Test Footer 2

Xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa hình vùng cửa sông ven biển Việt Nam

Cơ sở dữ liệu nền địa hình vùng cửa sông ven biển được xây dựng sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu bảo đảm làm cơ sở dữ liệu nền địa hình chung cho tất cả các ngành. Đó chính là lý do mà Công ty Tài nguyên - Môi trường biển (Tổng Công ty TN&MT Việt Nam) đề xuất đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học và lựa chọn giải pháp kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa hình vùng cửa sông ven biển Việt Nam".



Đề tài trên đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt trong danh mục các đề tài khoa học mới năm 2013 của lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Mục tiêu của đề tài nhằm lựa chọn các giải pháp kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa hình phù hợp với các đặc điểm địa hình khu vực cửa sông ven biển.
Theo báo cáo của Công ty Tài nguyên - Môi trường biển, bờ biển Việt Nam dài khoảng 3260 km và là một trong năm bờ biển trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Xu thế biến đổi ngày càng phức tạp đặc biệt tại các khu vực cửa sông ven biển. Bởi lẽ, đây là khu vực kết nối giữa sông, biển và luôn biến động. Hoạt động thủy triều tại đây tạo nên các hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú, là nơi tiếp nhận nguồn dinh dưỡng hữu cơ dồi dào từ sông và biển bảo đảm cung cấp thức ăn đảm bảo sự sống của nhiều loại sinh vật khác nhau.
Cửa sông ven biển là một nhánh của biển đi vào một dòng sông đến nơi mà mực nước cao nhất của thủy triều còn vươn tới, thường được chia thành 3 phần khác nhau: phần biển (phần cửa sông thấp), nối liền với biển khơi; phần cửa sông trung, nơi diễn ra sự pha trộn chính của nước biển và nước ngọt và phần cửa sông cao chi phối bởi nước ngọt nhưng còn tác động của thủy triều. Giới hạn giữa 3 phần này không cố định và biến động theo lượng nước ngọt đổ ra từ sông. Vùng cửa sông chịu tác động phần lớn của các yếu tố động lực học như thủy triều sóng…. Mức độ chính xác, chi tiết của địa hình quyết định rất lớn đến các kết quả nghiên cứu về thủy động lực học hỗ trợ cho nhiệm vụ đánh giá sự biến động các bãi bồi và đường bờ. Những đánh giá chính xác về điều tra cơ bản làm tiền đề cho các mục đích dự báo, quy hoạch phát triển kinh tế, tăng cường quản lý đất đai, quản lý địa giới hành chính và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với vùng bãi bồi cửa sông ven biển.
ThS. Nguyễn Thị Kim Dung (Công ty TN-MT biển) người đề xuất đề tài cho biết, cơ sở dữ liệu nền địa hình vùng bãi bồi cửa sông ven biển đóng vai trò quan trọng, là nền tảng thông tin cơ bản cho các hoạt động tại khu vực cửa sông ven biển.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu nền vùng cửa sông ven biển được xây dựng trước mắt phục vụ cho việc xây dựng bản đồ nguồn tài nguyên, định hướng quy hoạch phát triển kinh tế, làm cơ sở nghiên cứu thủy động lực học các vùng cửa sông ven biển. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu nền địa hình vùng cửa sông ven biển sẽ là nguồn tài liệu rất quan trọng cho việc quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt làm cơ sở phân định địa giới hành chính các cấp, phục vụ cho quản lý Nhà nước tại các vùng bãi bồi cửa sông ven biển.
Theo ThS. Nguyễn Thị Kim Dung, sự phát triển của công nghệ đo đạc và bản đồ đặc biệt lựa chọn giải pháp kỹ thuật tối ưu sẽ cho phép hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa hình vùng cửa sông ven biển trên một diện rộng trong một thời gian ngắn nhất đáp ứng các nhu cầu ngày càng lớn cho các ngành khai thác sử dụng và quy hoạch phát triển vùng cửa sông ven biển. Cơ sở dữ liệu nền địa hình khu vực này sẽ có tính kết nối, dung hòa các thông tin giữa đất liền và địa hình đáy biển, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu thủy động lực học, biến động địa chất, địa mạo… và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Trong thời gian tới, để triển khai đề tài, dự kiến sẽ tiến hành nghiên cứu tổng quan đối tượng địa lý vùng cửa sông ven biển Việt Nam. Đồng thời, phân tích nhu cầu khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu nền địa hình vùng cửa sông ven biển cũng như khảo sát, đánh giá, phân tích và lựa chọn các giải pháp kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa hình phù hợp với đặc điểm vùng cửa sông ven biển Việt Nam…
Theo bà Nguyễn Phương Liên (Vụ Khoa học và Công nghệ), để đề tài được triển khai có hiệu quả, ngoài các giải pháp trên cần phân tích cụ thể hơn giải pháp Lidar kết hợp ảnh số và phương pháp đo đạc trực tiếp và đưa ra giải pháp cụ thể cho các trường hợp khác nhau. Đối với phương pháp đo ảnh số kết hợp Lidar cần cân nhắc giải pháp cụ thể cho việc bố trí bay quét đúng vào thời điểm triều kiệt.
Hy vọng, sau khi đề tài được nghiên cứu thành công chúng ta sẽ có giải pháp kỹ thuật phù hợp để xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa hình phù hợp và đề xuất quy trình công nghệ xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa hình vùng cửa sông ven biển Việt Nam. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu nền địa hình một khu vực ven biển cửa sông vùng Bắc Bộ cũng sẽ được hoàn thiện.
Minh Trang-Báo TN&MT
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

1 nhận xét: