(DĐĐT) - Cuộc mưu sinh của hàng ngàn hộ dân nghèo dưới những tán rừng phòng hộ ven biển miền Tây cứ ngày nối ngày, lênh đênh theo con nước lên rồi con nước xuống. Cuộc sống tự do tự tại ấy đã hình thành nên nét cá tính hào phóng của con người vùng đất phương nam, họ không muốn bị bó buộc trong một khoảng không nhất định mà mong được gắn liền với rừng, với biển, với sông nước mênh mông, nơi cho họ sản vật để sống, để tồn tại. Nhưng trước cuộc mưu sinh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài nguyên ấy thì đâu sẽ là hướng đi lâu bền cho họ?
Kỳ 1: Những cụm dân cư “mồ côi”
Dọc theo các sông, rạch thông ra biển từ Đông sang Tây, người dân nghèo dựng lều, cất chòi, làm nhà tạm để vào rừng mò cua bắt óc hoặc ra biển giăng lưới, giăng câu. Dòng người từ đất liền di cư ra phía biển, rồi dừng chân, quần tụ thành những xóm mồ côi giữa rừng phòng hộ các tỉnh miền Tây.
Hai anh em lập thành… cụm dân cư
Trời đứng bóng, nước nhảy mé, dòng người từ phía biển lội lên bờ, ướt mem, quảy cá, cua, tép… về nhà. Ông Tô Văn Chiến (còn gọi là Tám Chiến, 62 tuổi) tựa lưng vào vách, ưỡn ngực, thở hơi lên. Trong ngôi nhà lá đơn sơ, tạm bợ, được vá víu bằng bọc nilông nhiều màu nằm sát kinh Mương Bảy (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), ông cho hay: “Xóm Mương Bảy có gần 20 ngôi nhà của 8 đứa con tôi và 7 đứa cháu con của anh ruột tôi là Tô Văn Hiệp. Còn ngôi nhà ngoài cùng là của ông Nguyễn Văn Ẩn, sui gia với tôi. Coi xóm này đông vậy chớ, chỉ có 3 nhà gốc ở lâu, còn lại là con cháu, ruột rà không hà!”.
Thấy bà con kéo nhau lên bờ, ông Tám Chiến tạm ngắt câu chuyện rồi hỏi từng người có thu được nhiều “chiến lợi phẩm” không? Chốc sau ông quay lại khoe: “Vợ chồng thằng Điền - con trai của tôi được kha khá. Hai vợ chồng, dẫn hai đứa con vào rừng đào sâm đất, bắt óc len, cá kèo… bán được hơn 150 ngàn đồng”.
“Chờ nước lớn, lại vô rừng kiếm thêm chút nữa. Quần áo lấm lem, ướt mèm là có ăn. Khi mưa giông, ngồi nhà, quần áo khô queo là đói meo”- ông kể tiếp.
Vợ chồng ông Tám Chiến sống gần trụ sở xã Vĩnh Thịnh nhưng không có đất đai, chỉ đậu ở mé mương, làm thuê kiếm sống. Người anh em ruột của ông là ông Tô Văn Hiệp thì dẫn vợ con ra phía giáp kinh Mương Bảy dựng chòi, vào rừng, ra biển kiếm ăn. Khi ấy, vợ chồng ông Tám Chiến đã có 7 người con, khi ra ở tạm tại đây mới sinh thêm cậu út là Tô Ngọc Đức, nay đã 24 tuổi.
Bà Lê Hoàng Anh, vợ ông nói: “Vợ chồng tôi con đông, chạy ăn muốn đứt hơi, không tính xa được. Nhà cửa bằng nilông, trăng rọi sáng đầy nhà, trời nắng hầm hập, mưa thì ướt nhẹp. Ông nhà tôi than mệt, đỏ bừng mặt, ôm đầu… mà không biết bệnh gì. Bác sĩ ở Bạc Liêu nói bệnh tim, kêu đi TP. HCM khám cho đúng bệnh nhưng vợ chồng tôi không biết đường đi, lại không tiền, đành ngồi chờ mấy đứa nhỏ làm ăn được, cho chút đỉnh thì mới đi!”.
Đã 24 năm kể từ ngày hai anh em ông Tô Văn Chiến, Tô Văn Hiệp dẫn vợ con ra Mương Bảy lập nghiệp. Túp lều bằng cây lá tạm bợ xưa kia đã được thay bằng mái nhà lá nhưng vẫn vá víu bằng vải cao su đủ màu sắc. Tài sản không đáng bao nhiêu nhưng mỗi ông có tới gần chục người con, vài chục cháu nội, ngoại. Ông Tám Chiến bấm ngón tay: “Tám đứa con của tôi, chỉ có thằng út Đức biết chữ, còn lại không biết chữ. Rồi 8 cháu nội, 7 cháu ngoại chỉ có 4 đứa cháu còn nhỏ đi học, tốp lớn dốt hết. Trước đây, trường học ở xa, mùa mưa trơn trợt, đành ở nhà mò cua, bắt óc, giăng lưới… kiếm cơm ăn”.
Theo ông Phạm Ngọc Thảo, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Kinh Tế (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh), trạm có 3 người, quản lý rừng dọc theo bờ biển dài 10 km, diện tích rừng 899 ha, đã giao khoán cho 105 hộ, còn lại 104 hộ với 429 khẩu là dân di cư tự do.
Những xóm mồ côi trở nên đông đúc do người dân đến kiếm sống (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng)
Ông cho biết thêm: “Chỉ thống kê, kiểm tra cho có số liệu vậy chớ tùy thời vụ mà người dân ở các nơi khác kéo đến dựng lều, cất chòi mò nghêu, bắt cá có khi lên đến hàng trăm hộ. Sống lâu, họ cất nhà rải rác từ kinh Mương Hai, Mương Bốn, Mương Bảy… ăn thông ra biển thành xóm làng”.
Dân cư ngoài đê bêu mạng trước biển
Từ cửa biển thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) rẽ vô con kinh xáng cặp đê biển Tây là Rạch Miễu mà bà con thường gọi là Xóm Trôi. Trời mưa giông, nước biển dâng lên ngập nhà cửa hết. Heo, gà, vịt trôi. Rồi nồi, niêu, xoong, chảo cũng trôi…
Rạch Miễu dài vài trăm mét, xuyên ngang qua rừng phòng hộ, ăn thấu ra bãi biển, có hơn 40 nóc nhà, chen chúc, thấp lè tè, tả tơi trước gió. Ông Nguyễn Văn Giữ nói tiếp: “Rạch Miễu chỉ vài hộ có đất rừng nuôi tôm, bảo vệ rừng nhờ nhận lại hợp đồng của cán bộ, của người giàu có. Phần đông bà con ở đây làm nghề khai thác ven biển. Mùa nào biển có con gì thì bắt con đó. Có ngày kiếm được bạc triệu nhưng có khi cả nửa tháng ngồi không, tay bó gối chịu trận”.
“Tình trạng dân cư sống trong rừng phòng hộ đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để. Tập quán sinh sống của bà con lại chủ yếu phụ thuộc vào rừng, biển nên chịu nhiều rủi ro. Các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang hiện đã có dự án tái định cư để di dời người dân nhưng lại thiếu vốn đầu tư cho các khu vực tái định cư. Bạc Liêu cũng có những dự án cất nhà tái định cư nhưng chưa phát huy hiệu quả vì thiếu đồng bộ. Sở NN& PTNT Bạc Liêu đang đề xuất với Chính phủ hỗ trợ 272 tỷ đồng để tổ chức tái định cư tại huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP Bạc Liêu” - ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Bạc Liêu cho biết. |
Căn chòi lá cuối cùng ở Rạch Miễu của vợ chồng anh Nguyễn Văn Bằng và chị Trần Hồng Mạnh trơ trơ trước biển. Chị Mạnh kể: “Hồi bão số 5 (năm 1997), vợ chồng tôi ôm gốc me sau nhà chịu trận. Ở sát mé biển, nước dâng, gió giông bất ngờ. Mấy năm gần đây, biển hay trở chứng lắm! Khi nước dâng lên, sóng cao chỉ kịp ôm con chạy vô rừng, leo lên cây. Khi nước rút, ai cũng vô rừng bắt heo, gà, xoong nồi… của mình về”.
Vào khoảng tháng 10 âm lịch, nước biển dâng tràn vô ngập hết Xóm Trôi. Chuyện trôi ở Rạch Miễu thường cơm bữa, cả xóm bị trôi. Bà Lê Thị Nga có một con heo nái, đẻ hơn chục con, sắp hốt bạc. Ai dè, nước dâng, bà phải bưng từng thúng năm heo qua nhà kế bên thả nhờ trên giường cho khỏi nước cuốn. Bà kể: “Tối mặt tối mũi lo đồ đạc bị trôi thì lại có người gọi “Nga ơi, cháu nội của bà trôi rồi kìa”, tôi vội lao theo dòng nước, vớt hai đứa cháu nội đang bám khúc tre, đẩy tấp vào tấm vách nhà”.
Ở huyện ven biển Phú Tân (Cà Mau) có 37 km bờ biển Tây với 6 cửa sông ăn thông ra biển là Cái Đôi Vàm (thị trấn Cái Đôi Vàm), cửa Sào Lưới (xã Nguyễn Việt Khái), cửa Công Nghiệp, Cái Cám (xã Tân Hải), Mỹ Bình (xã Phú Tân). Ngồi trong căn nhà lợp bằng cây gỗ địa phương kết hợp lá dừa nước nhìn ra cửa biển Cái Cám, xã Tân Hải (Phú Tân, Cà Mau), vợ chồng ông Nguyễn Văn Út, 48 tuổi, nói: “Ở cửa biển dễ ra biển, có chỗ đậu xuồng ghe nhưng phải coi chừng. Khi nước lên, đồ đạc phải đưa lên cao, không thì trôi mất tiêu. Đêm nằm phải để ý, thính tai, có gió mạnh, nước nhảy mé là quơ đồ đạc chất lên cây liền!”
Ở huyện ven biển Phú Tân (Cà Mau) có 37 km bờ biển Tây với 6 cửa sông ăn thông ra biển là Cái Đôi Vàm (thị trấn Cái Đôi Vàm), cửa Sào Lưới (xã Nguyễn Việt Khái), cửa Công Nghiệp, Cái Cám (xã Tân Hải), Mỹ Bình (xã Phú Tân). Ngồi trong căn nhà lợp bằng cây gỗ địa phương kết hợp lá dừa nước nhìn ra cửa biển Cái Cám, xã Tân Hải (Phú Tân, Cà Mau), vợ chồng ông Nguyễn Văn Út, 48 tuổi, nói: “Ở cửa biển dễ ra biển, có chỗ đậu xuồng ghe nhưng phải coi chừng. Khi nước lên, đồ đạc phải đưa lên cao, không thì trôi mất tiêu. Đêm nằm phải để ý, thính tai, có gió mạnh, nước nhảy mé là quơ đồ đạc chất lên cây liền!”
Ông Ngô Văn Vững, ở gần nhà ông Út, được bà con bầu làm Tổ tự quản xóm ven biển cửa Cái Cám cho biết thêm: “Bà con tứ xứ đến làm ăn phải coi chừng biển trời trở gió, nước dâng. Cứ nước dâng lên, biển lở vô thêm là phải dời nhà vào rừng thêm chút nữa mới được. Nhưng ở gần biển dễ đi câu cá, giăng lưới, đóng đáy… để sống”. Cửa biển Cái Cám có khoảng 30 hộ dân thì người sống lâu chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn dân nghèo từ nơi khác đến làm ăn sinh sống.
(Còn nữa)
Theo Nguyễn Tiến Hưng- DĐĐT
0 nhận xét:
Post a Comment