biển và cuộc sống của bà con như khu vực đê biển Đông và đê biển Tây ở các xã Khánh Tiến, huyện U Minh, xã Khánh Bình Tây huyện Trần Văn Thời, xã Đất Mũi huyện Ngọc Hiển của tỉnh Cà Mau riêng năm 2013 thiệt hại tới 21 nghìn ha.
Nếu mực nước tiếp tục dâng như hiện nay thì trong thời gian tới Cà Mau có khoảng 90.000ha đất sản xuất có nguy cơ bị ngập, nhất là 2 huyện Ngọc Hiển, Năm Căn tỉnh Cà Mau.
Ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết:“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời gian gần đây, xâm thực biển diễn ra mạnh mẽ hơn. Có những vùng mỗi năm biển có thể xâm thực vào từ 10 – 20m. Đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng. Có những nguyên nhân do con người gây ra như không sử dụng hiệu quả tài nguyên biển, khai thác quá mức hệ thống rừng ngập mặn. Nguyên nhân nữa là sụt lún nền địa chất…”.
Các tuyến đê biển Vĩnh Tân, tỉnh Sóc Trăng, Nhà Mát tỉnh Bạc Liêu và Khánh Hội, U Minh thuộc đê biển Tây tỉnh Cà Mau là những điểm xung yếu đã và đang triển khai dự án xây mới và nâng cấp. Nhưng đây cũng là điểm bị tác động mạnh gây sạt lở nhiều đoạn đê biển cũ do tác động mạnh của nước biển dâng. Khảo sát trực tiếp khu vực này, Chủ tịch nước cho rằng, việc củng cố xây dựng những tuyến đê này là cấp bách để có thể ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.
Qua thực tiễn phải có quy hoạch chiến lược dài hạn và cụ thể với từng khu vực bởi tính chất dòng chảy của mỗi vùng biển khác nhau. Do đó, Chủ tịch nước đề nghị cần tập trung thu hút các nguồn vốn, kể cả sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài. Nhưng điều quan trọng là phải có giải pháp kỹ thuật với mô hình xây dựng hợp lý, nhất là với vùng xung yếu, chứ không thể như muối bỏ biển mà hiệu quả không bền vững.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát đê biển Cà Mau
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Phải tìm phương thức thí nghiệm, phải đưa nguồn lực vào. Nguồn lực thì dứt khoát Trung ương tìm cách hỗ trợ, nhưng khi tạo nguồn lực được rồi thì phương thức thực hiện còn lúng túng hoặc không đúng thì nguy hiểm, lại tốn kém. Đây là vấn đề lớn không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài”.
Chủ tịch nước đã dành thời gian đến thăm hỏi bà con nhân dân tại xóm chài Nhà Mát tỉnh Bạc Liêu và xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Trực tiếp thăm hỏi một số gia đình chính sách và hộ nghèo, Chủ tịch nước đã ân cần hỏi thăm cuộc sống của bà con với mong muốn làm sao để bà con vươn lên, nhất là với hộ nghèo. Chủ tịch nước đề nghị chính quyền các cấp cần tạo điều kiện cho bà con trong phát triển kinh tế. Đối với vùng ven biển cần tập trung vào nghề chính là nuôi trồng và đánh bắt hải sản.
Chủ tịch nước trực tiếp thăm hỏi một số gia đình chính sách và hộ nghèo

Ghi nhận kiến nghị của bà con về cho vay vốn đóng tàu và hỗ trợ xăng dầu cho đánh bắt cá xa bờ, Chủ tịch nước cho rằng sẽ lưu ý các bộ ngành tháo gỡ trong thời gian tới.
Làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của vùng sản xuất nông ngư nghiệp của ĐBSCL và nhấn mạnh tính cấp bách trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu bởi đây là khu vực chịu tác động mạnh mẽ đã và đang ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Bên cạnh yêu cầu tìm cho ra phương thức ứng phó phù hợp căn cứ vào đặc điểm của từng vùng cụ thể, Chủ tịch nước cũng lưu ý đến việc quy hoạch vùng sản xuất, cơ cấu mùa vụ cây trồng, vật nuôi để hạn chế sự mất cân đối cung cấu dẫn đến thiệt hại cho bà con nông dân và cả nền kinh tế của đất nước.
Đi đôi với cơ cấu mùa vụ, ngành nghề, Chủ tịch nước đề nghị cần ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. Đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và đóng vai trò của quan trọng trong nền kinh tế đất nước.
Trong chuyến công tác, Chủ tịch nước cũng đã đến thăm cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 634 Nhà Mát, Bạc Liêu và Đồn Biên phòng 696 Khánh Hội, Cà Mau. Đánh giá cao cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đã nỗ lực vượt qua khó khăn bảo vệ vững chắc biên giới và làm tốt công tác bảo vệ an ninh và chống buôn lậu trên biển, chủ tịch nước đề nghị cán bộ chiến sĩ biên phòng cần hỗ trợ giúp đỡ bà con xóa đói giảm nghèo và đặc biệt là tuyên truyền hướng dẫn bà con tuân thủ luật pháp khi hoạt động trên biển. Chủ tịch nước tin tưởng với truyền thống của lực lượng biên phòng, các chiến sĩ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tiếp đó, tới thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 9. Chủ tịch nước đánh giá cao công tác đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực. Chủ tịch nước khẳng định công cuộc đổi mới hội nhập thời gian qua đã đạt được kết quan trọng trong đó có vai trò của lực lượng quân đội nói riêng trong đảm bảo ổn định an ninh quốc phòng tạo tiền đề cho kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhấn mạnh thực tế cũng còn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định do những tác động cả bên trong và bên ngoài. Do đó, cùng với luôn chủ động trong mọi tình hống thì lực lượng vũ trang quân khu 9 cần thường xuyên xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh, tiếp tục phát huy truyền thống quân đội và đặc biệt là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI gắn với chỉ thị 03 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Chủ tịch nước cũng đã đến dâng hương, dâng hoa tại khu tưởng niệm Bác Hồ đặt tại khuôn viên công viên văn hóa thuộc Thành phố Cà Mau- công trình kiến trúc văn hóa lịch sử được người dân Cà Mau xây dựng với ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện lòng kính yêu lãnh tụ của dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ./.
Hoàng Dũng/VOV
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment