Test Footer 2

Những công trình đặt trước miệng “hà bá”

Nhiều dự án nạo vét cửa biển, luồng sông, công trình neo đậu tàu thuyền, tránh bão... thuộc lĩnh vực giao thông đường thủy ở miền Trung luôn bị tổn hại nặng nề mỗi mùa mưa bão. Nhiều công trình đầu tư 1, nhưng khắc phục phải 2 đến 3 lần vốn. Hàng ngàn tỉ đồng đổ vào các dự án, công trình này mỗi năm, song nhiều nơi vẫn không phát huy tác dụng.
Khai thác cát gây sạt lở bờ biển, bồi lấp luồng tuyến giao thông ở cửa An Phú (Quảng Ngãi). Ảnh: Tấn Hữu

Tiền tỉ đổ biển mỗi năm
Chưa kết thúc mùa mưa bão năm 2013, biển Cửa Đại, Hội An- đoạn cuối của hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn ra biển đã bị bồi lấp nghiêm trọng, ách tắc lưu thông của hàng ngàn tàu cá. Trong tình thế khẩn cấp này,  UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo ngành GTVT tạm ứng một khoản kinh phí ban đầu 8 tỉ đồng để nạo vét thông thoáng cửa biển này. Nguyên nhân bồi lấp này được cho là hậu của từ... lũ, lụt. Trước đó, đầu tháng 11.2013, tại cửa biển An Phú (Quảng Ngãi), đích thân Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng đã phải xuống tận nơi, chỉ đạo kiên quyết để gấp rút nạo vét, thông luồng cho tàu cá ra khơi vì bị bồi lấp. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân thiên tai, cửa biển này bị bồi lấp còn từ lý do vì các DN khai thác, hút cát ngoài biển gây sạt lở, vùi lấp luồng tuyến giao thông của ngư dân.
Kinh phí cho mỗi lần nạo vét một đoạn sông lớn nơi cửa biển đều tiêu tốn hàng chục tỉ đồng. Điều đáng nói là việc nạo vét cũng chỉ mang tính nhất thời, đáp ứng nhu cầu thông luồng thiết yếu trong thời gian ngắn. Ngay sau đó, việc bồi lấp tiếp tục tái diễn. Đây là thực trạng chung của hàng chục cửa biển, đoạn sông ở các tỉnh miền Trung. Nhưng giải pháp lâu nay vẫn chỉ là “xử lý tình thế”, giải quyết nhu cầu khẩn cấp cho ngư dân, thiếu bền vững và tiêu tốn nhiều ngân sách.
Làm “mồi” cho sóng biển
Thiên nhiên gây họa đã đành, nhiều công trình giao thông miền Trung khi xây dựng cũng thiếu tính toán tác động môi trường, dẫn đến “làm mồi” cho sóng biển, gây lãng phí nghiêm trọng. Rõ nhất, sau bão số 11-Nari - 2013, cơ sở hạ tầng giao thông ở Đà Nẵng bị thiệt hại gần 50 tỉ đồng, trong đó nhiều công trình hư hỏng do... sóng biển đánh sập. Ngành GTVT Đà Nẵng đã kiến nghị Bộ GTVT, UBND TP bố trí kinh phí để triển khai xây kè biển phía đông đường Hoàng Sa với số vốn lên đến 49 tỉ đồng, 100 tỉ khác cho việc xử lý sạt lở ta luy đường ĐT601...
Tương tự, tại Quảng Nam, ngành giao thông cũng đề nghị Trung ương, ngân sách địa phương bố trí hàng trăm tỉ đồng để khắc phục và kiên cố hóa các công trình sát miệng thủy thần. Cụ thể kiến nghị cho công trình kè biển Hội An: 30 tỉ, kè chống biển xâm thực ở Tam Quang, huyện Núi Thành: 40 tỉ, kè sông Quảng Huế: 60 tỉ và đê chắn sóng khu neo đậu An Hòa: 100 tỉ đồng...
Điều đáng nói là các công trình này không có tính bền vững, luôn bị uy hiếp, phá hỏng sau các đợt mưa bão mỗi năm. Vấn đề ở chỗ khi quy hoạch, thiết kế các đơn vị đã không đánh giá hoặc đánh giá không đúng mức đến tác động của môi trường. Không chỉ khu neo đậu tàu thuyền An Hòa, mà Quảng Nam còn có khu neo đậu tàu thuyền Hồng Triều ở huyện Duy Xuyên đã không phát huy hiệu quả như thiết kế. Mưa lũ, sóng lớn, nước dâng, các trụ neo đậu thành bãi chông, tàu không dám vào. Tiền đầu tư 70-80 tỉ đồng, song kinh phí đề nghị khắc phục, bổ sung đều “hô” cả trăm tỉ đồng. Nếu không có thanh tra, rà soát cẩn trọng thì ngân sách đầu tư thất thoát mà công trình vẫn không phát huy được tác dụng; trong khi đó, người dân phải gánh hậu quả lâu dài.

Theo THANH HẢI-laodong.com.vn
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment