Test Footer 2

Lượng hóa giá trị chắn sóng của rừng ngập mặn

Chúng ta đều biết, rừng ngập mặn (RNM) là hệ sinh thái đa dạng, có vai trò rất quan trọng, được ví như lá chắn xanh bảo vệ vùng cửa sông, cửa biển để chống xói lở, hạn chế tác hại của gió bão, mở rộng đất liền song có lẽ ít người biết rằng nó thực sự làm giảm đi bao nhiêu % sức mạnh của dòng chảy, sóng và gió bão.


 

Để lượng hóa chính xác vấn đề này, góp phần khẳng định sự quan trọng cũng như tác dụng không thể thay thế của hệ sinh thái rừng ngập mặn, vừa qua các nhà khoa học tại Viện Tài nguyên môi trường biển (Hải Phòng) đã đi tìm “đáp số” cho bài toán giá trị chắn sóng RNM.

 

Giảm tối đa 70% tốc độ dòng chảy trong bão

 Với việc ứng dụng mô hình toán học (Delft3d), áp dụng vào khi vực cụ thể của Hải Phòng là ven bờ Bàng La – Đại Hợp  để mô phỏng các đặc điểm thủy động lực, lan truyền sóng và tương tác của các quá trình này ở điều kiện không có và điều kiện có RNM.

 Các kết quả cho thấy, vào mùa mưa, ảnh hưởng của cây ngập mặn đến điều kiện dòng chảy ở vùng ven bờ Bàng La - Đại Hợp đã làm giảm mạnh tốc độ dòng chảy trong các điều kiện bình thường và bão với giá trị suy giảm đạt từ 40-70%. Khu vực RNM mới trồng mức độ suy giảm vận tốc do dòng chảy trong các điều kiện bình thường và bão khoảng từ 40-50%. Vận tốc dòng chảy ở điều kiện bình thường và bão nhỏ trong RNM hầu hết có giá trị dưới 0,15m/s

 Tác dụng của RNM đến việc hạn chế sức mạnh của dòng chảy và độ cao của sóng thể hiện rõ  rệt nhất trong điều kiện xuất hiện bão. Với kịch bản bão nhỏ, các kết quả tính toán cho thấy trường sóng cực đại khi không có RNM xuất hiện vào thời điểm nước lớn ở vùng ven bờ Bàng La - Đại Hợp phổ biến trong khoảng 1,2-1,5m. Cũng vào thời điểm đó nếu có RNM thì độ cao sóng ở vùng sát bờ chỉ còn 0,6-0,8m.

Với kịch bản bão lớn, các kết quả tính toán cho thấy trường sóng cực đại khi không có RNM xuất hiện khi nước lớn ở vùng ven bờ Bàng La - Đại Hợp thường cao tới 1,7- 2,0m. Song cũng vào thời điểm đó, nếu có RNM thì độ cao sóng ở vùng sát bờ chỉ còn 0,8-1,1m. Vào các thời điểm khác trường sóng khi không có RNM có giá trị thấp hơn (thấp nhất là vào thời điểm nước ròng) và phổ biến dao động trong khoảng 0,8-1,2m. Khi có RNM độ cao sóng các thời điểm đó độ cao sóng chỉ còn 0,4-0,7m.

 Cần có chiến lược bảo vệ RNM

Có thể thấy, RNM có tác dụng gấp nhiều lần đê chắn sóng nhân tạo, chi phí thấp và lại bao hàm trong nó một hệ sinh thái biển ven bờ vô cùng phong phú. Tuy nhiên hệ sinh thái này đang đứng trước nguy cơ bị khai thác quá mức dẫn tới bị tàn phá nặng nề. Việc tàn phá rừng ngập mặn ở nước ta là do sự phát triển ồ ạt của các khu sản xuất nông nghiệp, khu dân cư, khu nuôi tôm ven biển, ven sông khiến diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp. Việc quai đê lấn biển lấy đất rừng ngập mặn trồng lúa, đắp đầm với diện tích lớn cũng thu hẹp bãi bồi ven sông ven biển, làm giảm lượng phù sa bồi đắp cho các bãi triều, mất đi bình phong bảo vệ đê biển. Hậu quả là ô nhiễm đất và nước đầm nuôi trồng thủy sản, giảm nguồn lợi sinh vật cũng như giống thủy sản tự nhiên, giảm năng suất nuôi tôm, nhất là ảnh hưởng đến sinh kế người dân và biến mất “bức tường xanh” chắn sóng.

Hiện một số các tổ chức quốc tế như Hiệp hội quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (IUCN) và Chương trình Rừng ngập mặn vì tương lai (Mangrove for the future - MFF) cũng đã có những hành động cụ thể, tài trợ cho các dự án khôi phục và làm giàu ngay trên rừng ngập mặn, song về lâu dài, rất cần có một chiến lược dài hơi để các địa phương có biển đều phải bảo vệ và phục hồi rừng ngập ngập, xem đây là yếu tố sống còn để bảo vệ bờ biển, phát triển kinh tế biển.

Kim Liên-Báo TN&MT
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment