Ông Nguyễn Văn Cư, Tổng Cục trưởng Tổng Cục biển và hải đảo Việt Nam (Bộ Tài Nguyên & Môi trường) cho biết: Năm 2012, cơ quan này trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư đóng mới con tàu mang tên “Tàu điều tra nghiên cứu tài nguyên môi trường biển” với kinh phí khoảng 1.100 tỷ đồng.
Nếu dự án được phê duyệt, dự kiến con tàu do chuyên gia Hà Lan thiết kế, các kỹ sư Việt Nam sẽ thi công.
Theo GS Tố hiện Việt Nam không có một con tàu nào dùng cho việc nghiên cứu biển, vì vậy với mỗi đề tài cần khảo sát, nghiên cứu trên biển lại phải thuê tàu của ngư dân, của hải quân... do vậy rất hạn chế thời gian khảo sát” |
Theo thiết kế, tàu có chiều dài khoảng 67m, rộng 13m, gồm 4 tổ máy chính chạy dầu diesel, trọng tải tại chiều chìm thiết kế khoảng 275 tấn. Công suất tàu đạt khoảng 2.000 CV, vận tốc thử tại mớn nước thiết kế khoảng 12,0 hải lý/giờ. Tầm hoạt động khoảng 5.000 hải lý. Khả năng sử dụng trang thiết bị gió cấp 9, sóng cấp 7.
Thuyền viên và cán bộ khoa học làm việc trên tàu khoảng 50 người. Thời gian hoạt động liên tục trên biển (tính theo lượng dự trữ lương thực, thực phẩm) khoảng 40 ngày đêm.
Tàu nghiên cứu đa năng có tính năng kỹ thuật, cấu hình và các trang thiết bị máy móc đáp ứng việc thực hiện các nhiệm vụ như: điều tra, khảo sát các yếu tố về tài nguyên và môi trường biển, thu thập các dữ liệu, số liệu (chuẩn quốc tế) về các đặc trưng vật lý, hải dương học; địa chất, địa mạo; sinh học, sinh thái học; phân tích mẫu nước, trầm tích, sinh thái môi trường; đo đạc biển.
Tàu cũng có thể vẽ bản đồ biển nhằm đáp ứng yêu cầu công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên và môi trường biển; phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và các lực lượng chức năng khác thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh trên tuyến biển, hải đảo.
Theo ông Cư, Việt Nam có hai con tàu, một tàu nghiên cứu biển, một con tàu đo đạc biển. Tuy nhiên, cả hai con tàu này có công suất thấp chỉ chịu được sức gió dưới cấp 5, còn tàu mới nếu hoàn thành sẽ chịu được sức gió cấp 9.
Nếu được chính phủ chấp thuận, đây sẽ là con tàu lớn nhất tham gia vào việc nghiên cứu môi trường biển, góp phần bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.
Trước đó, trao đổi với Đất Việt, GS.TS Lê Đức Tố, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ Biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội (KC09/06-10), cho biết dù Việt Nam đã có khá nhiều đề tài nghiên cứu về biển liên quan đến thềm lục địa, hoạt động kiến tạo, sinh vật... song các nhà khoa học trong ngành vẫn nhận thấy cần có những nghiên cứu chi tiết hơn.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam có diện tích biển rộng lớn nhưng nếu tính con số đầu tư của Chương trình 5 năm tương đương 5 triệu USD thì rất khó để nghiên cứu chi tiết. “Thêm vào đó, hiện Việt Nam không có một con tàu nào dùng cho việc nghiên cứu biển, vì vậy với mỗi đề tài cần khảo sát, nghiên cứu trên biển lại phải thuê tàu của ngư dân, của hải quân... do vậy rất hạn chế thời gian khảo sát”, TS Tố bày tỏ.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết Chương trình nghiên cứu về biển, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, nghiên cứu khoa học và công nghệ biển rất quan trọng trong đó cần nhận thức rõ công tác hoạt động khoa học trên biển là phức tạp, khó khăn và tốn kém đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ đo đạc nghiên cứu đặc biệt. Do đó cần được đầu tư vốn lớn về trang thiết bị, công nghệ hiện đại và lực lượng khoa học có trình độ cao.
Theo Bích Ngọc-ĐVO
0 nhận xét:
Post a Comment