Test Footer 2

Cần đổi mới tư duy quản lý môi trường biển

Cần phải có sự đổi mới trong tư duy quản lý môi trường biển theo hướng phải có quy hoạch đầu tư tổng thể về cơ sở hạ tầng xử lý môi trường và phương án kiểm soát môi trường biển đồng bộ – ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường, trả lời phỏng vấn.

Năm 2012, công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất biển, hải đảo đã thu được những kết quả, chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có sự đổi mới rõ nét hơn trong tư duy quản lý cũng như có sự quyết liệt, khẩn trương hơn trong việc triển khai nhiệm vụ chính trị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên cơ sở bảo đảm chỉ đạo thông suốt từ trung ương xuống địa phương và tăng cương phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan đến biển, hải đảo. 

- Năm 2012 đã kết thúc, Thứ trưởng có những nhận định gì về công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo trong thời gian qua ?
 

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển: So với các lĩnh vực công tác khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành tài nguyên và môi trường, quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là lĩnh vực còn rất mới và có tính đặc thù cao. Trước hết, đây là một lĩnh vực có tính chất quản lý tổng hợp nhưng được giao cho một bộ có kinh nghiệm quản lý đa ngành kinh tế - kỹ thuật.  

Tiếp đến, phải kể đến tính đặc thù về phạm vi quản lý, theo không gian biển và hải đảo rất rộng lớn (rộng hơn khoảng gấp ba lần so với lãnh thổ nước ta trên đất liền) và đang có nhiều khía cảnh nhạy cảm cả về quan hệ đối ngoại lẫn sự đan xen, tính phức tạp về thể chế quản lý liên quan đến trách nhiệm của rất nhiều bộ quản lý ngành, lĩnh vực và chính quyền 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển.  

Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên&Môi trường đang phải thực hiện một mảng chức năng không những có tầm quan trọng so với yêu cầu nhiệm vụ chính trị mà Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 mà Trung ương Đảng đã đề ra, mà còn khó cả vấn đề triển khai một phương thức quản lý mới, khác với tư duy và cách thức quản lý như vốn có từ trước tới nay ở các ngành lĩnh vực khác, đó là quản lý tổng hợp biển và vùng ven biển (intergreted coastal and marine management), một phương thức quản lý đã và đang được áp dụng tại nhiều quốc gia có trình độ quản lý biển tiên tiến, hiện đại nhằm mang lại một lợi ích khai thác sử dụng các biển và vùng ven biển có tính tổng hòa, bảo đảm cân đối giữa các mục tiêu phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường.    

Đứng trước những vấn đề quản lý biển, đảo mới mẻ và quan trọng đang đặt ra, trong thời gian qua Bộ Tài nguyên&Môi trường đã xác định những nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện ngay, đó là làm nhanh chóng hình thành được bộ máy cơ quan chuyên môn ở trung ương và cấp tỉnh; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên – môi trường biển, hợp tác quốc tế và tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của biển, hải đảo; đồng thời có lộ trình thích hợp để từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực trong điều kiện nhận thức và kinh nghiệm về quản lý tổng hợp đối với biển còn có những hạn chế nhất định.   

Nhìn lại chặng đường đã qua, tuy chưa dài nhưng công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo đã đạt được những kết quả chủ yếu sau đây: 

Về xây dựng hệ thống tổ chức quản lý: bộ máy quản lý chuyên trách về biển, hải đảo đã được tổ chức ở cấp trung ương (Bộ Tài nguyên&Môi trường có Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam) và ở cấp tỉnh (có 21/28 tỉnh, thành phố có biển đã thành lập Chi cục để quản lý biển, hải đảo thuộc sở tài nguyên&môi trường. Các địa phương còn lại có phòng chuyên môn có chức năng về quản lý biển và hải đảo thuộc sở tài nguyên&môi trường).   
Về xây dựng thể chế, chính sách phục vụ quản lý tổng hợp biển, hải đảo: ngày khi mới được giao nhiệm vụ, Bộ Tài nguyên&Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06/3/2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; đồng thời đã ban hành nhiều Thông tư về quy định kỹ thuật và quy trình chuyên môn nghiệp vụ trong các lĩnh vực điều tra – khảo sát biển và hải đảo. Trong năm 2011 và 2012, Bộ Tài nguyên&Môi trường đã tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc chuẩn bị tốt dự án Luật Biển Việt Nam để Chính phủ trình Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua, trong đó Chương IV của Luật quy định về phát triển kinh tế biển đã thể hiện được các yêu cầu quản lý khai thác phát triển kinh tế biển theo hướng đẩy mạnh quản lý tổng hợp và phát triển bền vững tài nguyên – môi trường biển, hải đảo.

Điều quan trọng là, các quy định nêu trên trong Luật Biển Việt Nam là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc từng bước xác lập các công cụ quản lý biển, vùng ven biển, hải đảo theo nguyên tắc quản lý tổng hợp dựa vào các đặc trưng của hệ sinh thái  mà ngành tài nguyên và môi trường đang hướng tới như quy hoạch (tổng thể) sử dụng biển, hải đảo cả cả nước và hệ thống quy định về giao khu vực biển cho tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng (đây cũng là những đề án mà Bộ Tài nguyên&Môi trường đang nghiên cứu, xây dựng để kịp trình Chính phủ thông qua trong năm 2013 và 2014). Có được các công cụ quản lý quan trọng này, công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo chắc chắn sẽ có chuyển biến mạnh mẽ và có chiều sâu hơn nhiều về hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới. 

Về công tác điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển: trong năm qua, Bộ đã tập trung chỉ đạo để thúc đẩy tiến độ thực hiện các nhiệm vụ thuộc đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” (đề án 47) và đã hoàn thành việc tổng kết giai đoạn I của đề án tại cuộc họp ban chỉ đạo nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải. 
Về hợp tác quốc tế và khoa học, công nghệ, Bộ cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc triển khai các hướng ưu tiên nghiên cứu khoa học - công nghệ biển và không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế trong khu vực có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng hỗ trợ nước ta trong việc xây dựng năng lực quản lý biển tiên tiến (như PEMSE, COBSEA) cũng như tiếp tục phát triển các quan hệ hợp tác về khoa học và công nghệ biển với các cơ quan khoa học của Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Hà Lan, Na Uy, v.v… 

Về tuyên truyền biển, hải đảo, đây là mảng công tác có tác dụng bổ trợ tích cực cho việc triển khai thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo bởi nếu làm tốt công tác này có thể làm thay đổi nhận thức và tạo ra sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành. Trong năm 2012, Bộ Tài nguyên&Môi trường đã tiếp tục chủ trì, phối hợp tổ chức thành công Tuần lễ Biển&Hải đảo Việt Nam. Trong khuôn khổ thực hiện đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo Việt Nam, lãnh đạo Bộ cũng đã xác định những ưu tiên cần tập trung cho công tác truyên truyền trong năm tới đây, đó là phải nhanh chóng đưa ra được hệ thống tài liệu tuyên truyền có chất lượng và xây dựng được đội ngũ báo cáo viên truyên truyên viên về tài nguyên – môi trường, quản lý tổng hợp biển, hải đảo. 

- Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, theo Thứ trưởng, lĩnh vực biển và hải đảo cần ưu tiên thực hiện những vấn đề gì? 

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển: mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng chúng tôi cho rằng bước sang năm mới 2013, cần phải có sự quyết tâm cao hơn, thực sự tạo ra chuyển biến mạnh mẽ và có những bước đột phá về quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương xuống địa phương.  

Một là, phải nhanh chóng hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan giúp bộ trưởng và giúp UBND cấp tỉnh về công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo. Tác dụng của nó là để làm rõ hơn cả về tầm quan trọng, cả về phạm vi, nội dung quản lý nhà nước về biển, hải đảo của Ngành tài nguyên và môi trường trong mối quan hệ với các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm liên quan. Nếu vẫn còn có những quy định không rõ, chồng chéo tạo ra nhận thức khác nhau về cùng một vấn đề quản lý, tất yếu công tác điều hành, chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiệm vụ cụ thể sẽ còn lúng túng, khó thực hiện. 

Hai là, phải có sự bứt phá rõ rõ rệt trong thời gian sắp tới, đó là làm tốt công tác xây dựng thể chế, chính sách, tập trung vào một số việc chính sau đây: 

Đẩy nhanh việc lập quy hoạch tổng thể, kế hoạch sử dụng biển, hải đảo cho từng thời kỳ. Đây là một việc khó và đòi hỏi huy động nguồn lực “chất xám” của đội ngũ chuyên gia, nắm chắc thực trạng và nhu cầu khai thác sử dụng tài nguyên – môi trường biển của các ngành, lĩnh vực và các địa phương ven biển.  

Trong năm 2013, phải trình được Nghị định của Chính phủ về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng. Có được quy định này (đồng thời dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, hải đảo) mới xác lập rõ được quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân đối với các khu vực không gian biển và ven bờ, đồng thời cũng rõ hơn về trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ tài nguyên biển, đưa các công cụ kinh tế tác động vào quá trình quản lý khai thác, sử dụng biển, hải đảo, tạo nguồn thu cho ngân sách. 

Tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị tốt các luận cứ cho việc xây dựng Luật Tài nguyên&Môi trường biển để tạo cơ sở pháp lý có tính tổng thể cho việc thực thi quản lý biển, hải đảo của ngành tài nguyên và môi trường. 

Ba là, đối với công tác điều tra cơ bản, tập trung vào xây dựng các công cụ quản lý hoạt động điều tra cơ bản, phân định, phân cấp rõ phạm vi tổ chức điều tra của các cấp, các ngành; trình Chính phủ thông qua được các định hướng và nhiệm vụ điều tra cơ bản thuộc đề án 47 cho giai đoạn đến năm 2020. Đồng thời, chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu biển, hải đảo và có cơ chế cho phép các ngành, địa phương cùng khai thác, sử dụng có hiệu quả thông tin, dữ liệu để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 

Bốn là, đối với công tác kiểm soát, bảo vệ môi trường biển, hải đảo, hiện nay đây cũng là một vấn đề có tầm quan trọng ngày càng tăng liên quan đến các hoạt động kinh tế trên biển và đầu tư cho các khu kinh tế ven biển, các cảng biển, khu du dịch v.v… Do môi trường biển có đặc tính liên thông nên hoạt động gây ô nhiễm ở khu vực này rất dễ dàng lan truyền sang các khu vực thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành hoặc địa phương khác trong thời gian sắp tới phải có sự đổi mới trong tư duy quản lý môi trường biển theo hướng phải có quy hoạch đầu tư tổng thể về cơ sở hạ tầng xử lý môi trường và phương án kiểm soát môi trường biển đồng bộ, có khả năng huy động các nguồn lực ứng phó nhanh đối với sự cố môi trường biển; phải có quy chế bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong tuần tra bảo vệ kết hợp kiểm soát môi trường biển.  

Năm là, để làm tốt các nhiệm vụ được giao, trước hết phải có nguồn nhân lực đủ số lượng, hợp lý về cơ cấu và và có sự am hiểu về kiến thức và kinh nghiệm thực tế về biển. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý biển, đảo cũng rất cần được tăng cường hơn và kết hợp đào tạo, bồi dưỡng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và công tác hợp tác quốc tế về biển trong ngành tài nguyên và môi trường sắp tới cần chú trọng điều chỉnh hướng ưu tiên vào xây dựng năng lực quản lý trên các phương diện thể chế, thực thi pháp luật và ứng dụng công nghệ vào quản lý biển. 

Sáu là trong bối cảnh mới của nền kinh tế đất nước có nhiều khó khăn, Nhà nước có chính sách thắt chặt ngân sách nhưng đối với lĩnh vực biển, đảo, để bảo đảm kiểm soát được các vùng biển, đảo rộng hơn, vẫn rất cần có sự quan tâm của Đảng, nhà nước để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý nhà nước về biển thông qua các dự án: xây dựng hệ thống trạm giám sát biển bằng rada, đóng tàu điều tra - nghiên cứu tổng hợp biển và xây dựng bến đậu tàu nghiên cứu biển. 

Cuối cùng, để đạt được thành công trong việc triển khai các nội dung nhiệm vụ nêu trên, phải biết xác định đúng những nhu cầu của các ngành, các địa phương có biển, nhất là phải đưa các địa phương vào cuộc để có được sự ủng hộ cho một cách làm mới trong công tác quản lý biển, hải đảo. Khuôn khổ để tăng cương sự phối, kết hợp này sẽ phải được chú trọng hơn thông qua việc triển khai chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ (hiện nay có chương trình 158 áp dụng đối với khu vực trung) và sự hỗ trợ kỹ thuật từ các đơn vị có nhiệm vụ quản lý và tổ chức thực hiện điều tra tổng hợp tài nguyên – môi trường của Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam. 

Không thể phủ nhận những nỗ lực và kết quả đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển đảo đủ mạnh thì còn cả một chặng đường dài không ít khó khăn. Nhân dịp năm mới 2013, chúc toàn ngành quản lý biển và hải đảo tiếp tục phấn đấu và đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành để tạo sự chuyển biến mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh chủ quyền biển đảo của đất nước!.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng

Theo Hồng Minh-vfej.vn
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment