Từ ngày
1/1/2013, 10 Luật sẽ có hiệu lực thi hành gồm: Luật Công đoàn
(sửa đổi); Luật Giáo dục Đại học; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Bảo hiểm tiền
gửi; Luật Quảng cáo; Luật Giá; Luật Tài nguyên nước; Luật Giám định Tư pháp;
Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Biển Việt
Nam.
Luật Tài nguyên nước: Bổ sung 39 điều
mới
So với Luật Tài nguyên nước hiện
hành, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung 39 Điều mới hoàn toàn về nội
dung và sửa đổi, bổ sung 40 Điều. Luật có 10 Chương, 79 Điều, quy định rõ tài
nguyên nước không chỉ có nước mà còn bao gồm cả sông, suối, hồ chứa... để tránh
bỏ sót đối tượng quản lý; bổ sung quy định một số dự án liên quan đến khai thác
nước, xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng
và tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đề cao trách nhiệm, minh bạch thông tin về
những tác động tiêu cực có thể gây ra ngay từ khi chuẩn bị thực hiện dự án. Luật
cũng quy định phân loại lưu vực sông, nguồn nước làm căn cứ phân công, phân cấp
quản lý và bổ sung quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên
nước.
Luật còn bổ sung quy định về quy
hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, chiến lược tài nguyên nước, quy
hoạch tài nguyên nước chung của cả nước, quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch tài
nguyên nước của tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương. Đồng thời, Luật cũng bổ
sung quy định trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác điều tra cơ bản, chiến
lược, quy hoạch tài nguyên nước; quy định điều kiện của đơn vị thực hiện điều
tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên
quan biển, đảo của Việt Nam
Luật Biển Việt Nam có bảy Chương và
55 điều, quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải,
vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo
Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc
gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển;
quản lý và bảo vệ biển, đảo. Quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất
theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và các
điều ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. Mọi cơ quan, tổ chức và công dân
Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhà nước phát
huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền
biển, đảo; khuyến khích việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển; khuyến
khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển.
Luật Biển Việt Nam tiếp tục khẳng
định chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam là giải quyết các tranh chấp
liên quan đến biển, đảo với các nước láng giềng bằng các biện pháp hòa bình, phù
hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Nhà nước
Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và
khu vực; trong đó có nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể về biển và đại
dương.
Theo Phúc
Hằng-Monre.gov.vn
0 nhận xét:
Post a Comment