Test Footer 2

Vùng biển đặc biệt nhạy cảm ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng: Giải pháp bảo vệ tài nguyên môi trường

Bài viết giới thiệu phương pháp đánh giá các giá trị và xác định ranh giới của vùng biển đặc biệt nhạy cảm PSSA của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đối với các vùng biển có giá trị về sinh thái, kinh tế-xã hội, khoa học-giáo dục; đồng thời, đánh giá nguy cơ tổn thương do các hoạt động hàng hải nội địa và quốc tế gây ra khi tàu thuyền ra vào các cảng biển khu vực Hải Phòng, Cái Lân, Hải Hà.  
Mở đầu
PSSA là một khu vực cần bảo vệ đặc biệt thông qua các hành động của IMO, vì vùng biển này có giá trị cao về sinh thái, kinh tế-xã hội hoặc khoa học và vì nó có thể dễ bị tổn thương do ảnh hưởng  của các hoạt động hàng hải quốc tế. 
Công cụ PSSA-khu vực biển bảo vệ đặc biệt - giờ được xem như là một công cụ chính trong chiến lược phát triển bền vững biển của IMO. Công cụ PSSA là công cụ bảo vệ quốc tế, hài hòa nhiều công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển và là một công cụ bảo vệ khu vực biển rộng có nhiều giá trị về tài nguyên môi trường và từ các mối đe dọa hàng hải cụ thể, nó cũng là sự lựa chọn của nhiều quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Đã có 13 vùng PSSA chính thức trên thế giới được công nhận từ năm 1990 và chứng minh được lợi ích của công cụ này trong quản lý môi trường biển-hàng hải quốc tế.
Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng (QNHP) là một trong những vùng biển của Việt Nam có nhiều giá trị quốc tế và quốc gia đặc biệt và bị tổn thương do tàu thuyền qua lại trên biển và ra vào các cảng biển khu vực với nhiều sự cố: tràn dầu và hóa chất độc hại, vỡ tàu, chìm tàu... Bài viết này giới thiệu 4 phương án ranh giới vùng bảo vệ ven biển QNHP, đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống thông tin kiểm soát tàu thuyền ra vào khu vực PSSA.
Các giá trị đặc biệt và tính tổn thương của hàng hải với vùng ven biển QNHP
Cơ sở pháp lý. Vị trí địa lý vùng nghiên cứu nằm ở phía Tây vịnh Bắc Bộ, nằm trong khoảng tọa độ (20º30’–22º00’N; 106º30’-108º30’E), diện tích chừng 8.500km2 (rộng 30km, dài gần 300km). Phía Bắc và Đông giáp với vùng biển Trung Quốc, phía Tây giáp với đất liền của Việt Nam, phía Nam giáp với biển thuộc vịnh Bắc Bộ. Địa hình vùng rất phức tạp với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và có độ sâu 5-10m ven bờ và tăng dần về phía ngoài khơi đạt -50m. Đây là vùng biển thuộc ven bờ hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, có các hoạt động kinh tế biển gia tăng rất mạnh trong thời gian gần đây.
Các Nghị quyết IMO số A.720 vào năm 1991, số A.885/1999, số A.927/2002, A.982/2005 [1,4,5] đã có hướng dẫn việc công nhận PSSA đối với các quốc gia thành viên IMO. Việt Nam gia nhập IMO từ 28/5/1984 và hiện đã chính thức tham gia 15/40 công ước và nghị định thư của IMO. Việt Nam cũng đã ký kết Công ước Luật Biển UNCLOS 82 từ năm 1994, ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc ngày 25/12/2000 [1].
Vùng biển lựa chọn có giới hạn 100% nằm trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam đúng theo UNCLOS 82 và theo Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ (Hình 1), phù hợp với quy định của IMO là vùng PSSA thuộc khu đặc quyền kinh tế giới hạn bởi 200 hải lý.
Giá trị công cụ PSSA. Số vùng PSSA đã được IMO công nhận là 13 vùng [1-5]: 1. Bãi đá ngầm san hô lớn thuộc Australia (1990); 2. Quần đảo Sabana-Camagüey (Cuba, 1997); 3. Vùng biển Florida (Mỹ, 2002); 4. Vùng biển quanh đảo Malpelo (Colombia, 2002); 5. Biển Wadden (3 nước Đan Mạch, Đức, Hà Lan, 2002); 6.  Khu bảo tồn quốc gia Paracas (Pê-ru, 2003); 7. Vùng nước biển Tây Âu (6 nước Bỉ, Pháp,  Ai len, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, 2004); 8. Vùng mở rộng bãi đá ngầm san hô Australia (gồm cả eo biển Torres) (2 nước Australia và Papua New Guinea, 2005); 9. Quần đảo Canary (Tây Ban Nha, 2005); 10. Các quần đảo Galapagos (Ê-cu-a-đo, 2005); 11. Khu vực biển Baltic (8 nước Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Thụy Điển, 2005); 12. Công viên quốc gia biển Papahanaumokuakea Hawaii (Mỹ, 2007); 13. Eo biển Bonafacio (2 nước Pháp, Ý, 2010).
Các vùng PSSA này đã có các biện pháp bảo vệ - quy định về thay đổi chế độ hàng hải theo Công ước MARPOL 73/78, COLREG, SOLAS của IMO chấp thuận như: sơ đồ làn giao thông, định tuyến, báo cáo tàu bắt buộc, chế độ hoa tiêu, vùng cấm qua lại, cấm xả thải, cấm neo đậu và đang là công cụ phát triển bảo vệ môi trường biển-hàng hải của nhiều quốc gia khác.
Đã có 23/167 quốc gia thành viên chính thức của IMO đã có PSSA được công nhận, trong đó 16 quốc gia châu Âu, 5 quốc gia châu Mỹ, 2 quốc gia châu Úc.
Vùng biển Việt Nam có nhiều khu biển có giá trị quan trọng khu vực và toàn cầu, cho nên Việt Nam nên xem xét thiết lập khu PSSA giúp bảo vệ và quản lý môi trường biển tốt hơn. 
Giá trị đặc biệt quan trọng. Vùng này thuộc phía Bắc vịnh Bắc Bộ, có giá trị về mặt sinh thái độc đáo và về kinh tế-xã hội, khoa học-giáo dục và văn hóa-lịch sử. Vùng ven biển QNHP là một hệ sinh thái đặc biệt với mực thủy triều cao, có tầm quan trọng của thế giới. Đặc điểm giá trị đặc biệt của vùng biển này, bao gồm sức sản xuất sinh khối, môi trường sống và đa dạng loài, nơi sinh sản và đẻ trứng, có rất nhiều loài động thực vật quý hiếm, có nhiều hệ sinh thái đặc trưng như rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn, bãi triều lầy không có rừng ngập mặn, bãi cát triều, rong cỏ biển, rạn san hô, hang động và tùng áng. Vùng Hạ Long-Cát Bà là một vùng biển đảo rộng lớn với hàng ngàn đảo muôn hình muôn vẻ (95% là đảo đá vôi) nhô lên từ mặt nước cùng rất nhiều hang động đẹp, độc đáo và luôn biến đổi, theo góc nhìn và thời gian. Vùng Hạ Long-Cát Bà là một điển hình trên thế giới về quá trình phát triển cảnh quan địa mạo karst nhiệt đới trải qua gần 500 triệu năm với các quá trình tích tụ trầm tích, tạo đồng bằng cổ, vận động tạo sơn, uốn nếp, biển tiến, biển thoái, mài mòn, hòa tan đá vôi bởi nước. Các đảo ở vịnh Hạ Long chứa đựng nhiều hệ tầng trầm tích thành phần cacbonnat và lục nguyên với nhiều di tích cổ sinh vật dưới dạng hóa thạch và hệ thống các hang động có tuổi 700.000 - 11.000 năm vẫn đang trong quá trình phát triển. Chính tại vùng ven biển QNHP cách đây 4 thiên niên kỷ đã có những cộng đồng cư dân sinh sống tạo nên nền “Văn hóa Hạ Long”. Gần 30 di chỉ đã được khai quật rải rác ven biển, hải đảo tại vùng này, và kết quả khảo cổ cho thấy những cư dân ở đây đã giao lưu với các nền văn hóa Phùng Nguyên, Mai Pha, Hoa Lộc...[2].
Vùng ven biển QNHP có rất nhiều giá trị nổi tiếng thế giới và đã có một số giải pháp bảo vệ quốc tế. Trong vùng biển này có vịnh Hạ Long-Di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO về thẩm mỹ năm 1994, địa mạo địa chất năm 2000, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, UNESCO năm 2004. Ngoài ra, các giải pháp bảo vệ quốc gia: vịnh Hạ Long là di tích thắng cảnh cấp quốc gia từ 1962, vườn quốc gia Bái Tử Long, 2001, vườn quốc gia Cát Bà, 1986, 3 khu bảo tồn biển từ năm 2010: Cát Bà, Cô Tô, Đảo Trần. Tất cả các giá trị đặc trưng này cùng nhau tạo thành vùng biển với tài nguyên rất độc đáo và duy nhất, xứng đáng xếp ở vị trí cao nhất của công tác bảo tồn, bảo vệ, khai thác sử dụng và quản lý điều hành.
Nguy cơ rủi ro do các hoạt động hàng hải. Vùng ven biển QNHP và lân cận có rất nhiều cảng biển đang hoạt động thuộc các cụm: Hải Phòng, Cái Lân, Hải Hà, Fangchengang (Trung Quốc). Lưu lượng tàu thuyền ra vào các cảng rất đông đúc, với sự đa dạng hàng hóa chuyên chở như dầu khí, hóa chất cùng với sự đa dạng tàu đánh bắt hải sản, tàu du lịch, tàu quân sự.
Các vùng có nguy cơ ô nhiễm bởi dầu từ các hoạt động hàng hải thường xuyên (Hình 4) như súc rửa tàu, rò rỉ dầu xung quanh luồng tàu vào các cảng biển chính với phạm vi 20km, cùng với tác động của hệ thống dòng chảy hướng đông bắc và tây nam sẽ gây ra ô nhiễm trên toàn bộ khu vực này.
Từ năm 1994 đến nay đã xảy ra hơn 30 vụ tràn dầu tại vùng nước cảng biển Hải Phòng. Điển hình nhất là vụ đắm tàu Mỹ Đình ngày 20/12/2004 ở vùng biển Cát Bà đã gây tràn ra biển gần 200 tấn dầu. Tại vị trí cách đảo Hòn Dáu 3 hải lý, tàu Shun An Xing (Trung Quốc) bị đắm gây tràn 50 tấn dầu trên diện tích rộng khoảng 100km2, kéo dài trên 1.000m xung quanh các đảo Cát Hải, Cát Bà. Điều này gây thiệt hại lớn tới tài nguyên môi trường của các vùng biển, các khu bảo tồn biển.
Các hoạt động hàng hải thường xuyên như: thải dầu máy, xả thải, nước dằn tàu, trượt neo... cũng gây rủi ro lớn cho môi trường biển. Nhiều nơi tại vùng biển Hạ Long–Cát Bà có nồng độ ô nhiễm dầu đạt 1,76mg/l, cao gấp 6 lần giới hạn cho phép, trong đó có một phần do các hoạt động của tàu thuyền vận chuyển hàng hóa và du lịch [3].
Tài liệu tham khảo:
[1] Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc ngày 25/12/2000.
[2] NGUYỄN CHU HỒI, 2005. Cơ sở tài nguyên và môi trường biển, NXB ĐHQG Hà Nội.
 [3] BỘ TNMT. Báo cáo hiện trạng môi trường biển, 2004.
[4] IMO, 2007. PSSA-Guideline. 144 pp.
[5] Southamton Institute, 2001. PSSA-Wadden Sea Feasibility. 91pp.
[6] MARKUS J, KACHEL, 2008. Particularly Sensitive Sea Area. Springer, 376 pages.
                                                                  TS. DƯ VĂN TOÁN
                                                 Viện Nghiên cứu quản lý biển & hải đảo
                                                              Theo Hàng hải VN
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment