Test Footer 2

Quy hoạch khai thác và sử dụng biển, đảo: Để không đi vào "vết xe đổ"




Ông Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng tổng cục Biển và Hải đảo VN
Trên nguyên tắc, công tác quy hoạch bao giờ cũng rất quan trọng, là hành động đi trước một bước, “dẫn đường" cho các ngành kinh tế, các nhà đầu tư  tiền hành khai thác, tổ chức các hoạt động sản xuất... Hiện nay, nhận thức về công tác quy hoạch thì rất đúng, nhưng thực thi thì kém hiệu quả, do vậy mới có "quy hoạch treo", quy hoạch " không hiệu quả",  mất hoặc xa rời mục tiêu ban đầu...Vậy làm  thế  nào để Quy hoạch khai thác và sử dụng biển, đảo là một quy hoạch bây giờ mới đang trong giai đoạn "Dự án" được như kỳ vọng, không trở thành "quy hoạch treo"?
 Xung quanh vấn đề này, Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
* Được biết Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tiến hành xây dựng dự án Quy hoạch khai thác và sử dụng biển, đảo, vậy xin ông cho biết hiện chúng ta đã thực hiện được những gì?
-  Tại Việt Nam, tên của loại quy hoạch này chưa có trong danh mục các loại quy hoạch nên việc đầu tiên là phải tạo cho nó một cơ sở Pháp lý nhất định. Hiện tại, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25, trong đó có 1 chương nói về quy hoạch, nhưng cũng chỉ mới đề cập đến quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Nhưng bản chất của nó chính là quy hoạch sử dụng biển, đảo, áp dụng công cụ chính là quy hoạch không gian biển (Marine Spatial planning – MSP). Hiện, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang lồng ghép quy hoạch không gian biển vào Luật Tài nguyên môi trường biển. Thông qua việc hoàn thiện Luật Tài nguyên môi trường biển, Quy hoạch khai thác và sử dụng biển, đảo sẽ có một vị trí pháp lý nhất định và Nhà nước cũng sẽ có 1 công cụ mới  để quản lý biển, đảo.  Ngoài ra,  Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cũng đã tổ chức được một số đợt tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức về quy hoạch không gian biển cho cả cán bộ cao cấp và chuyên viên trong ngành. Về tài liệu đã dịch được 2 cuốn quy hoạch không gian biển quốc tế và khu vực. Một  cuốn  hướng dẫn thực hành quy hoạch không gian cho các khu bảo tồn biển và một cuốn hướng dẫn quy hoạch không gian biển của IOCnessco. 2 cuốn sách này  đã được in, chuyển cho các tỉnh để áp dụng và đang thực hiện  thí điểm tại Quảng Ninh - Hải Phòng. Tuy nhiên, mô thí điểm tại Quảng Ninh làm trong phạm vi quá rộng nên chưa được  chuẩn.
* Vậy theo ông, để làm tốt Quy hoạch khai thác và sử dụng biển, hải đảo, các nhà hoạch định chính sách cần phải làm gì?
- Như chúng  ta đã biết  các bước quy hoạch vận hành qua 3 giai đoạn, giai đoạn 1 là tiền quy hoạch  hay còn  gọi  là  giai đoạn chuẩn bị như: dự án, kinh phí, độ ngũ, thành lập tổ chuyên gia quy hoạch, thiết lập thông tin đầu vào của quy hoạch. Giai đoạn này gắn chặt với các kết quả điều tra cơ bản biển, đảo. Nếu những đề tài, những dự án điều tra cơ bản không được dùng, nghiệm thu xong "bỏ ngắn kéo", thì  đây chính  là  lúc cần  đến. Nếu làm tốt giai đoạn này thì chắc chắn công tác quy hoạch có một "nền tảng" vững chắc. Không những thế, nó còn có thể loại bỏ được một vấn đề lâu nay công tác nghiên cứu khoa học cơ bản của chúng ta đang mắc phải đó là: Cái nhà khoa học thì muốn nghiên cứu rất nhiều nhưng cái mà nhà quản lý cần thì không có, hoặc thiếu. Do vậy chất lượng quy hoạch bị "vướng" ngay từ đầu. Chỉ đáp ứng nguồn tư liệu đầu vào trên giấy (khi xin dự án) mà sau đó không biết xếp nó vào đâu để thực hiện mục tiêu quản lý.
Giai đoạn  2 là  giai đoạn xây dựng quy hoạch. Đây là giai đoạn  mà  công việc cần  tiến  hành  một  cách  khẩn  trương nhất nhưng vì nhiều lí do, trong đó có "thủ tục hành chính" làm cho thời gian xây dựng kéo  dài, mất đi ý nghĩa, mục tiêu thực thi quy hoạch. Ví như quy hoạch biển từ 2010 -2020 mà đến năm 2015 mới được phê duyệt thì thời gian thực hiện chỉ còn 5 năm, như vậy không thể đáp ứng như mục tiêu ban đầu đề ra. Có chuyện này  là  do chúng ta chưa có chính sách pháp luật bắt buộc, khống chế về mặt thời gian, nên việc triển khai thiếu quyết liệt. Mặt khác, trong giai đoạn này, sau khi đã xác định quan điểm, mục tiêu, công tác dự báo chính xác mục tiêu, nhiệm vụ cho 10 – 15 năm tới còn rất yếu, đa phần là ngoại suy hay nói cách khác là 'đoán già đoán non". Ở đây, tôi không chỉ nói đến quy hoạch biển mà là "căn bệnh" của rất nhiều quy hoạch ngành. Rất hiếm các cơ quan quản lý áp dụng mô hình phần mềm toán học cho công tác dự báo,  đây chính là lỗ hổng làm cho các nhà hoạch định chính sách chen quan điểm cá  nhân của mình vào một cách tuỳ tiện, thiếu căn cứ mà các nhà quy hoạch cũng chẳng có căn cứ gì để thuyết phục.
Giai đoạn 3 khi quy hoạch được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, ở các nước gọi là hậu quy hoạch hay gọi là giai đoạn thực hiện quy hoạch. Đây là giai đoạn rất quan trọng mà ở hầu hết các loại quy hoạch của chúng ta đều vướng do thiếu một đội ngũ giám sát thực hiện. Đối với các nước việc giám sát thực hiện quy hoạch này người ta xây dựng tổ giám sát quy hoạch, xây dựng một bộ công cụ, chỉ  số đánh giá  mức  độ thực hiện. Có như vậy, quy hoạch mới không bị sai lệch đi so với mục tiêu ban đầu đặt ra. Chính giai đoạn này mới là nhiệm vụ của cơ quan quản lý. Ở ta cơ quan quản lý thì lại đi làm quy hoạch.  Không quan tâm tới quản lý thực hiện thành thử quy hoạch loại này nói vui là “vạch cho người khác làm”! Đáng lẽ muốn có quy hoạch tốt, cơ quan quản lý phải là chủ đầu tư, thuê một cơ quan, một đội ngũ chuyên ngành làm tư vấn quy hoạch thực hiện vì làm quy hoạch đòi hỏi kiến thức tổng hợp của nhiều ngành và những người làm quy hoạch biển cũng phải từng làm quy hoạch. Có như vậy, công tác quy hoạch mới thật sự đáp ứng được yêu cầu như mong muốn.
* Xin cảm ơn ông!

Theo Monre
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment