Test Footer 2

Một xã mỗi ngày xả xuống biển gần 5 tấn rác

Đó là xã ven biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Đây là xã có mật độ dân số cao nhất nước ta, bình quân một người dân ở xã Ngư Lộc chỉ có 22m2 đất.
Bãi biển xã Ngư Lộc ngập tràn rác - Ảnh: Hà Đồng
Ngày 19-3, ông Nguyễn Hải Năm - phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc - cho biết do không có đất nông nghiệp nên người dân sống bằng nghề khai thác hải sản trên biển, hậu cần nghề cá và dịch vụ thương mại. Toàn xã hiện có 315 tàu thuyền đánh bắt hải sản ngoài khơi.
Do dịch vụ hậu cần nghề cá và dịch vụ thương mại phát triển và người dân Ngư Lộc quen sử dụng túi nilông, bao bì chất rắn đựng hàng nên lượng rác thải hằng ngày là rất lớn.
Cụ thể, người dân và các khu chế biến, hậu cần nghề cá... mỗi ngày xả gần 5 tấn rác thải các loại xuống biển, gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.
Ông Năm cho biết thêm chính quyền xã Ngư Lộc đã nhiều lần đề nghị UBND huyện Hậu Lộc đầu tư xây dựng khu chứa, xử lý rác thải tại xã nhưng đến nay huyện vẫn chưa có kinh phí.

Theo tuoitre.vn


Thanh Hóa: Biển Ngư Lộc “kêu cứu”

Biển Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc) hàng ngày “tiếp nhận” hàng tấn rác thải do người dân đổ xuống. Nước biển quanh năm đục ngầu, mùi hôi tanh nồng nặc. Tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái ven biển, ảnh hưởng sức khỏe người dân đã đến mức báo động.
Dọc theo bờ biển Ngư Lộc chưa đầy 1km nhưng "thênh thang" rác thải. Nơi đây như một bãi rác khổng lồ, đủ thể loại, rắn, lỏng, nhiều nhất là các loại túi ni lông, bao bì. Những miệng cống xả thẳng xuống biển nước thải sinh hoạt, nước thải chế biến thủy hải sản đục ngầu, hôi thối. Đây là nguyên nhân dẫn đến nước biển đục và đậm mùi hôi tanh quanh năm. Người dân cũng thả tay ném rác bừa bãi khắp nơi dọc theo bờ đê chắn sóng, thậm chí phóng uế bừa bãi ngay bờ biển.
alt
Vùng biển Ngư Lộc như một bãi rác khổng lồ.
alt
Thủy hải sản được phơi bên bãi rác thải ô nhiễm.
Ngư Lộc là một xã đặc biệt với 17.000 dân, mật độ dân số gần 36.000 người/km2. Người dân không có đất nông nghiệp mà sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản. Nguồn thủy hải sản thu được nhiều khi không tiêu thụ hết được, được phơi ngay cạnh bãi rác thải.
Trẻ em sau giờ đến trường cũng ngày ngày phải chơi bên rác thải ô nhiễm. Bệnh dịch cũng theo đó mà xuất hiện ngày càng nhiều. Theo thống kê của trạm y tế xã, những năm gần đây, mỗi năm có đến hàng nghìn lượt trẻ em ở đây bị tiêu chảy, ghẻ lở, các bệnh về mắt...
alt
Trò chơi “đốt rác thải” của những đứa trẻ nơi đây làm cho không khí ô nhiễm thêm.
Chị Trần Thị Gái nhặt rác mưu sinh tại bờ biển này chia sẻ: “Hàng ngày có biết bao tấn rác đổ xuống đây, bờ biển đã đến mức quả tải không chứa nổi hết rác. Tôi đi nhặt rác đem phân loại bán nhưng cũng chỉ được một phần nhỏ. Vào mỗi buổi chiều trẻ con ra bờ biển chơi còn đốt các đống rác làm cho không khí ô nhiễm nặng thêm”.
alt
Nước thải sinh hoạt, nước thải chế biển thủy hải sản đen ngòm, hôi thối được xả thẳng xuống biển.
Sản lượng khai thác và đánh bắt thủy sản gần bờ hàng năm tại vùng biển cũng đang giảm sút đáng kể. Nước biển quanh năm đục ngầu, có mùi hôi tanh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà ảnh hường đến môi trường sinh thái ven biển. Cây rừng chắn sóng không thể phát triển được do ô nhiễm nguồn nước.
Bãi triều nuôi ngao của nhiều hộ dân ven biển huyện Hậu Lộc đang bị đe dọa nghiêm trọng khi hàng năm, lượng ngao bị chết do ô nhiễm nước biển tăng cao.Ông Nguyễn Tiến, một người dân ở đây cho biết: “Vấn đề rác thải ở đây đã đến mức báo động nhưng ngành chức năng chưa có giải pháp để giải quyết tình trạng này, do đất quá chật, người lại quá đông. Mấy năm trước tôi nghe nói có dự án xây khu xử lý rác thải cho cả xã nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Người dân không còn cách nào khác là hàng ngày phải ném rác xuống biển. Rất mong các ngành chức năng có giải pháp để cùng người dân khắc phục đem lại môi trường trong sạch cho vùng biển”.
Theo dantri
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment