Người dân ngang nhiên vào rừng phòng hộ chặt phá, chở gỗ, chở củi
phi lao.
Bờ biển TP Tuy Hòa là một bãi ngang dài hơn 15 km chạy từ xã
An Phú đến phường 6. Do không có núi che chắn bên ngoài cho nên thường bị sóng
gió làm ảnh hưởng.
Nhất là mùa mưa bão,
hiện tượng triều cường, cát bay tràn vào cả khu dân cư, ảnh hưởng đời sống nhân
dân. Ðể hạn chế tình trạng này, hàng chục năm nay địa phương đã phát động phong
trào trồng cây phi lao phòng hộ ven biển. Kết quả một dải rừng phi lao xanh tốt
rộng hàng trăm ha, trở thành lá phổi xanh che chở cho thành phố tránh được gió
và cát.
Tuy nhiên, hiện nay rừng
phòng hộ đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, bởi các dự án du lịch và sự thiếu ý
thức của người dân. Mỗi ngày, có hàng trăm người dân trong khu vực các xã An
Phú, Bình Kiến, phường 9 vào rừng chặt phá. Thậm chí, có một bộ phận dân cư
sống tại các vùng này xem rừng phi lao ven biển là nơi kiếm sống. Việc chặt phá
diễn ra gần như công khai.
Theo báo cáo của Hợp tác
xã nông nghiệp KDTH 2, phường 9, (TP Tuy Hòa) trước đây HTX được giao quản lý
660 ha rừng ven biển, nhưng giờ chỉ còn lại gần 200 ha. Rừng bị tàn phá
nặng nề nhất là sau cơn bão lịch sử tháng 11-2009. Lợi dụng việc HTX tổ chức
thu dọn cây bị ngã đổ, người dân đã đổ xô vào rừng chặt phá theo kiểu "té
nước theo mưa" để làm lợi. Việc khai thác của người dân ngày càng liều
lĩnh, nhiều đối tượng dùng cả cưa máy và xe cơ giới để phá rừng và vận chuyển
cây. Khi lực lượng làm công tác bảo vệ rừng tìm cách ngăn chặn thì họ có hành vi
thách thức, chống đối.
Rừng phòng hộ bị mất đi
còn do một nguyên nhân khác, là việc phát triển các dự án du lịch ven biển Tuy
Hòa. Năm 2003, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án quy hoạch tuyến đường Ðộc Lập với
diện tích hơn 300 ha, mục đích để phát triển du lịch, dịch vụ. Dọc tuyến đường
này từ năm 2005 đến nay, đã có hàng chục dự án được cho thuê đất với tổng diện
tích hơn 60 ha. Hiện có 10 dự án với tổng diện tích hơn 245 ha đang lập thủ tục
đầu tư. Ðiều đáng nói là nhiều dự án được thuê đất, nhưng chậm triển khai, hoặc
có nhiều dự án "treo", cứ nhận đất xong là xây tạm tường rào bỏ đó,
không có biện pháp bảo vệ, khiến nhiều khu vực rừng trở thành "vô
chủ", từ đó bị tàn phá một cách vô tội vạ.
Theo Sở Tài nguyên và
Môi trường Phú Yên, các dự án du lịch ven biển TP Tuy Hòa, chủ đầu tư đều lập
báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó cam kết giảm thiểu việc chặt bỏ
cây phi lao. Trường hợp chặt bỏ thì trồng lại cây khác thay thế trên những diện
tích đất trống trong khu vực dự án, đồng thời tăng thêm diện tích cây xanh khác
để tạo cảnh quan môi trường theo hướng sinh thái đô thị. Tuy nhiên trên thực
tế, đến nay trong phạm vi khu vực rừng phòng hộ ven biển cần được bảo vệ đã có
rất nhiều dự án dịch vụ du lịch, khách sạn mọc lên nhưng chưa có đơn vị nào có
động thái trồng mới cây xanh để bảo vệ bờ biển mà thay vào đó là hàng chục ha
rừng phi lao bị đốn hạ.
Theo Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường Phú Yên Nguyễn Như Thức, sở đã có văn bản báo cáo, UBND
tỉnh đề xuất những giải pháp nhằm hạn chế tình hình trên. Theo đó, khi cấp có
thẩm quyền thẩm định dự án du lịch ven biển, cần chặt chẽ và tăng cường kiểm
tra việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; việc thiết kế cũng như
khi thẩm định cơ sở xây dựng phải hạn chế, giảm thiểu việc chặt bỏ rừng phi
lao. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm trồng bổ sung cây xanh để tạo cảnh quan môi
trường, tăng cường quản lý về mặt xây dựng theo đúng hồ sơ thiết kế; xử lý
nghiêm các trường hợp vi phạm. Khi xây dựng công trình đến đâu thì chặt cây đến
đó, không để trường hợp công trình chưa thi công mà cây đã bị chặt hết chỉ còn
lại đất trống. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị với UBND tỉnh Phú
Yên, trong thời gian tới cần chỉ đạo các ngành, UBND các cấp phối hợp tăng
cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ rừng phi lao phòng hộ để chấn chỉnh
kịp thời những trường hợp vi phạm.
Theo nhandan
0 nhận xét:
Post a Comment