Test Footer 2

Khơi nguồn sáng từ gió biển


Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) mới đây đã được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (US EXIMBANK) ký cam kết bảo lãnh cho vay khoản tín dụng một tỷ USD đầu tư vào kỹ thuật hạ tầng, trong đó có điện gió. 
alt
Tua-bin gió đầu tiên của Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu.  
Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại-Du lịch Công Lý - chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện gió tại tỉnh Bạc Liêu được VDB và US EXIMBANK lựa chọn tài trợ vốn. Ðây được đánh giá là công trình trọng điểm, khai thác thế mạnh nguồn năng lượng sạch, mở ra triển vọng thu hút vốn đầu tư không chỉ riêng tỉnh Bạc Liêu mà cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Năng lượng sạch từ trời và biển
Từ trung tâm TP Hồ Chí Minh xuôi về  phía tây nam khoảng 280 km, một trang trại Nhà máy điện gió đang được xây dựng trên khu đất rộng 500 ha, thuộc địa bàn ấp Biển Ðông A, xã Vĩnh Trạch Ðông, tỉnh Bạc Liêu. Nhà máy điện gió Bạc Liêu có quy mô tổng công suất 99,2 MW, bao gồm trụ 62 tua-bin, mỗi trụ công suất 1,6 MW đặt dọc đê Biển Ðông, kéo dài từ phường Nhà Mát đến ranh giới tỉnh Sóc Trăng.
Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác năm 2013, nhà máy sẽ cho lượng 320 triệu kW giờ điện/năm, đồng thời giảm phát khí thải khoảng 190 nghìn tấn CO2 mỗi năm. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 5.200 tỷ đồng (tương đương khoảng 250 triệu USD).Tại vị trí cầu Giáp Ranh, hướng tầm mắt tới tua-bin gió đầu tiên đã lắp đặt xong, Chủ tịch HÐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Lý Tô Hoài Dân chia sẻ: "Ðây là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất của công ty từ trước đến nay và là dự án điện gió đầu tiên được xây dựng tại đồng bằng sông Cửu Long. Ðể lắp đặt hoàn chỉnh tua-bin đầu tiên, đơn vị phải thi công trong ba tháng 21 ngày. Nhưng với kinh nghiệm rút ra từ quá trình thi công cột trụ đầu tiên, chủ đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ phấn đấu hoàn thành 62 cột trụ trong năm 2012. Tiếp sau đây, dự án sẽ mở rộng sang các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, cố gắng đến cuối năm 2014 hình thành một Trung tâm điện gió với 300 tua-bin tại khu vực này".
Trong không khí lao động khẩn trương, các công nhân đang hối hả thi công các hạng mục của công trình. Giai đoạn 1 dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu đã cơ bản hoàn thành các hạng mục như: nhà văn phòng, đường giao thông, bệ móng trụ tua-bin.
Dự kiến cuối tháng 3-2012, sẽ hoàn thành đường dây 110 kV với hai mạch đấu nối với lưới điện quốc gia, cuối tháng 5 sẽ hoàn thành một trạm biến áp 22/110kV-63MVA và cuối tháng 6 sau khi lắp đặt hoàn chỉnh mười tua-bin, nhà máy sẽ phát dòng điện đầu tiên hòa vào hệ thống điện lưới quốc gia. T
ất cả tua-bin gió lắp đặt tại đây đều do Tập đoàn General Electric của Hoa Kỳ sản xuất, cung cấp và lắp đặt. Cột tua-bin làm bằng thép đặc biệt không gỉ cao 80 m, đặt trên trụ bê-tông có đường kính 17 m, xây cách bờ biển từ 500 m đến 1.000 m. Mỗi tua-bin có ba cánh quạt, mỗi cánh dài 42 m. Ðây là loại tua-bin gió có công suất phù hợp chế độ gió cấp III tại Bạc Liêu và được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp điện với hơn 16 nghìn chiếc được sử dụng trên toàn thế giới.
Mặc dù phải bỏ ra một số vốn đầu tư khá lớn, nhưng khi đi vào vận hành, nhà máy không đòi hỏi phải mất chi phí nguyên liệu, chỉ mất chi phí để bảo trì và tiền lương cho công nhân vận hành. Công ty cũng đã đàm phán xong việc bán điện cho Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam với giá 7,8 cent/kW giờ, cộng với việc bán được CDM sau khi nhà máy đi vào vận hành dự tính mỗi kW giờ tăng thêm 1cent, tổng cộng là 8,8 cent/kW giờ, Chủ tịch HÐTV Công ty Công Lý phân tích như vậy khi ông khẳng định hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của dự án.
Ngoài ra, bên cạnh việc nhà máy sẽ bán điện cho Nhà nước, ở đây còn kết hợp các dự án du lịch sinh thái. Theo ông Tô Hoài Dân, sau khi dự án hoàn thành, tận dụng diện tích mặt nước dưới trụ tua-bin, công ty sẽ đầu tư số vốn ban đầu khoảng một tỷ đồng hỗ trợ các hộ dân nơi đây nuôi trồng, canh tác lâm-thủy sản.
Cần cơ chế khuyến khích, hỗ trợ
Bạc Liêu với hơn 56 km bờ biển, trước đây chủ yếu là vùng ven biển hoang hóa, sản xuất kém hiệu quả. Nhưng kể từ khi khởi động Dự án Nhà máy điện gió, tiềm năng nơi đây dường như được đánh thức. Không chỉ là một công trình thu hút khách du lịch, Nhà máy điện gió còn kéo theo nhiều dự án đầu tư, dịch vụ mới.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng cho biết: "Cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió, nhưng việc khai thác nguồn năng lượng sạch này không đơn giản. Ban đầu, khi nghe nói sẽ có Nhà máy điện gió được xây dựng tại đây, sự tin tưởng và đồng thuận chưa cao. Nhưng sau một thời gian giải thích, vận động, nhất là khi thấy nhà đầu tư bắt tay xây dựng, làm nhà xưởng, đường giao thông, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng, bà con đã bắt đầu tin và ủng hộ".
Khi Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu đi vào hoạt động, sẽ giúp tỉnh tăng thu ngân sách mỗi năm từ 500 đến 700 tỷ đồng, gần bằng tổng thu ngân sách của toàn tỉnh hiện nay. Do vậy, tỉnh cũng xem đây là công trình trọng điểm, tạo động lực giúp kinh tế phát triển nhanh, bắt kịp các địa phương khác trong cả nước.Những năm gần đây, Chính phủ rất chú trọng phát triển nguồn năng lượng điện gió và đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các nhà đầu tư, như giảm bớt một số thủ tục về giao đất, cho thuê đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Ðặc biệt, mới đây Chính phủ đã có Quyết định số 37/2011/QÐ-TTg về những cơ chế ưu tiên cho phát triển điện gió. Ðây được xem như hành lang pháp lý thiết thực thúc đẩy phát triển năng lượng gió tại nước ta.
Tuy nhiên, so với tiềm năng điện gió được đánh giá tương đối lớn (theo Ngân hàng Thế giới, tiềm năng điện gió ở Việt Nam vào khoảng 513.360 MW, tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La) thì các công trình điện gió hiện này còn quá khiêm tốn. Nguyên nhân một phần do yếu tố suất đầu tư tương đối lớn, cộng với mức giá điện chưa thật sự hấp dẫn cho nên các dự án điện gió chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Ðể điện gió tại Việt Nam phát triển tương xứng tiềm năng, vẫn cần nhiều hơn những sự hỗ trợ từ Nhà nước về cơ chế nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này trong thời gian tới.Kết quả bước đầu của Dự án phát triển điện gió ở Bạc Liêu có thể được coi như một bước đi tiên phong đặt nền móng cho việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào ngành điện nói chung, đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo nói riêng.

nhandan
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment