Test Footer 2

Tìm cách khắc phục sạt lở bờ biển Tây Cà Mau

Tình hình sạt lở bờ biển Tây (Cà Mau) ở mức báo động khi gần đây tỉnh này xuất hiện giông lốc. Rừng phòng hộ - lá chắn bảo vệ thân đê cứ bào mòn theo từng con sóng dữ thủy triều lên…
* Lở tận nhà dân
Cả tuần nay, ông Tám Tuyết (Lê Văn Tuyết, ngụ ấp Mỹ Bình, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) lo âu mỗi khi nhìn về phía đầu vàm Mỹ Bình hướng về biển Tây. Cách đây mấy hôm thôi, người hàng xóm của ông - anh Hai Đậm phải bỏ nhà tháo chạy trong đêm vì sóng biển tấn công.
Sóng biển cuốn mất rừng phòng hộ ở Cái Cám, lở tận nhà hộ dân ven đê biển.
"Từ huyện Năm Căn về đây cất nhà ở cách bờ biển tới 20m. Nhưng chỉ ở được khoảng 5 tháng thì đất lở tới trước mặt nhà. Nhiều lúc biển động, sóng dập vào bờ nước văng cao tới nóc nhà. Chịu không nổi nên anh Đậm dọn nhà đi luôn. Còn tôi, chắc cũng nay mai…" - chỉ tay về vàm Mỹ Bình, ông Tuyết bỏ lửng câu nói, lo lắng.
Đứng tại khu vực sạt lở, chúng tôi thấy đất cặp bờ biển khoét sâu như hình răng cưa, những cây mắm, đước hơn một năm tuổi bị sóng bứng bật gốc nằm liệt. Phần đê biển phía bên ngoài lở mất chỉ còn lại những bụi cây ngã xiêu vẹo trơ gốc. Còn bên trong - ngay mũi đầu doi vàm Mỹ Bình, đất nhô ra khoét sâu hàm ếch và bị sóng biển bào mòn theo từng giờ. Người dân khu vực này khẳng định, không lâu nữa phần đất này sẽ bị sóng nuốt chửng, kéo luôn ra biển...
Ngược về phía vàm Cái Cám (xã Tân Hải, huyện Phú Tân) hơn 6km, nạn sạt lở diễn ra nghiêm trọng. Nhiều nhà dân bên ngoài bờ kè rọ đá, sống trong tâm trạng bất an. ÔngTrần Văn Bảy - nhà ngay vàm Cái Cám, buồn so cho biết - "Đất lở đã sát bên hông nhà tôi nhưng giờ tôi chẳng biết đi đâu vì gia đình không có đất. Về đây sống gần chục năm tới giờ đã dời nhà đến bốn lần. Ngày trước nhà cất phía ngoài kênh Lô Ba - cách đây cả trăm mét. Lở tới đâu dời vô tới đó, giờ lở nữa hổng biết dời đi đâu".
Những người dân sống tại khu vực vàm Cái Cám cho biết, những con sóng dữ "ăn rừng, ăn đất" ít nhất 5m về hướng bờ vào mùa biển động hàng năm. Vô hình trung, nhà dân bị "đuổi" dần vào sâu trong bờ và đến hiện tại, nhiều người chẳng còn đất để di dời. Trong khi đó, gần khu vực này có chủ trương xây dựng khu tái định cư để di dời người dân vào nhưng đến nay vẫn còn trên giấy.
Ông Trịnh Quốc Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hải, nói: "Để di dời người dân sống trong khu vực sạt lở vào khu tái định cư, ngành nông nghiệp cho xây dựng khu tái định cư phía bên trong vàm Cái Cám nhưng triển khai từ năm 2008 đến nay mới chỉ xong phần san lấp mặt bằng. Nguyên nhân nhiều người bị ảnh hưởng không chịu di dời vì chưa thống nhất giá bồi thường. Theo tôi, nên sớm hoàn thành khu tái định cư để đưa dân vùng sạt lở nguy hiểm vô đó lánh nạn".
Ông Phạm Văn Den, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân, cho biết: "Mức độ sạt lở bờ biển trên địa bàn ngày càng gia tăng, nhất là khu vực cửa sông, cửa biển. Vừa rồi chúng tôi khảo sát tuyến đê từ Gò Công đến Sào Lưới và phát hiện một số điểm sạt lở mới dài hàng chục mét. Tuy nhiên, việc gia cố bằng cách đào đất múc đổ lên thì không bao lâu lại tiếp tục lở. Còn xây dựng đê kiên cố thì chưa có tiền. Riêng tại điểm "nóng" sạt lở như vàm Cái Cám, Mỹ Bình thì càng nan giải hơn".
* Cứu nguy khẩn cấp
Chuyến khảo sát thực tế mới đây trên toàn tuyến đê biển Tây thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, ngành chức năng Cà Mau phát hiện có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng tại 3 khu vực xung yếu là: Nam Đá bạc, Nam Lung Ranh và Cái Cám. Những điểm này, sóng biển gây lở một đoạn dài gần 1.500m bờ biển, cuốn mất rừng phòng hộ, có đoạn rừng chỉ còn khoảng 20m là tới chân đê, đe dọa vỡ đê bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, lo lắng: Tỉnh đang tranh thủ xin thêm nguồn vốn xử lý khẩn bằng giải pháp kè ngầm tạo bãi 3 đoạn trên. Trong khi chờ vốn đã vận động đơn vị thi công bỏ vốn làm trước nhưng rất khó thi công vì sóng to, gió mạnh. Mới đây, họ điều 2 sà lan chở kè li tâm dự ứng lực nhưng chưa tới nơi thì 2 sà lan bị sóng biển nhấn chìm, hiện chưa trục vớt được.
Thống kê của ngành chức năng Cà Mau, tuyến đê biển Tây Cà Mau dài hơn 91km, hàng năm khoảng 80% chiều dài bờ biển này bị sóng biển bào mòn, cuốn theo rừng phòng hộ. Toàn tuyến hiện có trên 100 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 10km, đe dọa đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của trên 26.000 hộ dân và gần 129.000ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Để khắc phục nạn sạt lở, tỉnh Cà Mau đã từng dùng những cây cừ tràm cắm xuống ngăn sóng áp bờ, bảo vệ đê ở những điểm không còn rừng phòng hộ như Vàm Tiểu Dừa, Cống Lung Ranh; Vàm Giáo Bảy và Cống Kinh Mới; Hương Mai - Rạch Dinh… nhưng được không bao lâu thì bị quật ngã trước những con sóng lớn, cuốn tràm trôi ra biển. Giải pháp bằng rọ đá cũng được triển khai song hành nhưng tuổi thọ không lâu, cùng số phận như cây tràm. Trước thực trạng tiêu tốn tiền tỉ nhưng việc chống lở đê biển Tây chỉ mang tính cầm cự khiến ngành chức năng, bộ ngành Trung ương trăn trở.
Ông Hoai cho biết thêm: Để chống lở đê biển, theo giải pháp của Bộ NN&PTNT là làm đê mới cách đê hiện hữu 100m. Song, làm theo cách ấy chỉ mang tính "chạy lở", không chỉ mất đi nhiều đất đai, tiêu tốn thêm tiền tỉ để di dời và tái định cư cho hàng ngàn hộ dân chịu tác động bởi việc làm đê mới mà lâu dài sóng biển làm bào mòn, tiếp tục đe dọa đê.
Phương án làm đê mới không khả thi, quá trình xâm nhập thực tế, ngành chức năng Cà Mau nhận ra việc chống lở tốt nhất là giữ được rừng. Muốn giữ rừng phải tìm cách hạn chế tác động trực diện của sóng biển. Năm 2009, giải pháp thi công kè ngầm tạo bãi được thí điểm trên đoạn dài 300m tại vùng biển Tây (huyện U Minh). Kể từ ngày kè này hoàn thành đến nay, ngoài giảm áp lực của sóng biển, ngành chức năng quan sát mé trong của đoạn kè đã có cây rừng tái sinh.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, cho biết: Theo giải pháp này, tại những điểm sạt lở sẽ đầu tư xây dựng hai hàng cọc bê tông li tâm dự ứng lực hướng ra biển, cách bờ từ 50-100m. Cọc bê tông loại tròn, dài 6m đóng liền kề hai dãy, mỗi dãy có khoảng cách 1,5m. Phần rỗng giữa hai hàng bê tông sẽ bỏ đá vào để bảo vệ. Khi sóng biển dội, kè sẽ làm giảm áp lực của sóng nhưng khi nước rút, lượng phù sa sẽ đọng lại phía trong bờ do vướng đá, lâu ngày sẽ bồi lắng tạo thành bãi, gầy lại rừng, bảo vệ đê.
"Loại kè này tuổi thọ thấp nhất cũng 15 năm. Sau chu kỳ 5 năm làm tròn "sứ mệnh" tạo bãi và cây rừng đã lớn, những cọc bê tông và số đá ấy sẽ được nhổ lên và tiếp tục cắm xa ra biển 50m nữa. Theo đó, rừng và đất đai dần dần lấn xa ra biển" - ông Nam nói.
Đề cập đến chuyện chống lở đê biển Tây, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Cà Mau đầu tư khoảng 150 tỉ đồng để khắc phục nạn sạt lở bờ biển Tây, nhưng triều cường dâng cao kèm theo sóng to tiếp tục tàn phá nhiều đoạn xung yếu tuyến đê này. Song, để làm toàn tuyến thì khả năng ngân sách địa phương không cho phép.
Theo tờ trình của tỉnh Cà Mau với bộ, ngành Trung ương sẽ xin kinh phí hỗ trợ để thực hiện đại trà dự án nâng cấp toàn tuyến đê biển Tây, trong đó có xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Tây những đoạn xung yếu với chiều dài 6.422m bằng phương pháp kè li tâm tạo bãi, ước kinh phí đầu tư trên 3.000 tỉ đồng – gần bằng tổng số thu ngân sách của Cà Mau trong một năm. Đó là chưa đề cập đến việc hoàn thành toàn tuyến đê biển Tây trên 91km, số tiền nằm ngoài tầm với của Cà Mau.
Bài, ảnh: HỮU TÙNG
Báo Cần Thơ
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment