Năm nay, đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) không có lũ, người dân không phải ngày đêm canh lũ, lo vỡ đê, ngập lúa, nhưng lại lo khi không có lượng phù sa rửa phèn, tẩy sạch đồng ruộng, nhất là nguy cơ nhiễm phèn, xâm nhập mặn đang chực chờ khi mùa khô sắp đến.
Nguy cơ xâm nhập mặn
Mấy năm trở lại đây, nhất là từ năm 2010, An Giang cũng như nhiều tỉnh trong khu vực phải đối phó với tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền do triều cường tăng. Còn tại xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn (An Giang), nơi từng bị nước mặn theo tuyến kênh Thoại Hà tiến sâu vào nội đồng, khi đặt vấn đề nguy cơ xâm nhập mặn, người dân rất lo lắng. "Lần đó (năm 2010), nước ngọt khu vực giáp ranh An Giang - Kiên Giang nước đã hơi lờ lợ rồi. Nghe đâu sau đó, người ta đặt máy đo độ mặn rồi lắp cống ngăn mặn rồi. Tuy nhiên, người dân làm ruộng ở đây lo lắm, nước bị mặn bơm vào ruộng thì coi như tiêu hết" - anh Bùi Văn Sang, canh tác hơn ba ha đất lúa tại đây cho biết. Theo các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang, tuy nước mặn chưa xâm nhập sâu nhưng khoảng năm 2010 đã có hiện tượng nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn mức độ nhẹ trên tuyến kênh Thoại Hà, Vĩnh Tế. Do đó, với mực nước sông Cửu Long hiện thấp hơn nhiều năm khiến việc chống hạn, xâm nhập mặn tại An Giang cũng được đặt lên hàng đầu khi mùa khô đang chuẩn bị về.
Tại tỉnh Kiên Giang, một địa phương nằm cuối nguồn của nhánh sông Hậu, giáp vịnh Thái-Lan với bờ biển dài hơn 200 km, tình hình xâm nhập mặn đã ở mức báo động. Theo UBND tỉnh Kiên Giang, vào mùa khô xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến các huyện nằm ven sông Cái Bè, Cái Lớn của vùng U Minh Thượng như: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng và các huyện nằm ven biển như Hòn Ðất, Kiên Lương. Xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất vụ đông xuân mà còn gây khó khăn trong sinh hoạt, đời sống của người dân. Những năm qua, bình quân hằng năm tỉnh Kiên Giang chi hơn 20 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân khôi phục thiệt hại sản xuất do xâm nhập mặn và khô hạn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Kiên Giang Trần Quang Củi nói: "Không chỉ khó khăn cho sản xuất, xâm nhập mặn, khô hạn đã làm cho hàng nghìn hộ dân ở một số vùng của An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Hòn Ðất, Giang Thành, Kiên Lương thiếu nước ngọt sinh hoạt. Chưa có một thống kê nào tính toán mỗi năm người dân vùng này tốn kém bao nhiêu tiền để đổi nước ngọt sinh hoạt nhưng chắc chắn con số không nhỏ".
Còn tại Bến Tre, nước mặn xâm nhập đã lấy đi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm do thiệt hại nặng trong nông nghiệp. Tần suất nước biển xâm nhập sâu vào đất liền xảy ra ngày càng dày đặc và lấn sâu hơn vào nội địa. Theo các cơ quan chuyên môn của địa phương, khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2010, độ mặn 1% xâm nhập hầu như toàn bộ tỉnh Bến Tre. Nước mặn không chỉ liên tục xuất hiện và vào sâu vượt qua cả thành phố Bến Tre mà có lúc ở Vàm Mơn - nơi cách biển tới 60 km cũng đo được độ mặn 4%o. Ở Tiền Giang, có năm nước biển lấn sâu nhanh vào đất liền với nồng độ cao, thời gian kéo dài buộc địa phương phải đóng cửa sớm các cống đầu mối để ngăn mặn. Năm 2010 được xem là năm xâm nhập mặn khốc liệt nhất, người dân Tiền Giang đã chịu cảnh thiếu nước trầm trọng ở khu vực Gò Công, Bảo Ðịnh. Tại tỉnh Vĩnh Long, năm 2010 ghi nhận trên sông Cổ Chiêng, độ mặn cao nhất tại vàm Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm đạt 4%o, tại cống Nàng Âm, xã Trung Thành Ðông, huyện Vũng Liêm đạt 4,5%o. Trên sông Hậu, độ mặn cao nhất đo được tại xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn có ngày đã lên đến 4,9%o. Còn tại Sóc Trăng, độ mặn cao nhất đo được năm 2010 tại Ðại Ngãi là 11,6%o, tại Trần Ðề 26,6%o, tại Thạnh Phú 16%o và nước mặn vào sâu vào vùng ngọt hóa đến 80 km.
Cần khẩn trương ngăn mặn
UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, trên toàn tuyến đê biển của tỉnh dài 212 km, có 60 cửa sông, kênh nối ra biển Tây và tất cả đều phải được đầu tư xây dựng cống để ngăn mặn xâm nhập. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí từ Trung ương rót xuống không đủ, vốn địa phương hạn hẹp cho nên Kiên Giang chỉ mới đầu tư xây dựng được 27 cống, chủ yếu là các cống nhỏ nằm trên địa bàn huyện Hòn Ðất và Kiên Lương. Hiện Kiên Giang đã lập xong dự án đầu tư và thiết kế các công trình, với tổng mức đầu tư 8.406 tỷ đồng, trong số này có nhiều công trình cống lớn như: Xẻo Rô, Cái Lớn, Cái Bè, sông Kiên, kênh Nhánh, An Hòa, Rạch Sỏi, Tam Bản, Tà Săng để khép kín tuyến đê biển. Theo Sở NN và PTNT tỉnh Kiên Giang, hiện nay ngành đang triển khai thi công sáu công trình cống, những công trình còn lại sẽ triển khai xây dựng khi có vốn đầu tư. Kiên Giang cũng đã trồng mới 430 ha rừng phòng hộ; thực hiện việc giao khoán đất rừng phòng hộ hơn 6.000 ha cho khoảng 2.000 hộ dân. Dự án GIZ Kiên Giang cũng đã thiết kế và thử nghiệm ba hàng rào bảo vệ bờ biển, nhằm làm giảm năng lượng của sóng, từng bước ổn định bãi bồi và đang tiếp tục triển khai xây dựng thêm. Ngoài ra, Cộng hòa Liên bang Ðức đã chấp thuận cho Việt Nam vay vốn với lãi suất thấp để trồng rừng và phục hồi đê biển với kinh phí chín triệu ơ-rô.
Có thể khẳng định, việc đầu tư xây dựng các công trình chống xâm nhập mặn cho khu vực ÐBSCL không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ an toàn sản xuất, ổn định sinh hoạt của nhân dân mà còn góp phần giữ vững an ninh lương thực, phát triển ổn định nguồn nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Theo NDĐT
0 nhận xét:
Post a Comment