Test Footer 2

Phục hồi vùng ven biển và rừng ngập mặn bằng hàng rào cừ tràm tại Kiên Giang

Xói lở là một vấn đề nghiêm trọng ở các khu vực ven biển. Tại Kiên Giang khoảng 34% chiều dài bờ biển đã và đang bị xói lở, một số khu vực bị xói lở khoảng 24 m bờ biển mỗi năm. Ngoài ra khoảng 23% chiều dài bờ biển Kiên Giang có khả năng bị xói lở trong tương lai do mất rừng ngập mặn.




Việc phục hồi rừng ngập mặn ở những khu vực xói lở cao đã được hỗ trợ hiệu quả bằng cách sử dụng hàng rào tràm bảo vệ.





Đây là vấn đề sống còn đối với cộng đồng dân cư ven biển. Rừng ngập mặn hình thành một lá chắn xanh gồm các loài thực vật có khả năng chịu mặn làm khu vực đệm và bảo vệ đất nông nghiệp khỏi bị tàn phá do bão tố và nước biển dâng. Do rừng ngập mặn đang bị mất dần bởi xói lở và khai thác quá mức, các hoạt động khôi phục rừng cần được khẩn trương triển khai. Hoạt động trồng rừng ngập mặn thường không thành công. Ở những khu vực bị xói lở nghiêm trọng, rừng trồng bị xóa sổ chỉ trong một năm. Một trong những lý do mất rừng nhiều là do thiếu sự bảo vệ cây con khỏi tác động sóng và hoạt động bồi lắng theo mùa sau khi trồng. Các hoạt động bồi lắng theo mùa cũng làm đứt rễ và chôn vùi cây con.



Dự án GIZ - Bảo tồn và Phát triển khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang đã thiết kế và thử nghiệm ba kiểu hàng rào bảo vệ bờ biển khác nhau. Mục đích của hàng rào là làm giảm năng lượng của sóng, và giữ lại lớp phù sa đã bồi lắng từ đầu mùa mưa khỏi bị sóng cuốn trôi khi có gió mạnh vào nửa cuối mùa mưa. Điều này giúp cho cây ngập mặn con mới trồng hoặc cây tái sinh tự nhiên đều có thể h.nh thành bộ rễ ổn định hơn.



Hàng rào làm giảm sức mạnh của sóng lên đến 63%, bồi đắp thêm 20 cm bùn mỗi năm với khoảng 700 tấn/ha. Hàng rào cũng góp phần bảo vệ nguyên vẹn các cây trồng và tái sinh tự nhiên, ngay cả ở những khu vực xói lở nghiêm trọng. 




 

Hàng rào tràm giúp giảm năng lượng sóng và do đó đóng vai trò quan trọng trong giảm xói lở rừng ngập mặn và vùng ven biển; giúp bảo vệ và nâng cao tỉ lệ sống sót của cây con trong giai đoạn phát triển quan trọng khi mới trồng;  xúc tiến tái sinh tự nhiên của cây con trong rừng ngập mặn. Phục hồi rừng ngập mặn sử dụng hàng rào giúp củng cố đa dạng sinh học của các loài sinh vật đáy.



Các hàng rào được thiết kế và hoạt động như một rào chắn tự nhiên nhằm hấp thu sức mạnh của sóng biển nhưng vẫn để cho nước và động vật di chuyển tự do phía trong và ngoài khu vực bảo vệ. Do vậy tính đa dạng sinh học của động, thực vật bên trong hàng rào do dự án xây dựng đã gia tăng đáng kể. Khi tác động sóng được giảm nhẹ và lớp phù sa trở nên ổn định, cây con có thể sống sót và sinh trưởng.

Hàng rào do dự án xây dựng đã thúc đẩy tái sinh tự nhiên và tăng đa dạng sinh học hệ động vật. Trong vòng hai năm quần thể sinh vật sống ở tầng đáy (sinh vật đáy) được gia tăng đáng kể. Mật độ quần thể ở khu vực phía trong hàng rào lớn hơn nhiều. ở khu vực có hai hàng rào, tính đa dạng và cấu trúc đất đang tiệm cận với các đặc điểm của rừng ngập mặn tự nhiên.

Khác với kè chắn bằng xi măng hoặc các vật liệu rắn khác, hàng rào cản sóng giúp giảm tác động sóng biển trong khi vẫn cho phép dòng nước, phù sa và sinh vật di chuyển. Sau hai năm, lớp phù sa bồi lắng phía sau hàng rào đã tương tự như lớp phù sa bồi lắng tự nhiên ở các khu vực lân cận nơi vẫn còn rừng ngập mặn.

Hàng rào được xây dựng từ cừ tràm, một loại vật liệu có giá thành thấp và rất sẵn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cây tràm được chọn do giá trị nhiều mặt về môi trường mà loại cây rừng ven biển này mang lại. Đây là loại vật liệu có khả năng tồn tại trong điều kiện ngập nước và bùn tại các hệ sinh thái ngập mặn.

 


Theo NGUYỄN THỊ HỒNG XIÊM (GIZ Việt Nam)-tinmoitruong.vn

SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment