Test Footer 2

NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA KỊCH BẢN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, NƯỚC BIỂN DÂNG CHO VIỆT NAM VỪA ĐƯỢC CÔNG BỐ.

Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam vừa được công bố, được xây dựng trên các cơ sở khoa học và số liệu đo đạc thực tế. Các kịch bản được xây dựng dựa vào các phân tích, tính toán bằng các mô hình khí hậu, công cụ thống kê. Các mô hình, công cụ này đã được lựa chọn, xây dựng chuyên biệt cho Việt Nam và khu vực lân cận. Trong tính toán, đã sử dụng toàn bộ số liệu quan trắc khí tượng, khí hậu, thủy văn, hải văn được cập nhật đến 2010 của gần 200 trạm khí tượng, thủy văn, 17 trạm hải văn, số liệu quan trắc từ vệ tinh và số liệu tính toán từ các mô hình khác nhau. Các kết quả phản ánh được tính đặc thù của các vùng khí hậu cũng như các vùng biển của Việt Nam.
NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA KỊCH BẢN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, NƯỚC BIỂN DÂNG CHO VIỆT NAM VỪA ĐƯỢC CÔNG BỐ.
Kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam (Ảnh Dự án CBCC)
 Kịch bản về nhiệt độ và lượng mưa được thể hiện chi tiết cho các khu vực nhỏ, đáp ứng được yêu cầu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu. Các yếu tố cực trị (nhiệt độ cao nhất, thấp nhất, mưa lớn) cũng đã được tính toán để phục vụ cho công tác quy hoạch và thiết kế của các ngành. Kịch bản nước biển dâng được xác định với mức độ chi tiết đến từng khu vực ven biển.
       Theo kịch bản cập nhật, mức tăng nhiệt độ dao động trong phạm vi lớn hơn so với kịch bản năm 2009. Chẳng hạn, theo kịch bản phát thải trung bình, vào cuối thế kỷ 21, mức tăng nhiệt độ trung bình năm ở các khu vực nhỏ thuộc Bắc Trung Bộ có thể tới 3,5oC, so với 2,8oC của kịch bản năm 2009. Tương tự đối với mưa, lượng mưa mùa khô có thể giảm đến 30% vào năm 2100 ở một vài nơi thuộc Nam Bộ, trong khi đó theo phiên bản năm 2009, con số này chỉ là 18%. Các yếu tố cực trị như nhiệt độ cao nhất, nhiệt độ thấp nhất, lượng mưa ngày lớn nhất và một số yếu tố khác đã được tính toán và trình bày trong bản cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu.
         So với kịch bản nước biển dâng năm 2009, kịch bản cập nhật đã tính chi tiết hơn cho các khu vực ven biển Việt Nam. Theo các kịch bản, đến năm 2100 nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang, thấp nhất ở vùng Móng Cái đến Hòn Dáu.
        Cùng với các bản đồ nguy cơ ngập cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, kịch bản cập nhật đã tính toán và trình bày các bản đồ nguy cơ ngập cho đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh và từng tỉnh thuộc khu vực ven biển miền Trung.
       Dự kiến đến cuối thể kỷ,nếu mực nước biển dâng1m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập; Gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp; Trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
     Theo CBCC
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment