Test Footer 2

Tháp báo thiên tai ven biển


Một công cụ trực quan báo tin bão lũ dành cho ngư dân đánh bắt gần bờ, du khách đi biển... đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường mở rộng phạm vi áp dụng, nhằm đa dạng hóa các loại hình thông báo tin thiên tai. Đó là tháp báo thiên tai ven biển. 

Tháp báo thiên tai ven biển hay cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão là một công cụ báo tin được khuyến cáo sử dụng ở các vùng ven biển, hải đảo. Theo quy định của Bộ TN&MT, tùy đặc điểm địa hình, tầm nhìn ở khu vực ven biển, hải đảo, các cột tín hiệu này cao từ 10, đến 60m, trên đó gắn đèn pha. Độ cao của cây cột tín hiệu phải đảm bảo mọi người trong khu vực, nhất là phía ven biển, cửa sông nhìn thấy được tín hiệu đèn. Các tháp báo thiên tai này có thể lắp đặt kết hợp với cột hải đăng hoặc lắp đặt thành cột riêng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Duy Hưng, Trưởng Phòng Cảnh báo thiên tai (Cục Khí tượng Thủy văn và Môi trường) cho biết, hiện Bộ TN&MT đang xây dựng đề án xây dựng hệ thống tháp cảnh báo thiên tai tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, sẽ trình Chính phủ trong quý I-2012.

Dự kiến từ 2012 đến 2014, Bộ TN&MT sẽ xây dựng khoảng 179 cột tháp báo thiên tai ở 28 tỉnh ven biển, trong đó 44 cột có tích hợp hệ thống cảnh báo sóng thần. 44 cột này bố trí dọc ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận – khu vực có nguy cơ sóng thần cao.
Điểm mới của các tháp báo thiên tai ven biển được xây dựng trong Đề án này là sẽ tích hợp nhiều chức năng trên tháp. Đó là ngoài cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới bằng đèn và còi, tháp báo thiên tai còn liên kết với Trung tâm cảnh báo sóng thần để kịp thời cảnh báo cho người dân các địa phương bằng đèn và còi. Ngoài ra còn gắn thêm các thiết bị quan trắc tự động. Các số liệu quan trắc được sẽ bổ sung dữ liệu phục vụ công tác dự báo thời tiết tại các trung tâm dự báo tỉnh và trung ương.

Hiện cả nước ta có 12 tháp cảnh báo thiên tai được xây dựng ở TP. HCM, Ninh Thuận và Bạc Liêu. Các tháp báo thiên tai này được trang bị hệ thống đèn tín hiệu tự động và pháo hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt và cảnh bảo sóng thần với phạm vi ảnh hưởng rộng. Hiện các tháp chủ yếu do lực lượng Bộ đội Biên phòng hoặc Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương quản lý, phối hợp vận hành cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật tài nguyên- môi trường và Khí tượng thủy văn...

Các địa phương này đánh giá cao khả năng báo tin của công cụ này. Mỗi khi có áp thấp nhiệt đới, bão... đèn báo trên tháp nhấp nháy giúp ngư dân đánh bắt gần bờ, du khách đi biển biết để tìm nơi tránh trú.

Tuy nhiên, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang trình Chính phủ một đề án về tháp báo sóng thần. Liệu hai đề án này có chồng chéo? Ông Hưng cho biết, 44 cột có tích hợp cảnh báo sóng thần mà Bộ TN&MT dự kiến xây dựng chỉ được lắp đặt tại vùng biển miền Trung, nơi có nguy cơ cao về sóng thần. Cùng với những cột báo sóng thần do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, sẽ giúp tăng mật độ cột cảnh báo, nâng cao hiệu quả thông tin cảnh báo.

"Sau khi đề án được thông qua, Bộ TN&MT sẽ xây dựng các thiết kế chuẩn cũng như ban hành quy trình xây dựng, vận hành nhằm hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ hệ thống này trên cả nước”, ông Hưng nói.

ĐĐK
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment