Test Footer 2

Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô - Lực đẩy phát triển vùng Nam Trung bộ

Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư. Mục tiêu của dự án là chế biến và phân phối các sản phẩm dầu khí và hóa dầu; xuất nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu khí, hóa dầu… Dự án có công suất 8 triệu tấn/năm, đặt tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
 Gấp rút triển khai
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư đã thành lập pháp nhân Việt Nam là Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô (VungRo Petroleum) để thực hiện dự án. Chủ đầu tư đã bồi thường giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn trên diện tích 185,1ha, hoàn thành công tác khoan khảo sát địa chất, lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và diễn biến phức tạp của thị trường dầu thô, sản phẩm hóa dầu tác động bất lợi nên việc thu xếp tài chính cho dự án gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, với quyết tâm theo đuổi dự án, Công ty TNHH Technostar Management đã kêu gọi các nhà đầu tư mới và triển khai nghiên cứu bổ sung dự án nhằm tối ưu hóa sơ đồ công nghệ, nguyên liệu và công suất phù hợp với tình hình mới.
Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, công suất nhà máy lọc dầu phải đạt tối thiểu 8-10 triệu tấn/năm. Vì vậy nhà đầu tư đã đề nghị nâng công suất, gộp quy mô 2 giai đoạn xây dựng thành một, với tổng công suất 8 triệu tấn/năm và thay đổi địa điểm đầu tư. Theo báo cáo của đơn vị tư vấn (Công ty UOP, Hoa Kỳ), diện tích 185,1ha xây dựng nhà máy tại khu vực làng Thượng không đảm bảo đủ diện tích để xây dựng nhà máy công suất 8 triệu tấn/năm, nên đã đề nghị xin điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án vào Khu công nghiệp Hòa Tâm, với diện tích 538ha mặt đất (bao gồm 450ha xây dựng nhà máy và 88ha xây dựng mặt bằng cảng Bãi Gốc), đồng thời sử dụng 500ha diện tích mặt nước. Địa điểm đầu tư này phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng vốn đầu tư điều chỉnh của dự án là 3,17 tỷ USD.
Địa điểm khảo sát xây dựng Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô. Ảnh: PH. PHI
 
Hiện nay, Công ty UOP đã hoàn thành nghiên cứu khả thi chi tiết cho dự án, xây dựng nhà máy với công suất 8 triệu tấn/năm. Công ty JGC (Nhật Bản) cũng tham gia nghiên cứu khả thi chi tiết ngay từ giai đoạn đầu, làm tiền đề quan trọng cho việc ký kết hợp đồng tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) với JGC theo hình thức triển khai nhanh. Nhà thầu JGC chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng công trình với chủ đầu tư.
Hai hợp đồng then chốt về công nghệ cho dự án đã được nhà đầu tư ký kết với Công ty UOP. Tổng số tiền đã thực hiện đến thời điểm quý 3-2012 là 42 triệu USD. Hiện nay Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đang khảo sát địa chất hải văn khu vực cảng Bãi Gốc, khối lượng thực hiện hơn 90%; thuê đơn vị tư vấn lập báo cáo dự báo hàng hóa qua bến cảng Bãi Gốc và đã được UBND tỉnh Phú Yên thông qua; phối hợp với UBND huyện Đông Hòa đo đạc xong hồ sơ kỹ thuật thửa đất và lập hồ sơ quy chủ. UBND huyện Đông Hòa đang lập, thẩm định, trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Nhà đầu tư đang gấp rút hoàn chỉnh hợp đồng tổng thầu EPC với JGC, dự kiến sẽ ký kết ngay trong tháng 9-2013 và đang hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế cảng Bãi Gốc để khởi công xây dựng.
 Tháo gỡ vướng mắc
Các nội dung thay đổi, điều chỉnh của dự án đã được Bộ KH-ĐT thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo ý kiến của Bộ KH-ĐT: Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô là dự án có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội khu vực Nam Trung bộ và tỉnh Phú Yên. Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu công nghiệp Hòa Tâm có diện tích 1.080ha, đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên giới thiệu cho Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát nghiên cứu lập quy hoạch và đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Đến thời điểm hiện nay, về pháp lý việc triển khai dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm chỉ dừng lại ở bước lập quy hoạch chi tiết 1/2.000, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiến độ triển khai rất chậm không đáp ứng yêu cầu đề ra theo giấy chứng nhận đầu tư. Do UBND tỉnh Phú Yên chưa có quyết định giao đất cho Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát, nên để tạo quyền chủ động cho nhà đầu tư đối với dự án có quy mô lớn, các hạng mục hạ tầng đầu tư đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, tính đồng bộ cao, trên cơ sở lợi ích chung, Bộ KH-ĐT đề nghị UBND tỉnh Phú Yên xem xét việc giao đất trực tiếp cho nhà đầu tư theo quy định.
Ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, cho biết dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô là dự án đầu tư có quy mô lớn, có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội khu vực Nam Trung bộ và tỉnh Phú Yên, là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cả vùng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy tỉnh Phú Yên đang tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và cùng nhà đầu tư khẩn trương hoàn tất các công việc còn lại để khởi công dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô ngay trong năm 2013.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai dự án, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô và đã có thông báo kết luận đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô công suất, địa điểm của dự án; đồng ý nguyên tắc việc điều chỉnh địa điểm của dự án (bao gồm cả cảng chuyên dụng). Thông báo cũng nêu rõ UBND tỉnh Phú Yên chịu trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch mặt bằng, bố trí đất đai, giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng đất của dự án; đồng ý đưa dự án vào danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư và được đầu tư tại Khu kinh tế Nam Phú Yên, nên được miễn 100% tiền thuê đất; giao các bộ liên quan có trách nhiệm hỗ trợ, giúp tỉnh Phú Yên trong việc rà soát về pháp lý, thẩm định năng lực nhà đầu tư, công nghệ áp dụng... nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
* Tổng vốn dự án đầu tư Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô là 3,17 tỷ USD; thực hiện từ năm 2011 đến năm 2015, bắt đầu vận hành từ năm 2016.
* Dự án sẽ tạo 1.300 việc làm ổn định, tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ liên quan; đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 111 triệu USD/năm.

* Góp phần cung cấp và đáp ứng phần lớn nhu cầu về sản phẩm xăng dầu tại Việt Nam; giảm lượng ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu và sản phẩm hóa dầu...
 
Theo Xuân Sơn-SGGP
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment