Test Footer 2

Cân nhắc hệ thống cảng biển Đồng Bằng Sông Cửu Long

Nhu cầu hàng hoá cần chuyển tải qua các cảng ở ĐBSCL rất lớn. Tuy nhiên, do khu vực ĐBSCL có đặc điểm sa bồi lớn, vì vậy việc phát triển hệ thống cảng quy mô lớn cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng.

Hệ thống cảng hiện tại và những bất lợi

Tổng lượng hàng hoá xuất nhập khẩu của khu vực ĐBSCL ước tính khoảng 15 triệu tấn /năm bao gồm các loại hàng hoá chủ yếu như gạo, cám, gỗ dăm, mì lát, thuỷ hải sản, các sản phẩm từ nông nghiệp, nguyên vật liệu phục vụ nông nghiệp, nguyên phụ liệu cho các nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng hiện có, các sản phẩm hàng hoá phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng …

Hơn nữa, hiện tại các tỉnh Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang đang có các dự án xây dựng các nhà máy nhiệt là Ô Môn, Duyên Hải, Long Phú, Châu Thành, Kiên Lương và dự kiến các nhà máy nhiệt điện này tiêu thụ hàng chục triệu tấn than/năm. Do đó số lượng hàng hoá ra vào các cảng khu vực này sẽ rất lớn. Tuy nhiên, với năng lực hiện có các cảng khu vực này sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu, và việc phải chuyển tải từ các cảng lớn ở TPHCM và Bà Rịa Vũng Tàu sẽ làm tăng giá thành sản xuất điện năng của khu vực này.

Hiện nay cụm Cảng Cần Thơ đóng vai trò đầu mối tập trung hàng hoá khu vực này song điểm yếu của cụm cảng này là luồng Định An. Đây là cửa ngõ ra vào luôn bị bồi đắp nhiều và nhanh buộc phải nạo vét thường xuyên rất tốn kém. Tuy nhiên, hiệu quả cũng không được như ý vì tốc độ nạo vét không kịp với tốc độ bồi lắng. Do đó hiện tại cụm cảng này cũng chỉ tiếp nhận tàu có tải trọng khoảng 5.000 tấn trọng tải trở lại.

Luồng kênh Quan Chánh Bố khởi công từ năm 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2012, tuy nhiên đến nay dự án này vẫn còn đang dang dở và hiện bị tạm dừng. Tính toán cho thấy dự đoán của một số nhà chuyên môn dường như đã thành sự thật bởi nếu nạo vét thành công kênh này thì khu vực cửa sông cũng sẽ lại xuất hiện các bãi bồi như cửa Định An và việc nạo vét sẽ tốn chi phí vô cùng lớn. Như vậy, chẳng khác gì từ bỏ cái khó này để lao vào một cái khó khác.

Hầu hết tất cả các tỉnh ĐBSCL đều có hệ thống cảng riêng.Tuy nhiên, điều đặc biệt tại khu vực này là sa bồi lớn, do đó việc phát triển một hệ thống cảng với quy mô lớn sẽ là rất khó khăn. Hiện tại khu vực này chỉ có một cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 10.000 tấn là cảng Bình Trị, Kiên Lương, song cảng này thuộc sở hữu của công ty Holcim và chỉ chuyên dùng cho các tàu phục vụ cho Nhà máy xi măng Holcim tại Kiên Lương. Các cảng còn lại như Cảng Trà Nóc có thể tiếp nhận tàu 10.000-15.000 tấn, tuy nhiên chỉ có thể nhận tàu đến 5.000 tấn, tàu lớn không thể vào được. Cảng Mỹ Thới có độ sâu luồng và bến cảng có thể tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn, nhưng hiện tại chỉ có thể cho tàu 5.000 tấn ra vào,… Tất cả nguyên nhân là nút thắt cổ chai Cửa Định An.

Làm sao để đầu tư cảng biển không trở thành lãng phí?

Dự án cảng trung chuyển nước sâu Nam Du đã được Tập đoàn Tân Tạo ký kết hợp đồng tư vấn kỹ thuật với Royal Haskoning ngày 10/7/2010 với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 800 triệu đô la Mỹ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2010-2013 dự kiến nâng công suất hàng hoá qua cảng khoảng 17 triệu tấn hàng và đủ khả năng tiếp nhận tàu đến 80.000 tấn và giai đoạn 2 từ 2010 -2020 nâng công suất hàng hoá qua cảng đến hơn 60 triệu tấn và có thể tiếp nhận tàu đến 150.000-200.000 tấn trọng tải. Tuy nhiên, từ khi khởi công san lấp mặt bằng tại khu vực dự kiến xây nhà máy điện Kiên Lương cuối năm 2008 đến nay, “siêu dự án” của Tập đoàn Tân Tạo vẫn ngủ yên, khu đất dự kiến xây nhà máy nhiệt điện vẫn chỉ là một khu đất hoang vu thì việc triển khai dự án cảng còn rất xa vời.

Nhiều ý kiến đồng tình với việc cảng nằm sâu trong nội địa vùng này chỉ thích hợp cho tàu có trọng tải 5000-6000 tấn, và phục vụ cho việc chuyển tải hoặc vận chuyển nội địa là chính, chứ không thể trực tiếp xuất nhập khẩu với lượng hàng lớn được. Do vậy, trong quy hoạch cảng biển đòi hỏi phải xác định rõ mục tiêu hình thành cảng, địa tầng, địa mạo, điều kiện tự nhiên, nhu cầu kinh tế… tránh trường hợp đầu tư cảng lớn, song không có đường vào sẽ gây lãng phí lớn như thời gian qua.

Tuy nhiên, như đã đề cập trên đây, việc các dự án nhà máy nhiệt điện triển khai, cùng với sự phát triển kinh tế vùng đòi hỏi một cảng nước sâu đáp ứng yêu cầu trung chuyển hàng hoá cho khu vực kinh tế còn nhiều tiềm năng này là cần thiết. Dự án cảng Trần Đề cũng có thể là một gợi ý tốt khi vị trí dự kiến xây dựng cảng nước sâu chỉ cách cửa biển khoảng hơn 10 hải lý. Đây là một khoảng cách tương đối thuận tiện cho các loại sà lan nhỏ 1.000-3.000 tấn, là loại rất phổ biến hiện đang lưu thông hàng hoá chính cho ĐBSCL, có thể ra vào an toàn.

La Quang Trí
Bài viết đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn số 21, ngày 23-5-2013
http://www.thesaigontimes.vn/epaper2010/TB-KTSG/868/
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment