Test Footer 2

Giải pháp khoa học công nghệ vào lĩnh vực xây dựng - ứng phó BĐKH tại đồng bằng SCL

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học "Các giải pháp khoa học và công nghệ xây dựng cho phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)". Tại hội thảo này, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng đã đề xuất một số giải pháp để ứng dụng vào quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ yêu cầu phát triển của vùng ĐBSCL.


Theo các chuyên gia, ĐBSCL với đặc điểm địa hình nền đất yếu, hệ thống sông rạch chằng chịt, chịu ảnh hưởng của thủy triều và tác động thường xuyên của biến đổi khí hậu. Số liệu thống kê của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho thấy, mỗi năm sạt lở bờ sông lấy đi của ĐBSCL hơn 300ha đất màu mỡ, đe dọa đời sống và sinh mệnh của hàng ngàn dân cư ven sông. Sạt lở bờ sông là hiện tượng tự nhiên và diễn biến theo xu thế ngày càng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Song song đó, vấn đề xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở ở ĐBSCL gặp không ít trở ngại do nền đất yếu, chi phí san lấp mặt bằng để xây dựng công trình gây nhiều tốn kém. Hàng năm, các địa phương vùng ĐBSCL đề xuất Trung ương hỗ trợ để xây dựng các công trình phòng chống sạt lở với kinh phí lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Đồng thời, đã có nhiều dự án, đề tài nghiên cứu, giải pháp quy hoạch, thiết kế công trình được đề xuất và thực thi, song hiệu quả mang lại vẫn chưa được như mong muốn.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Xây dựng đã hình thành ý tưởng hợp tác nghiên cứu dựa trên các thông tin về tình hình sạt lở và sự cố hư hỏng các công trình chống sạt lở bờ sông vùng ĐBSCL. Từ đó, đề xuất các giải pháp kết cấu công trình hợp lý với sự tham gia của các nhà khoa học về địa kỹ thuật, kết cấu công trình, vật liệu và cấu kiện mới, thủy động lực học nhằm tăng cường khả năng ổn định của các công trình gia cố chống sạt lở bờ sông, ứng phó với những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra. Việc thiết kế, thi công các công trình bờ kè hiện vẫn còn nhiều tồn tại và luôn tiềm ẩn những hiểm họa khó lường. Vì vậy, theo Tiến sĩ Trần Văn Sung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ công trình thủy, Trường Đại học Xây dựng, để ngăn ngừa và giải quyết tình trạng sạt lở, việc lựa chọn các giải pháp kết cấu công trình cần chú trọng những điểm sau: Về quy hoạch phải xác định quy mô, vị trí công trình đê kè, xem xét tổng thể các biến đổi về mưa, lũ và nước biển dâng theo kịch bản lựa chọn. Cụ thể, với hệ thống đê bao thoát lũ khi xác định quy mô và vị trí mới phải quy hoạch theo bản đồ ngập lụt phù hợp với giai đoạn theo kịch bản biến đổi khí hậu. Công tác khảo sát phải chú trọng cập nhật, bổ sung những thay đổi về khí tượng, thủy văn. Đối với các công trình chống sạt lở đã xây dựng, khi bổ sung, sửa chữa nâng cấp cần đánh giá lại mức độ an toàn. Các công trình đã xây dựng mới cần kiểm tra ổn định theo các tổ hợp tải trọng được xác định từ những yếu tố bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra.

Xét về địa hình, ĐBSCL phần lớn có cấu trúc nền đất yếu, vì vậy, các chuyên gia Trường Đại học Xây dựng đề xuất áp dụng phương pháp Top-Base Method (TBM) để xử lý nền đất yếu, tăng sức chịu tải của nền công trình, giảm độ lún. Theo các chuyên gia, phương pháp TBM được phát minh tại Nhật Bản những năm 80 của thế kỷ trước và được du nhập vào Hàn Quốc những năm 90 và được ứng dụng rộng rãi. Đây là một công nghệ thân thiện môi trường, có hiệu quả đối với những công trình có tải trọng không lớn lắm trên nền đất yếu mà không cần phải sử dụng móng cọc. Thạc sĩ Phan Hồng Quân, Khoa Xây dựng cầu đường, Trường Đại học Xây dựng, cho biết: Phương pháp TBM đã được các chuyên gia của Trường Đại học Xây dựng tiếp tục nghiên cứu ứng dụng vào thực tế xây dựng tại Việt Nam. Kết quả bước đầu của các công trình ứng dụng phương pháp TBM tại Việt Nam cho thấy sức chịu tải của nền có thể tăng lên 200% và độ lún giảm còn 15-30% so với nền không xử lý. Tuy nhiên, với cấu trúc địa tầng đặc biệt của từng khu vực, những vấn đề liên quan đến độ lún và lún theo thời gian cần được nghiên cứu bổ sung để có thể áp dụng biện pháp cải thiện nền đất yếu bằng TBM sao cho phù hợp".

Ông Tạ Chí Nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho rằng, là đô thị vùng sông nước, TP Cần Thơ không tránh khỏi thách thức của sạt lở bờ sông và chi phí đầu tư công trình cao do nền đất yếu. Vì vậy, trên cơ sở kết quả nghiên cứu các giải pháp khoa học, công nghệ trên lĩnh vực xây dựng, TP Cần Thơ và các địa phương trong vùng mong muốn hợp tác với các chuyên gia, viện, trường để ứng dụng vào thực tế xây dựng của vùng ĐBSCL, làm thế nào để tiết giảm chi phí đầu tư, tăng tính kiên cố và tuổi thọ của công trình xây dựng. Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nói: "Trong tương lai, Trường Đại học Cần Thơ sẽ tăng cường phối hợp với Trường Đại học Xây dựng để triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực xây dựng nhằm ứng dụng vào thực tiễn phát triển cơ sở hạ tầng của vùng ĐBSCL. Song song đó, hai đơn vị sẽ hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng, từ đó phục vụ cho yêu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng phục vụ tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

            Minh Huyền-Báo TN&MT
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment