Test Footer 2

Sóc Trăng tập trung khai thác lợi thế cảng biển

    Với 72 km bờ biển và hệ thống sông rạch dài hơn 3.000 km, có 3 cửa sông lớn Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, trong đó Định An và Mỹ Thanh là 2 cửa ngõ quan trọng ra vào biển Đông của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Sóc Trăng có khá nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế cảng biển.
  
Cảng Trần Đề được quy hoạch đầu tư để trở thành cảng đầu mối của ĐBSCL tại cửa sông Hậu
  
Trong những năm qua, với tinh thần phát huy nội lực cùng sự quan tâm đúng mức, chỉ đạo kịp thời từ Trung ương, tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều thay đổi tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Sóc Trăng có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế do có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tài nguyên du lịch và tài nguyên lịch sử, văn hóa rất độc đáo, có nguồn nhân lực dồi dào với khoảng 760.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 60% dân số toàn tỉnh; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, so với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, Sóc Trăng có khá nhiều lợi thế để phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển và vận tải thủy nội địa. Chính vì vậy, Sóc Trăng ngày càng trở thành địa chỉ hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện nay, nhu cầu cần có một cảng biển nước sâu tại ĐBSCL để các tỉnh trong vùng có thể trực tiếp xuất nhập khẩu hàng hóa trở nên rất bức thiết. ĐBSCL hàng năm đóng góp khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu gạo, 65% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, nhưng chỉ có khoảng 20 - 30% lượng hàng hóa được xuất khẩu qua các cảng trong vùng, còn lại phải vận chuyển lên các cảng ở khu vực Đông Nam Bộ để xuất đi. Nguyên nhân là do tàu có trọng tải lớn không thể vào sâu các cảng nằm trong nội địa của khu vực ĐBSCL do luồng tàu thường xuyên bị bồi lấp.
Qua điều tra, khảo sát và nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia đều cho rằng, vị trí xây dựng cảng nước sâu ở ĐBSCL (đặt cách cửa biển Trần Đề khoảng 20 km) là phù hợp nhất, do ở đây ít bị bồi lấp, không phải nạo vét nhiều. Hơn nữa, với vị trí nằm ở trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, cảng nước sâu xây dựng tại đây sẽ thu hút được hàng hóa đi và đến các nơi trong vùng ĐBSCL rất thuận tiện và ngắn nhất. Từ nơi đây có thể dễ dàng kết nối với mạng lưới giao thông thủy, bộ trong vùng ĐBSCL, như tuyến Nam Sông Hậu nối Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang,
TP. Cần Thơ; tuyến Quốc lộ 60 nối Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng; tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp nối Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu- Cà Mau. Về giao thông thủy, thông qua hệ thống sông rạch chằng chịt, đặc biệt là tuyến sông Hậu, từ Sóc Trăng có thể giao thương khắp vùng ĐBSCL, Campuchia và cả Lào.
Theo Quyết định số 423/QĐ-TTg ban hành ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, Sóc Trăng đã tiến hành nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề thành cảng đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực ĐBSCL tại cửa sông Hậu; cảng biển Đại Ngãi là cảng tổng hợp và một số cảng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 300 đến 500 DWT (cảng Long Hưng, cảng Ngã Năm, cảng Cái Côn và cảng TP. Sóc Trăng trên kênh Saintard). Cũng theo Quyết định trên, tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng cảng Trần Đề, cảng Đại Ngãi và cảng sông Mỹ Thanh để góp phần hình thành các khu công nghiệp, cụm kinh tế biển tổng hợp tạo đột phá trong phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng sẽ ưu tiên phát triển thương mại đường biển, xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển, dịch vụ hậu cần, thông tin hàng hải…
Vừa qua, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến tìm hiểu, khảo sát đầu tư xây dựng hệ thống cảng tại Sóc Trăng. Trong đó, tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Minh Phương nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư khu kinh tế cảng nước sâu tại vùng duyên hải của tỉnh Sóc Trăng. Riêng đối với Dự án Cảng Đại Ngãi, UBND tỉnh Sóc Trăng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông – Vận tải) đã ký thỏa thuận đầu tư giai đoạn 1 để phục vụ công tác vận chuyển vật tư, thiết bị xây dựng Trung tâm Điện lực Long Phú 1. Dự kiến, Cảng Đại Ngãi được xây dựng gần ngã tư giao nhau của 2 tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu và tuyến Quốc lộ 60, rất thuận lợi về giao thông thủy, bộ. Theo quy hoạch, Cảng Đại Ngãi là cảng tổng hợp, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 10.000 DWT (đầy tải) và tàu 20.000 DWT (giảm tải) và như vậy,  sẽ đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh lân cận trong vùng. Ngoài ra, cảng còn phục vụ cho nhu cầu bốc xếp hàng hóa, trang thiết bị, vật tư phục vụ cho quá trình xây dựng và vận hành Trung tâm Điện lực Long Phú (Sóc Trăng) và Trung tâm Điện lực Sông Hậu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) do PVN làm chủ đầu tư.    
Hiện Sóc Trăng đang tập trung mời gọi các nhà đầu tư có chuyên môn, năng lực tài chính đến khảo sát, lập dự án đầu tư khai thác tiềm năng cảng biển trên địa bàn tỉnh, nhằm phát triển vùng ven biển Sóc Trăng thành khu vực phát triển năng động, một trung tâm công nghiệp, hàng hải và đô thị hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Phấn đấu đưa Sóc Trăng trở thành một trong các tỉnh phát triển với hệ thống cảng biển, cảng nước sâu trọng tâm của vùng.
Lợi ích nhìn thấy rõ nhất là khi hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu được đầu tư xây dựng tại Sóc Trăng, việc vận chuyển hàng hóa phục vụ cho xuất nhập khẩu sẽ được rút ngắn về thời gian và giảm đáng kể về chi phí. Khi đó, “nút thắt” trong xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả vùng ĐBSCL sẽ được tháo gỡ. 
Theo Phúc Nghị - Mỹ Nhiên- Báo đầu tư
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment