Test Footer 2

Các tỉnh Nam Trung Bộ ứng phó biến đổi khí hậu

Bờ biển dài, diện tích rừng lớn, các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy vậy, rất dễ tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu (BÐKH) và nước biển dâng (NBD). Công tác ứng phó đang được triển khai theo điều kiện đặc thù của mỗi địa phương.
 
 
Kè hạ lưu sông Cái Nha Trang thoát lũ cho thành phố.
Biển Nha Trang gầm gào sóng dữ. Gió rít mỗi lúc một căng. Cơ quan dự báo thời tiết cho biết, bão sắp đổ bộ vào đất liền. Ấy vậy mà nhiều người dân TP Nha Trang vẫn thản nhiên kéo nhau ra bờ biển để... xem bão. Câu chuyện này cả nước biết đến từ nhiều năm nay. Sở dĩ có sự việc như vậy là vì xưa nay, Khánh Hòa vốn là vùng ít có gió, bão. Tần suất bão đổ bộ vào Khánh Hòa rất thấp, chỉ khoảng 0,82 cơn bão/năm so với 3,74 cơn bão/năm đổ bộ vào bờ biển Việt Nam. Nhiều trường hợp các trận bão được dự đoán sẽ đổ bộ vào Khánh Hòa nhưng ngay sau đó đi chệch hướng hoặc biến đổi thành áp thấp khi vào gần  bờ. Chính vì vậy, người dân TP Nha Trang, Khánh Hòa có phần chủ quan trong phòng, chống bão, lũ.
 Nay thì khác rồi. Năm ngoái, mới đầu tháng 3 âm lịch đã có bão. Trái cây cao sản rụng trắng vườn. Hàng loạt mảng bè nuôi tôm hùm vỡ toác, trống không. Nhiều nhà bỗng chốc trắng tay, lâm nợ. Người dân Khánh Hòa giờ không còn chủ quan như trước nữa, mà đã có sự chủ động trong phòng, chống bão lũ.
 Xây dựng kế hoạch ứng phó
 Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BÐKH-NBD giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Khánh Hòa xây dựng kế hoạch hành động ứng phó, với năm mục tiêu gồm đánh giá tác động của BÐKH-NBD ảnh hưởng tài nguyên nước; cơ sở hạ tầng ven biển, đa dạng sinh học vùng ven bờ; hoàn thành thí điểm dự án cộng đồng ứng phó ở quy mô cấp xã vùng ven biển và nâng cao năng lực ứng phó của địa phương.
 Ðến thời điểm này, Khánh Hòa đã hoàn thành công việc đánh giá tác động của BÐKH đối với tài nguyên nước và đang tiến hành đánh giá tác động của BÐKH-NBD đối với hạ tầng cơ sở các ngành, địa phương ven biển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Ðức Vinh cho biết: Khánh Hòa có nhiều địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn tác động của BÐKH-NBD. Thị xã Ninh Hòa; các thành phố Nha Trang, Cam Ranh; các huyện Cam Lâm, Vạn Ninh có rất nhiều khu du lịch, công trình xây dựng, hệ thống giao thông cảng biển, các công trình hạ tầng cơ sở của nhiều ngành nằm sát mép nước biển. Do đó, tỉnh tập trung ưu tiên một số lĩnh vực như: Hệ thống giao thông và các công trình cầu, cảng, đê, kè ven biển, cửa sông; hạ tầng cơ sở cấp, thoát nước, giao thông khu vực dân cư ven biển, hải đảo; hạ tầng cơ sở sản xuất nông nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản; hạ tầng cơ sở di tích lịch sử, văn hóa, du lịch, nghỉ  dưỡng; các cụm công nghiệp ven biển.
 Bình Ðịnh cũng xây dựng kịch bản BÐKH-NBD; triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BÐKH tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2012 - 2015 và Dự án "Xây dựng kế hoạch ứng phó BÐKH tỉnh Bình Ðịnh". Trên cơ sở đó, Bình Ðịnh chủ động tham gia nhiều hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực về BÐKH-NBD trong và ngoài nước; tăng cường tìm kiếm các nguồn tài trợ cho lĩnh vực ứng phó BÐKH-NBD; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động về BÐKH-NBD như: Cập nhật kế hoạch hành động ứng phó BÐKH tỉnh Bình Ðịnh, trong đó tập trung rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển đô thị, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương có xét đến yếu tố BÐKH-NBD; xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về BÐKH-NBD cho bộ máy quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh; trồng và quản lý rừng ngập mặn tại đầm Ðề Gi (huyện Phù Mỹ và Phù Cát) và khu vực ven biển huyện Hoài Nhơn.
 Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Phú Yên Trương Ðình Khai cho biết, tình trạng thiếu nước diễn ra ngày càng gay gắt từ năm 2015. Trước tình hình đó, tỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể và các giải pháp đầu tư các công trình khai thác nước, gồm 20 giải pháp công trình khai thác nước mặt, trong đó đề nghị xây dựng mới 92 công trình hồ, đập và trạm bơm; năm giải pháp công trình khai thác nước ngầm... công suất hàng triệu mét khối nước mỗi năm. Từ nay đến năm 2014, Phú Yên tập trung xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 126 công trình thủy lợi, gồm 52 hồ chứa, 10 đập dâng và chín trạm bơm điện, tổng dung tích hữu ích các hồ chứa ứng với mực nước dâng bình thường hơn 100 triệu m3.
 Mặt khác, để bảo vệ và phát triển nguồn nước mùa cạn kiệt, hạn chế dòng chảy mùa lũ, tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2015 có độ che phủ rừng đạt 40%. Hiện tỉnh đang tập trung công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; chuyển đổi các phương thức canh tác từ hình thức đốt nương làm rẫy sang thâm canh; đa dạng các hình thức tái tạo rừng kết hợp phát triển lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi dưới tán rừng; kêu gọi đầu tư lĩnh vực chế biến có sử dụng nguồn nguyên liệu từ rừng trồng.
 Cần sự quan tâm đầu tư hơn của các cấp, các ngành
 Theo Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn, Sở TN và MT tỉnh Khánh Hòa Bùi Minh Sơn, BÐKH-NBD là vấn đề lớn, liên quan nhiều lĩnh vực. Hiện nay, triển khai công tác ứng phó đang gặp hai khó khăn lớn nhất là nhân lực và kinh phí. Về nhân lực, Khánh Hòa đang thiếu nghiêm trọng cả về quản lý cũng như nghiên cứu chuyên sâu. Các hoạt động, công trình can thiệp, thích ứng BÐKH-NBD cần nguồn vốn rất lớn. Khánh Hòa đã đề xuất với Trung ương đầu tư sáu dự án với tổng số vốn hàng nghìn tỷ đồng, bao gồm: Dự án kè Vĩnh Nguyên, kè hạ lưu cầu Bình Tân (Nha Trang); kè bờ sông Tô Hạp, cầu Ko Róa (Khánh Sơn); cầu Thác Ngựa (Khánh Vĩnh); dự án nâng cao năng lực cộng đồng... Tuy nhiên, cho tới nay, mới có kè Vĩnh Nguyên (Nha Trang) được phê duyệt, hỗ trợ đầu tư với nguồn vốn 200 tỷ đồng. Ngoài ra, kinh phí hoạt động trên lĩnh vực ứng phó BÐKH-NBD hiện cũng rất eo hẹp, khó khăn.
 Phó Giám đốc Sở TN và MT Bình Ðịnh Ðinh Văn Tiên đánh giá: Kết quả đạt được như trên là đáng mừng, song vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu hiện nay. Vì vậy, thời gian tới, Bình Ðịnh sẽ nỗ lực hơn trong việc vận động, tìm kiếm các nguồn tài trợ, hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho công tác ứng phó BÐKH-NBD trên địa bàn tỉnh.
 Có điều kiện tự nhiên dễ bị tổn thương do BÐKH-NBD, các tỉnh Nam Trung Bộ cần đẩy mạnh hơn công tác bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển; đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển, đê sông. Trong quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch ngành cũng như khi xây dựng, triển khai các dự án ở những vùng ven biển, cửa sông đều phải tính tới yếu tố tác động của BÐKH-NBD. Nguồn nhân lực phục vụ công tác ứng phó BÐKH-NBD hiện đang rất khó khăn. Do đó, các cấp, các ngành có liên quan cần quan tâm, tính toán trong đào tạo cũng như xây dựng chính sách cụ thể nhằm sớm xây dựng được một đội ngũ cán bộ kỹ thuật có đủ khả năng phân tích, dự báo, đề ra các giải pháp đối phó BÐKH-NBD một cách hiệu quả.
 Vấn đề khác hết sức quan trọng cần được quan tâm là nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức của cán bộ và của người dân về các phương thức và phương án giảm nhẹ thiên tai. Ðể mỗi một người dân đều coi đó là nhiệm vụ, là công việc liên quan máu thịt đối với chính cuộc sống của mình; mỗi người dân cần nhận thức rằng, chính mình, chứ không phải ai khác, từ những công việc nhỏ nhặt hằng ngày vẫn có thể góp phần quan trọng vào công cuộc ứng phó BÐKH-NBD.
THEO CÁT HÙNG, TRÌNH KẾ và PHONG NGUYÊN - BÁO NHÂN DÂN
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment