Test Footer 2

Thực trạng và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu vùng biển, đảo Kiên Giang


Ảnh minh họa: Cửa sông Cái Bé thuộc xã Bình An, huyện Châu Thành
Kiên Giang là tỉnh ven biển của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có tổng diện tích tự nhiên 6.346 km2, dân số gần 1,7 triệu người, vùng biển rộng gấp 10 lần so với diện tích đất liền, với hệ sinh thái đa dạng, phong phú là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong 8 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam được UNESCO công nhận, có bờ biển dài, với 137 hòn/đảo lớn nhỏ và hệ thống núi đá vôi ven biển, ngoài sản xuất lúa gạo là chủ lực, Kiên Giang có thế mạnh phát triển về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản và khai thác sản xuất vật liệu xây dựng với giá trị cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương; với đặc điểm tự nhiên Kiên Giang nằm cuối nguồn của sông Mê Kông nơi đổ nước ra biển nhưng là đầu nguồn của triều biển Tây - Vịnh Rạch Giá nên chịu ảnh hưởng nặng nề của Biến đổi khí hậu (BĐKH) đặc biệt là nước biển dâng, lũ lụt, bão, áp thấp nhiệt đới và lốc xoáy hàng năm.
Là khu vực thoát lũ chính của vùng Tứ giác Long Xuyên (gồm các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ), các năm có lũ lớn là năm 1994, 1996, lũ liên tiếp 3 năm 2000, 2001, 2002, trong đó lũ lịch sử năm 2000 gần 15 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, có hơn 314 km đường giao thông nông thôn bị hư, 16 người chết, thiệt hại về vật chất ước tính trên 317 tỷ đồng; Bão, áp thấp nhiệt đới và lốc xoáy thường xuất hiện vào mùa mưa, các năm gần đây số lượng các cơn bão, lốc xảy ra trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng và cường độ mạnh hơn, bình quân mỗi năm có từ 10 đến 15 cơn dông, lốc xuất hiện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là bão Linda năm 1997, Durian năm 2006, bão 2008, gần đây là bão Pakhar ngày 01/4/2012; hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra gay gắt trong mùa khô liên tiếp các năm 2001- 2005, các hiện tượng "thời tiết đặc biệt" đã xảy ra như: hiện tượng vòi rồng xuất hiện ngày 02/10/2003 trên vùng biển Kiên Giang, hiện tượng mực nước biển hạ thấp, sau đó dâng cao thất thường kèm theo mưa giông gây sóng to làm thiệt hại lớn tại huyện đảo Kiên Hải ngày 23/6/2005; ngập úng thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cho vùng U Minh Thượng; sạt lở bờ sông xảy ra hầu hết các tuyến kênh như kênh Cái Sắn, kênh Rạch Giá - Hà Tiên..., sạt lở bờ biển xảy ra ở các tuyến đê biển Rạch Giá - Hà Tiên, An Biên - An Minh, một số đoạn ven biển huyện Hòn Đất; năm 1998 vùng Tứ giác Long Xuyên mặn xâm nhập sâu vào nội đồng từ 17 đến 20km; năm 2009 từ 30 đến 40km, mặn xâm nhập gây thiệt hại về sản xuất nông, ngư nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và thu nhập của người dân. Mặt khác, sự hiểu biết cũng như chủ động ứng phó với BĐKH của cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương về BĐKH vẫn còn ở mức hạn chế.
Kịch bản quốc gia về BĐKH của Việt Nam, theo kịch bản phát thải trung bình, thì đến cuối thế kỷ, khu vực ĐBSCL có nhiệt độ trung bình có thể tăng 1,3oC tới 2,8oC, mưa có thể tăng 4-8% và nước biển dâng theo kịch bản thấp là 66 cm và kịch bản cao là 99 cm. Nước biển dâng cao 1m có thể làm 39% diện tích có nguy cơ ngập, 35% dân số ĐBSCL bị ảnh hưởng, cùng với gia tăng nhiệt độ và diễn biến mưa thay đổi, mực nước biển dâng được dự báo là gây tác động đến những điều kiện tự nhiên, đời sống và sức khỏe của người dân của ĐBSCL nói chung và Kiên Giang nói riêng.
Trên cơ sở xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Kiên Giang, việc đánh giá tác động của BĐKH trong thời gian tới cần thực hiện chủ trương và có một số giải pháp ứng phó với BĐKH đó là: Nghiên cứu khả năng chịu đựng của hệ thống đê, cống ngăn mặn hiện hữu do ảnh hưởng của BĐKH trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình điểm, triển khai và ứng dụng công nghệ mới, vật liệu xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường phù hợp với điều kiện của BĐKH cho các công trình thủy lợi: đê, kè, trạm bơm…nâng cấp, bảo vệ cơ sở hạ tầng hiện hữu, khu đô thị mới ven biển, đường giao thông tại các đô thị trong tỉnh, cộng đồng dân cư ven biển...; nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước, quy hoạch phát triển bền vững tài nguyên nước trong điều kiện BĐKH, nghiên cứu giải pháp cấp nước sạch cho vùng biên giới, hải đảo; các vùng dân tộc đặc biệt khó khăn dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH; các dự án xây dựng hệ thống giám sát BĐKH, nước biển dâng, năng lực cảnh báo, dự báo, gắn với mô hình có độ chính xác cao phục vụ công tác nghiên cứu, rà soát và xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; nghiên cứu ban hành các chính sách liên quan hỗ trợ cho các hoạt động về BĐKH mang tính cấp thiết phục vụ nhu cầu dân sinh, dân dụng. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cụ thể hóa một số quy định cơ chế chính sách và nguồn nhân lực cho các địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về BĐKH để có đủ điều kiện để đáp ứng nhiệm vụ về lĩnh vực BĐKH trên địa bàn tỉnh./.
Theo Thành Nghĩa-Chi cục Biển và Hải đảo Kiên Giang-kiengiang.gov.vn
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

1 nhận xét:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete