Test Footer 2

Để quy hoạch không gian biển được áp dụng rộng rãi và hiệu quả


(TN&MT) - Trên thế giới, quy hoạch không gian biển (marine spatial planning – MSP, viết tắt tiếng Việt là QHKGB) được xem là một công cụ tiên tiến để quản lý các vùng biển và ven biển bị khai thác, sử dụng ở quy mô lớn.

QHKGB được áp dụng trong vòng 15 năm trở lại đây và có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng đều hiểu chung: là một quá trình phân tích và phân bổ (do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện) các hoạt động của con người theo không gian và thời gian ở một vùng biển nhất định để đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội và sinh thái, và thường được cụ thể hóa dưới dạng một quy định chính sách.
Đây là một quá trình quy hoạch không gian toàn diện, tích hợp, có tính minh bạch, có tính thích nghi, tiếp cận dựa vào hệ sinh thái và dựa trên cở sở khoa học nhằm phân tích hiện trạng và dự báo tương lai đối với việc khai thác, sử dụng không gian vùng ven biển, biển và đại dương. Nó sẽ xác định các khu vực thích hợp nhất đối với các dạng hoạt động sử dụng không gian biển khác nhau nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tạo thuận lợi cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên biển, tăng tính hiệu quả về kinh tế - xã hội và an ninh
Do vậy, QHKGB là một phương thức quản lý thực tiễn nhằm xây dựng một cơ chế khai thác và quản lý vùng biển và ven biển hiệu quả, quản lý những ảnh hưởng qua lại giữa các họat động khai thác như vậy, từ đó cân bằng nhu cầu phát triển và bảo tồn các hệ sinh thái biển, ven biển, cũng như đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng mở và có kế hoạch. Nói cách khác, QHKGB hỗ trợ tổ chức không gian biển hợp lý cho phát triển bền vững trong khi vẫn duy trì được các giá trị đa dạng sinh học biển và vùng ven biển.


Những nỗ lực bước đầu của Việt Nam
Nước ta đang khai thác, sử dụng biển trong bối cảnh của một quốc gia đang phát triển, kinh tế biển đang hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cho nên càng phải cân nhắc đến tính bền vững trong các chính sách, chiến lược và kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế biển mà về nguyên tắc chính là phát triển một nền kinh tế biển xanh: dựa vào hệ sinh thái, ít chất thải, ít cac-bon, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, áp dụng công nghệ sạch hơn, an toàn thực phẩm và sản phẩm biển có sức cạnh tranh cao...
Để đạt được mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và tạo dựng được một nền kinh tế biển xanh trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với khu vực, Việt Nam phải xây dựng được một nền công nghiệp biển hiện đại; phát triển được một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế; phải có một phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và bảo đảm được an ninh chủ quyền vùng biển. Đến nay, phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và công cụ quy hoạch không gian biển đang còn là vấn đề mới mẻ không chỉ đối với các nhà quản lý và hoạch định chính sách mà còn đối với ngay cả các nhà khoa học và quy hoạch ở nước ta.
Quản lý tổng hợp biển theo không gian đòi hỏi xác lập một cơ chế phối hợp liên ngành, liên cơ quan, liên vùng trong quản lý biển và giải quyết đồng bộ các quan hệ phát triển khác nhau, trong đó quan hệ giữa các mảng không gian và tổ chức không gian biển hợp lý cho phát triển kinh tế biển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần đi trước một bước.
Ở nước ta, trước năm 2008, tiếp cận quản lý không gian biển đã được áp dụng trong phân vùng quản lý các khu bảo tồn biển và quản lý tổng hợp vùng bờ biển ở một số nơi, như: vịnh Nha Trang, vịnh Hạ Long, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, nhưng QHKGB theo đúng nghĩa của nó mới được xem xét áp dụng từ năm 2009. Nhận thức rõ tầm quan trọng và lợi ích của QHKGB đối với công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã phối hợp với các ngành và địa phương ven biển triển khai một loạt hoạt động với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và khu vực: Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ của UNESCO (IOC-UNESCO), Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA), Cơ quan Điều phối biển Đông Á (COBSEA), Cơ quan phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida) và Cơ quan phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP). Các tổ chức này đã hỗ trợ thực hiện các dự án tăng cường năng lực cho Việt Nam về QHKGB, giúp Việt Nam chuẩn bị một loạt hướng dẫn QHKGB, Sách tham khảo về QHKGB cho Việt Nam, Tài liệu tập huấn QHKGB cho Việt Nam, chia sẻ các bài học kinh nghiệm và xem xét vị trí pháp lý của QHKGB trong hệ thống luật pháp, chính sách ở Việt Nam. NOAA phối hợp với Bộ TNMT triển khai nhiệm vụ theo Nghị định thư về “Phân vùng sử dụng và lập kế hoạch quản lý không gian vùng bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng” (2011-2013).
Từ năm 2012, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được Bộ TNMT giao chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và địa phương triển khai dự án “Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng biển và hải đảo Việt Nam đến năm 2030”. Tiếp cận QHKGB chắc chắn sẽ trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ thực hiện loại hình quy hoạch mới này ở Việt Nam. Ngoài ra, Chương trình khoa học-công nghệ biển cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã mở 02 đề tài điều tra xây dựng luận cứ khoa học phục vụ QHKGB ở vùng biển Phú Quốc – Côn Đảo (2012-2013) và ở vùng biển Ninh Thuận – Bình Thuận (2013-2014). Bên cạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực phục vụ áp dụng QHKGB ở Việt Nam thông qua các dự án hợp tác quốc tế, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định đưa QHKGB vào giảng dậy trong Chương trình đào tạo sau đại học về quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên từ năm 2014.




Làm gì để áp dụng quy hoạch không gian biển vào nước ta?
Nhu cầu phát triển kinh tế biển trong bối cảnh cạnh tranh lợi ích và xung đột không gian sử dụng biển và vùng ven biển ngày càng tăng. Vì vậy, việc áp dụng QHKGB – một công cụ quản trị biển theo không gian trên thế giới, đã trở thành nhu cầu thực tiễn cấp bách trong quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất đối với biển, vùng ven biển và hải đảo của Việt Nam trong thời gian tới.
Trên cơ sở các kết quả đạt được nói trên, mới đây tại thành phố Hải Phòng, Bộ TNMT tiếp tục phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng (địa phương đi đầu trong áp dụng QHKGB) với sự hỗ trợ của Sáng kiến “Rừng ngập mặn cho tương lai” (MFF) tại Việt Nam do IUCN điều phối, cùng Dự án Ngân hàng Thế giới về quản lý bền vững nguồn lợi ven biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều phối, tổ chức một Hội thảo Quốc gia bàn về việc tiếp tục triển khai áp dụng QHKGB ở Việt Nam như thế nào. Trong quá trình hội thảo, các đại biểu trong và ngoài nước đã cùng nhau chia sẻ các bài học kinh nghiệm về áp dụng QHKGB trên thế giới và trong khu vực, đánh giá thực trạng quá trình áp dụng QHKGB ở Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để áp dụng rộng rãi và hiệu quả QHKGB tại Việt Nam trong thời gian tới như sau:  
1) Tiếp tục thảo luận để đi đến thống nhất tên gọi và cấp độ quy hoạch
Do đến nay, trên thế giới có đến 09 loại hình quy hoạch tên khác nhau nhưng đều mang nội hàm của QHKGB. Ở nước ta cần phân biệt 03 tên gọi đang được biết đến và áp dụng bước đầu ở các mức độ khác nhau: Phân vùng chức năng biển (coastal and marine zoning), QHKGB và quy hoạch sử dụng biển (sea-use planning). Trung Quốc cho rằng ba loại hình quy hoạch này tương tự nhau và sử dụng tên gọi phân vùng chức năng biển. Ở Mỹ và châu Âu, phân vùng biển chỉ là công cụ phục vụ cho QHKGB ở giai đoạn đầu của quá trình quy hoạch và giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ. Ở nước ta, trên đất liền đã có quy hoạch sử dụng đất (land-use planning), vậy thì dưới biển nên có quy hoạch sử dụng biển. Song, ở nước ta tên gọi này vẫn chưa làm rõ được bản chất và thuộc tính của QGKHB và khi triển khai dễ “lầm lẫn” sang quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội biển. Tóm lại, cố gắng giữ và bổ sung tên gọi “Quy hoạch không gian biển” vào trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam. Cấp độ QHKGB chỉ nên thực hiện ở 03 cấp: quốc gia, vùng và tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) ven biển.


2) Xác định vị trí pháp lý cho QHKGB
QHKGB quá mới nên chưa có tên và vị trí pháp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta. Đến nay có một số tên gọi cho quy hoạch liên quan tới biển: quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội biển (loại hình quy hoạch truyền thống quen thuộc), quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo (Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, Chính phủ ban hành ngày 06 tháng 03 năm 2009 và Thông tư số 19/2011/TT-BTNMT ban hành Quy định kỹ thuật về lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo), quy hoạch phát triển kinh tế biển (điều 44, Luật Biển Việt Nam, Quốc hội thông qua ngày 21-6-2012). Tuy nhiên, cũng trong mục (3) của điều 44, lại yêu cầu “Chính phủ…tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển của cả nước trình Quốc hội xem xét, quyết định”. Rõ ràng, các tên gọi quy hoạch trên đều mang nội hàm tiếp cận QHKGB, nhưng cùng với việc xác định tên gọi chính thức cần xác định cho loại hình quy hoạch này một vị trí xứng đáng trong Luật TNMT biển và Luật Quy hoạch quốc gia trong thời gian tới.
3) Xác định thể chế và cơ chế chính sách quản lý QHKGB
Cần phải làm rõ cơ quan quản lý QHKGB và các cơ quan tư vấn kỹ thuật trong việc xây dựng và thực hiện QHKGB, tránh hiện tượng cơ quan khoa học quy hoạch thay cơ quan quản lý, trong khi đáng lẽ chỉ đóng vai trò cơ quan tư vấn quy hoạch cho cơ quan quản lý. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước về biển sẽ phải là cơ quan thay mặt và giúp Chính phủ quản lý QHKGB. Bên cạnh đó cần xây dựng và ban hành cơ chế chính sách hướng dẫn công tác QHKGB và các yêu cầu đi kèm, v.v.
4) Nên phân kỳ triển khai công tác QHKGB
Ngày 12 tháng 5 năm 1977, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Với tuyên bố này, Việt Nam có lãnh hải rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Như vậy, sơ đồ không gian 05 vùng biển pháp lý của Việt Nam nói trên đã được xác định theo UNCLOS 1982, và trong phạm vi các vùng biển này, Việt Nam có quyền và nghĩa vụ tiến hành phân vùng sử dụng và QHKGB để bảo vệ tài nguyên và môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Có thể tiến hành phân vùng chức năng biển cho các vùng biển pháp lý nói trên, nhưng đối với QHKGB giai đoạn đầu nên tiến hành trong phạm vi vùng lãnh hải, sau đó rút kinh nghiệm và mở rộng dần ở các giai đoạn sau.
5) Tiếp tục soạn thảo các hướng dẫn kỹ thuật QHKGB
Mặc dù đã có một số, nhưng để áp dụng QHKGB cần tiếp tục tổ chức biên soạn các hướng dẫn kỹ thuật chi tiết, cụ thể; các quy định kỹ thuật và các thông tư hướng dẫn lập và thực hiện QHKGB.
6) Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế về QHKGB
Trên cơ sở hoàn thiện thể chế, chính sách về QHKGB, cần đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ có kỹ năng quản lý và kỹ thuật về QHKGB ở nước ta. Bên cạnh đó tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường năng lực, đào tạo cán bộ và thực hiện một số dự án QHKGB thí điểm.
Thực hiện các kiến nghị trên, Bộ TN&MT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò quyết định trong việc thuyết phục Chính phủ và các tổ chức hữu trách liệu có đưa được loại hình quy hoạch mới này vào hệ thống quy hoạch quốc gia hay không, trong khi một số nước trong khu vực Biển Đông đã và đang áp dụng “đại trà” loại hình quy hoạch này.
Theo PGS.TS  Nguyễn Chu Hồi-TN&MT
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment