Trong thời gian qua, việc đầu tư hoàn thiện hệ thống cảng biển trên cả nước đã đem lại nhiều kết quả nhất định, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Ông Tất Thành Cang - Giám đốc Sở GTVT TPHCM đã trả lời phỏng vấn của PV Báo SGGP về vấn đề này.
Luồng Soài Rạp phục vụ cho cả Long An và Tiền Giang
° Phóng viên: Thưa ông, TPHCM đang đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để nạo vét luồng Soài Rạp. Hiện nay ở khu cảng Hiệp Phước - nơi sử dụng luồng tàu Soài Rạp mới chỉ có cảng quốc tế SPCT và khoảng 200m cầu cảng của cảng Sài Gòn - Hiệp Phước hoạt động. Liệu việc đầu tư tuyến luồng lớn như vậy, chưa kể chi phí nạo vét hàng năm, có mang lại hiệu quả kinh tế?
° Ông TẤT THÀNH CANG: Việc triển khai đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2), được thực hiện trên tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 9-2-2007 của Ban chấp hành TƯ Đảng khóa X; Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30-5-2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24-12-2009 của Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, luồng Soài Rạp là 1 trong 4 luồng quan trọng của quốc gia, bao gồm: luồng Soài Rạp, luồng Cái Mép - Thị Vải, luồng Hải Phòng và luồng vào cảng trên sông Hậu, ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2015.
Đối với các cảng trên luồng Soài Rạp: theo quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực, không chỉ có cảng SPCT và cảng Sài Gòn - Hiệp Phước mà bao gồm hệ thống các cảng được di dời từ trung tâm TPHCM và hệ thống các cảng thuộc các tỉnh Long An và Tiền Giang.
Hiệu quả kinh tế đầu tư của dự án đã được nghiên cứu và quan tâm hàng đầu khi thực hiện. Dự án đã được Chính phủ phê duyệt căn cứ trên các điều kiện thực tế và phản biện luận cứ khoa học góp ý của các cơ quan, ban ngành Trung ương, TPHCM và các tổ chức tư vấn, nhà khoa học. Trong quá trình thẩm định đề xuất đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2), Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có thẩm định đánh giá và có khẳng định bằng văn bản sau khi dự án hoàn thành: “…sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho TPHCM mà còn có tác động lan tỏa liên vùng đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khi dự án đưa vào vận hành là cơ sở để lĩnh vực khai thác cảng và các dịch vụ liên quan đến vận tải biển, khai thác cảng phát triển. Dự án góp phần gia tăng khả năng vận chuyển của luồng tuyến, tạo gia tăng đáng kể khối lượng xuất nhập khẩu qua cụm cảng TPHCM, đồng thời tạo lợi ích dây chuyền cho các dịch vụ hậu phương đối với chủ hàng xuất nhập khẩu tại TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”.
• Sát bên luồng Soài Rạp là khu cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, nơi có tuyến luồng tự nhiên rất tốt, lại được Chính phủ đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng không những luồng mà còn hai bến cảng rất hiện đại từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật. Theo Bộ GTVT, nơi đây còn thu hút gần hết các nhà đầu tư cảng lớn trên thế giới… Tuy nhiên, khu cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải lại đang rất vắng khách hàng… Ông nghĩ sao về tình trạng thừa, thiếu ở cụm cảng biển TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai?
• Luồng Cái Mép - Thị Vải là cảng tổng hợp quốc gia cửa ngõ quốc tế nằm trong 4 luồng trọng điểm quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt. Do đó, việc đầu tư luồng Cái Mép - Thị Vải là đúng theo quy hoạch và lộ trình. Nhìn chung trong thời gian qua, việc đầu tư hoàn thiện hệ thống cảng biển trên cả nước đã đem lại nhiều kết quả nhất định, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Thực trạng vắng khách hàng hiện nay chỉ là một hiện tượng bước đầu của một cụm cảng mới được đầu tư. Chúng ta chưa thể đánh giá đầy đủ hiệu quả của một quy hoạch mang tính tổng thể và lâu dài.
Quay trở lại đối với dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2). Xin nói rõ thêm về TPHCM với lịch sử phát triển cảng biển và việc gắn kết giữa các vùng. Hiện nay và trong tương lai TPHCM vẫn tiếp tục là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. TPHCM đang đóng góp hơn 30% GDP của cả nước và là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng của khu vực Đông Nam Á. Hàng năm có hơn 5 triệu container đã được xuất nhập khẩu thông qua hệ thống các cảng biển và trung tâm trung chuyển hàng hóa (IDC), chiếm hơn 70% tổng lượng hàng container xuất nhập khẩu của cả nước. Ngoài ra, TPHCM còn có lịch sử trên 300 năm phát triển gắn liền với thương mại quốc tế thông qua hệ thống cảng biển, có vị trí địa lý gắn liền thuận lợi với các tỉnh thành phố lân cận và quốc tế. Đây cũng là đầu mối trung tâm gắn kết giao thông đường bộ, đường thủy và trong tương lai gần có cả hệ thống đường sắt… nên việc đầu tư cảng là cấp thiết và phù hợp.
Nạo vét luồng Soài Rạp cho tàu biển trọng tải lớn vào TPHCM phục vụ chiến lược thành phố tiến ra biển. Ảnh: CAO THĂNG
|
Quy hoạch đã tính đến việc liên kết
• TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu không những cùng cụm cảng biển mà còn là hai địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế có vai trò đầu tàu của đất nước, sao không thể liên kết để tạo ra sức mạnh chung cho cả vùng và cho cả đất nước?
• Đây là vấn đề quan tâm hàng đầu trong công tác quy hoạch mà ở đây là quy hoạch hệ thống cảng biển đã được Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch đã nghiên cứu rất chặt chẽ và tính đến sự liên kết giữa các vùng và chức năng của từng cảng, nhằm tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên để phát triển toàn diện hệ thống cảng biển; phát triển hợp lý giữa các cảng tổng hợp quốc gia, cảng chuyên dùng, cảng địa phương đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống, từng bước đưa kinh tế hàng hải trở thành mũi nhọn hàng đầu trong 5 lĩnh vực kinh tế biển, đồng thời góp phần củng cố an ninh quốc phòng của đất nước.
• Phát triển cảng biển lớn ở TPHCM, ngoài tuyến luồng còn cần có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hệ thống logistics được đầu tư bài bản… Trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, ngân sách có đủ để đầu tư? Nếu không, giải pháp nào để thu hút đầu tư?
• Để hoàn thiện chuỗi logistics khép kín vừa hiện đại vừa có quy mô phải cần rất nhiều thời gian, trong đó trước mắt phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng phần cứng là hệ thống cảng biển, vận tải đường thủy, đường sắt và đường hàng không. Đồng thời việc phát triển song hành hạ tầng phần mềm như sử dụng công nghệ thông tin trong quản trị điều hành, giao dịch điện tử quản lý hoạt động logistics.
TPHCM nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung với ưu điểm là có nhiều sông, kênh rạch, song hệ thống giao thông thủy chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Vì vậy cần nghiên cứu và đầu tư phát triển hệ thống giao thông thủy để kết nối các kho bãi, các IDC… để giải phóng hàng tại các cảng và giảm áp lực lên giao thông đường bộ.
Hệ thống các kho bãi hiện nay còn thiếu và được bố trí chưa hợp lý, cần có chính sách ưu tiên để phát triển. Ngoài ra, cần đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với các cảng.
Về chính sách đầu tư, hiện đã có nghiên cứu danh mục đầu tư cụ thể và đề ra nhiều hình thức đầu tư (kể cả kêu gọi đầu tư theo các hình thức BT, BOT, PPP...) để sớm đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kết nối cảng biển.
• Cụm cảng biển Hiệp Phước đang nhận hàng chủ yếu từ đồng bằng sông Cửu Long, trong khi đó miền Tây Nam bộ lại đang thúc giục triển khai trở lại dự án làm luồng tàu biển cho tàu lớn vào sông Hậu với ước muốn xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp qua hệ thống cảng biển tại đây. Hệ thống cảng biển TPHCM sẽ ứng phó với thực tế này như thế nào?
• Như đã trình bày, việc triển khai luồng vào cảng trên sông Hậu (nhóm cảng biển số 6) là phù hợp với quy hoạch. Theo đó, khu vực miền Tây Nam bộ sẽ đầu tư phát triển các cảng cho các đội tàu có trọng tải dưới 20.000 DWT. Đây chỉ là các cảng nội địa có chức năng trung chuyển hàng hóa hỗ trợ cho hệ thống nhóm cảng biển số 5.
• Chính phủ mới phê duyệt đề án phát triển cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải theo hướng dồn lực cho cụm cảng này. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn Nhật Bản cũng vừa có buổi làm việc với Bộ GTVT và có “lời khuyên” nên theo mô hình dời cảng của Thái Lan. Nghĩa là tập trung nguồn lực cho một khu vực trọng điểm. Ông nghĩ sao về việc này? Có nên hình thành mô hình “chính quyền cảng”, Trung ương tập trung quản lý, đầu tư, khai thác cảng biển để tạo sức mạnh chung cho đất nước thay vì để từng địa phương như hiện nay?
• Theo Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung phát triển tổng thể và thống nhất hệ thống cảng biển trên quy mô cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Do đó việc đầu tư tập trung cho một khu vực là không phù hợp với quy hoạch và chưa khẳng định vị trí và ưu thế của đất nước ta về kinh tế biển, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.
Đối với nhóm cảng biển số 5 có các cảng thuộc khu vực Hiệp Phước - TPHCM và Cái Mép - Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2015.
Mô hình “chính quyền cảng” đã được Chính phủ đề cập trong phần giải pháp, hiện đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thực hiện, Sở GTVT TP sẽ có nghiên cứu góp ý và đề xuất các biện pháp thực hiện trong thời gian tới.
NGUYỄN KHOA-SGGP
0 nhận xét:
Post a Comment