Test Footer 2

Sóng thần - cuộc tấn công từ biển khơi

Tên gọi Sóng thần (Tsunami) bắt nguồn từ tiếng Nhật- nơi phải hứng chịu quá nhiều trận sóng thần. Sóng thần có thể hình thành khi một khu vực nào đó của đáy biển đột ngột bị biến dạng, chiếm chỗ của lượng nước nằm trên nó. Sự dịch chuyển này thường xảy ra tại các rìa mảng của lục địa. Những vụ lở dưới đáy biển cũng như những vụ sụp đổ của núi lửa cũng có thể làm chấn động cột nước khiến trầm tích và đá trượt xuống theo sườn núi rơi xuống đáy biển. Tương tự như vậy, một vụ phun trào núi lửa mạnh dưới biển cũng có thể tung lên một cột nước để hình thành Sóng thần. 
Nước ta có đường bờ biển chạy dài, nên sự đe dọa từ nguy cơ Sóng thần luôn rình rập. Chính vì thế, sau trận Sóng thần ngoài khơi đảo Sumatra (Indonesia) năm 2004 làm hơn 230.000 người thiệt mạng, Chính phủ đã ban hành hai nghị định về cảnh báo Sóng thần. Năm 2007, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ra đời. Ngày 15-9-2009, Chính phủ đã đồng ý cho triển khai 25 kịch bản cảnh báo nguy cơ Sóng thần. 3  vùng nguồn động đất có thể gây Sóng thần cho vùng biển Việt Nam được các nhà khoa học xác định gồm: động đất lớn hơn 8 độ Richter tại đới đứt gãy Manila; động đất lớn hơn 8 độ Richter tại khu vực bắc đảo Luzon, nam Đài Loan (Trung Quốc) và động đất hơn 8,8 độ Richter tại đới đứt gãy Ryukyu. 
Theo TS Vũ Thanh Ca (Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo), động đất có độ lớn 8 độ Richter tại đới đứt gãy Manila có nhiều khả năng gây Sóng thần trên vùng ven biển nước ta. Khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất là từ Đà Nẵng tới Quảng Ngãi. Còn theo ông Nguyễn Xuân Hiển (Trung tâm Nghiên cứu biển và tương tác biển - khí quyển), nếu tình trạng nêu trên xảy ra thì thời gian lan truyền của Sóng thần từ nguồn tới ven biển miền Trung nước ta khoảng 2 giờ, tới quần đảo Hoàng Sa khoảng 40 phút và tới quần đảo Trường Sa khoảng hơn 1 giờ. Điểm đầu tiên của vùng biển miền Trung đón Sóng thần là Phú Yên, khoảng 1 giờ 40 phút sau khi động đất xảy ra tại đới Manila. Thời gian lan truyền của Sóng thần từ nguồn đến vùng biển Bình Định tới Đà Nẵng và Ninh Thuận tới Bình Thuận khoảng 2-3 giờ. Còn nếu động đất 9 độ Richter gây ra sóng thần cực lớn thì cả Móng Cái và Cà Mau đều có Sóng thần với độ cao hơn 1m, còn khu vực có Sóng thần với độ cao lớn hơn 2m sẽ kéo dài từ Nam Định tới tận Vũng Tàu, trong đó khu vực bờ biển tỉnh Quảng Ngãi có thể lớn hơn 10m. 
Người ta còn tính rõ hơn nếu động đất ở đới đứt gãy Manila với độ lớn 8,6 độ Richter thì phạm vi ngập lụt tính từ bờ biển trở vào sâu tới hơn 300m, Ngập nặng nhất là huyện Phong Điền: nước biển có thể vào sâu tới 500-600m, độ sâu ngập lụt từ 1-2m, có nơi lên tới 3m. Cùng đó, gần như toàn bộ dải ven biển của TP Đà Nẵng cũng bị ngập lụt khi nước biển tràn vào sâu trong đất liền từ 100-200m, độ sâu có nơi đến 3m. Khu vực quanh sông Hàn bị ảnh hưởng nặng nhất. Tại Trà Khúc (Quảng Ngãi), độ sâu trung bình bị ngập lên tới 2m, có nơi tới 5m. Còn với Phú Yên, Sóng thần lan truyền vào thị trấn Sông Cầu làm ngập sâu hơn 1,5m. Khu vực thị trấn Phú Lâm, huyện Tuy Hòa có thể bị ngập lụt nặng nề với độ sâu tới 5m.
Như vậy, các "kịch bản” Sóng thần ở Việt Nam được các chuyên gia xây dựng cho thấy nếu có sóng thần thì các tỉnh duyên hải của nước ta sẽ chịu tổn thất rất nặng nề.
 Hình ảnh ghi nhận khi Sóng thần ập vào
 ngoại ô Fukusshima (Nhật Bản), ngày 11-3-2011
* NHỮNG TRẬN SÓNG THẦN KHÙNG KHIẾP 
Năm 1960, trận động đất lớn ở Chile với cường độ 9,5 độ Richter, tâm chấn ngoài khơi Trung Nam Chile, gây ra một trong những trận Sóng thần có sức tàn phá lớn nhất thế kỷ 20. Sóng trải dài khắp Thái Bình dương, với những con sóng đo được cao tới 25 mét. Đợt sóng đầu tiên ập tới Hilo, Hawaii sau khoảng 14 giờ 8 phút khi nó được hình thành. Đợt sóng cao nhất tại Vịnh Hilo đo được là 10,7m. 22 giờ sau khi động đất xảy ra, Sóng thần lan đến Onagawa (Nhật Bản). Số lượng người chết do sóng thần này tới 2.290 người.
Năm 1978, lúc 12 giờ 11 phút ngày 16-8, một trận động đất 7,9 độ Richter xảy ra ở đảo Mindanao (Phiippines) tạo ra một cơn Sóng thần tàn phá hơn 700 km bờ biển quanh Vịnh Moro ở phía Bắc biển Celebes. Ước lượng số người chết trong thảm họa này lên tới 5.000 người, 2.200 người mất tích, hơn 9.500 người bị thương và 93.500 người trở thành vô gia cư. Hơn 10 thành phố của nhiều quốc gia đã bị trận sóng thần này tấn công. Sau đó hơn một năm, ngày 12-12-1979 một trận động đất mạnh 7,9 độ đã xảy ra dọc theo bờ biển Thái Bình dương, tạo ra Sóng thần tấn công Columbia và Ecuador. Chỉ trong tích tắc, nó cuốn trôi 5 làng chài. Khi Sóng thần Tumaco tràn lên bờ, nó phá hủy trầm trọng thành phố Tumaco, cũng như các thị trấn El Charco, San Juan, Mosquera và Salahonda của Columbia. Tổng số nạn nhân trong thảm họa này là 259 người chết, 798 người bị thương 95 người mất tích.
 SÓNG THẦN CÓ THỂ "PHI” VỚI TỐC ĐỘ 900 CÂY SỐ 1 GIỜ
Sóng thần không phải là một con sóng duy nhất mà là một loạt sóng di chuyển trong đại dương. Có thể phân biệt Sóng thần với các con sóng lớn ở ven biển dựa trên sức mạnh và tốc độ của chúng. Mỗi con sóng trong một đợt Sóng thần di chuyển khắp đại dương với tốc độ 900km/giờ. Khi nó tới gần bờ, tốc độ giảm xuống còn 45km/giờ, nhưng chiều cao lại tăng lên: có khi đạt tới 50m.
Trận sóng thần hung dữ nhất được xác định là xảy ra trên Ấn Độ dương, vào ngày 26-12-2004, với cường độ trong khoảng từ 8,9-9,3 độ Richter: 230.000 người đã chết (trong đó có tới 168.000 người dân Indonesia). Đây là trận sóng thần gây nhiều thiệt hại nhân mạng nhất trong lịch sử. Sóng thần còn lan đến những nơi cách xa nó tới hơn 1000km, ngay cả Somali, Kenia, Tanzania ở châu Phi cũng bị tác động mạnh. Sau trận Sóng thần này, UNESCO và nhiều tổ chức quốc tế khác đã kêu gọi thiết lập một hệ thống giám sát Sóng thần toàn cầu.
Cũng tại Ấn Độ dương, một trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ngày 17-7-2006 đã tấn công vùi dập Pangandaran- một bãi biển đẹp nổi tiếng- bằng những cơn lũ nước cao hơn 2 mét. Nó cuốn và phạt bằng những ngôi nhà ở sâu tới 400 mét bên trong bờ biển. 600 người chết và khoảng 150 người mất tích không bao giờ trở lại.
Còn vào lúc 14 giờ 46 phút giờ địa phương (12 giờ 46 phút giờ Việt Nam), ngày 11-3-2011, một trận Sóng thần dữ dội đã tấn công nước Nhật. Trong vụ này, Nhật Bản phải chịu một thảm họa kép: động đất và Sóng thần- những con sóng cao tới 15 mét; đồng thời dẫn đến thảm họa hạt nhân vô cùng nguy hiểm. Lúc bấy giờ, toàn thể giới hướng về nước Nhật nơi dọc bờ biển Đông Bắc Nhật Bản đều là cảnh nước dâng, ô tô, tàu thuyền và nhà cửa bị nước cuốn trôi. Trận động đất- Sóng thần này đã hưởng đến 4 triệu hộ gia đình, 19.000 người thiệt mạng. Sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima càng khiến người dân Nhật Bản u buồn. Đây được coi là thảm họa thiên nhiên chưa từng có trong vòng 140 năm với nước Nhật.
 
Theo ĐĐK
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment