I. MỞ ĐẦU
Việt Nam có vùng biển rộng trên một triệu km2, với 2773 hòn đảo ven bờ, có Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa nằm giữa Biển Đông. Vùng bờ biển dài trên 3200km có vùng triều rộng trên 4000 km2, với 114 cửa sông, 12 đầm phá và 48 vũng vịnh. Gần đây các hoạt động nhân sinh và thiên tai đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra nguy cơ phát triển thiếu bền vững. Những năm qua, các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường biển đã đạt được những thành công đáng ghi nhận, nhưng cũng còn những tồn tại cần khắc phục. Vì vậy, cần phải xác định định hướng nghiên cứu cụ thể và khách quan trước những đòi hỏi của thực tiễn trong bối cảnh áp lực của hoạt động nhân sinh và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
II. NHỮNG KẾT QUẢ CƠ BẢN ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC
1. Nghiên cứu, phân tích hiện trạng và dự báo môi trường biển
Xây dựng nền móng khoa học về môi trường biển, thực hiện phân tích và đánh giá hiện trạng môi trường biển, ô nhiễm biển phục vụ cho phát triển bền vững
Cùng với sự phục hồi và phát triển kinh tế đất nước vào đầu những năm 1990 của Thế kỷ trước, môi trường, trong đó có môi trường biển trở thành vấn đề nóng, thách thức đối với phát triển bền vững với nguy cơ ô nhiễm, suy giảm đa dạng sinh học, gia tăng thiên tai và tai biến môi trường. Các chương trình NC KHCN biển đã đóng vai trò nòng cốt và đi tiên phong trong việc xây dựng cơ sở khoa học môi trường biển từ nền tảng khoa học cơ bản về môi trường biển, xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình phân tích và đánh giá, các chỉ tiêu định lượng v.v. cho môi trường biển. Nhờ đó, nhiều đơn vị trong cả nước đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trắc, giám sát, phân tích và đánh giá môi trường biển phục vụ nhiều dự đầu tư lớn trên biển và ven biển về các khu cảng biển, khu kinh tế biển, khu công nghiệp biển, các dự án đầu tư khai thác biển:
Các chương trình NC KHCN biển đã có nhiều đề tài nghiên cứu về ô nhiễm biển, bao gồm đánh giá ô nhiễm biển do sông tải ra, quá trình phân tán, tích luỹ chất gây ô nhiễm trong môi trường biển (KC.09.21/06-10), quá trình tự làm sạch và sức tải môi trường của các thuỷ vực ven biển (KC.09.17/11-15), ngăn ngừa, phòng chống và xử lý ô nhiễm biển bằng các giải pháp quản lý và công nghệ v.v. Gần đây, đã có nhiều kết quả nghiên cứu mới về các lĩnh vực tích luỹ các chất ô nhiễm có độc tính (kim loại nặng, các chất hữu cơ bền) trong môi trường trầm tích (KC.09.21/06-10), ô nhiễm dầu trên vùng Biển Đông (KC.09.22/06-10), trầm tích và sinh vật liên quan đến an toàn thực phẩm biển và sức khoẻ cộng đồng. Đã quan tâm đến các quá trình sinh địa hoá liên quan đến ô nhiễm và năng xuất sơ cấp, tảo độc hại và thuỷ triều đỏ (KC.09.19; KC.09.03/06-10); sức khoẻ các hệ sinh thái; các chỉ tiêu đánh giá mức độ bền vững của các hệ sinh thái và các nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học do tác động từ con người và biến đổi khí hậu, v.v.
Đặc biệt, một số đề tài trong KC 09/11-15 đã tập trung vào hướng nghiên cứu đánh giá khả năng tự làm sạch môi trường và sức chịu tải môi trường của các thủy vực ven biển như cửa sông (Bạch Đằng), Đầm phá (Thị Nại, Tam Giang – Cầu Hai), vũng vịnh (Hạ Long, Đà Nẵng) v.v. làm kế sách quản lý bảo vệ môi trường, xây dựng các chỉ tiêu môi trường và hình thành cơ sở cho kinh tế dịch vụ môi trường (KC.09.17/11-15) v.v.
Đóng góp tích cực trong việc giám sát và dự báo môi trường biển
Các chương trình NC KHCN biển đã tạo điều kiện xây dựng nguồn nhân lực, cơ sở kỹ thuật, quy trình, phương pháp và thực hiện quan trắc, giám sát môi trường biển cho nhiều viện, trung tâm nghiên cứu và một số trường đại học. Một số trong các đơn vị này từ năm 1995, đã thực hiện nhiệm vụ thường xuyên quan trắc và phân tích môi trường biển ven bờ được thực hiện tại các trạm quan trắc Quốc gia ở phía Bắc (Viện TN&MT biển), miền Trung (Viện Cơ học) và phía Nam (Viện Hải dương học) theo hệ thống Đài trạm Quốc gia do Bộ TN&MT quản lý.
Nhiều đề tài trong các Chương trình Nhà nước về KHCN biển đã nghiên cứu dự báo và và cảnh báo môi trường biển và tai biến, sự cố trên biển: dự báo sóng, nhiệt độ tầng mặt và sương mù trên biển; sa bồi và xói lở bờ biển; nước dâng do bão; dự báo thuỷ triều đỏ ở vùng nước ngoài khơi và các vùng nuôi tập trung ven bờ. Để phục vụ dự báo, đã ứng dụng và phát triển một số công nghệ cao như viễn thám và hệ thông tin địa lý, các mô hình sinh thái biển, lan truyền ô nhiễm biển, các mô hình tương tác biển – khí; lục địa biển; sức tải môi trường biển v.v.
2.Nghiên cứu ngăn ngừa và phòng chống tai biến môi trường
Nghiên cứu, dự báo và đề xuất các gải pháp phòng chống thiên tai
Nhiều đề tài nghiên cứu đã quan tâm đến đánh gía hiện trạng, nghiên cứu dự báo nghiên cứu và đề xuất các giải pháp ứng xử với các thiên tai, sự cố môi trường trên vùng bờ, các vùng biển và các đảo Việt Nam. Các nghiên cứu đã đánh giá nguy cơ phát triển thiếu bền vững và các thiệt hại do thiên tai: xói lở bờ biển (KC.09.05) trên diện rộng làm mất đất đai, đe dọa các khu dân cư, các công trình xây dựng ven bờ, làm vỡ đê biển khi có bão lớn, triều cường và nước dâng, gây ngập lụt, nhiễm mặn. Sa bồi gây lấp, cạn luồng lạch ra vào các cảng biển, các mương cống thoát nước ven biển, cạn lấp các cửa sông cản trở thoát lũ và tàu thuyền qua lại (KC.09.05). Biến đổi khí hậu và dâng cao mực biển(KC.09.23/06-10) cùng với tăng cao nhiệt độ nước biển, axit hoá nước biển, tăng cường các thiên tai khác như bão, mưa lớn, khô hạn, ngập lụt và xâm nhập mặn bất thường có thể dẫn đến thảm hoạ về môi trường và sinh thái. Bão lốc, nước dâng do bão, ngập lụt, xâm nhập mặn và ngọt hoá diễn biến phức tạp và ngày càng khó dự báo, nên thiệt hại ngày càng lớn.
Các công trình nghiên cứu đã xác định được nguyên nhân, đánh giá thực trạng, dự báo xu thế và đề xuất giải pháp ngăn ngừa, phòng chống các thiên tai: bão, nước dâng trong bão, ngập lụt, xói lở, sa bồi, xâm nhập mặn, cát chảy v.v. Một số giải pháp công trình đã được áp dụng thành công tại một số địa phương như xây kè mỏ chống xói bờ biển Hải Hậu, chống sa bồi các cửa sông, cửa biển ở Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, luồng cảng Định An v.v.; đảm bảo thoát lũ và duy trì lối ra biển và vào bờ trú bão cho các ngư thuyền. Những giá trị đưa lại từ những kết quả nghiên cứu góp phần giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo ổn định các khu dân cư, đất đại, các công trình kinh tế v.v. lâu dài.
Những nghiên cứu về các trường địa vật lý, nghiên cứu về khả năng động đất và sóng thần trên Biển Đông đã góp phần nâng cao nhận thức và kế hoạch ứng phó với dạng thiên tai nguy hiểm này.
Chủ động tham gia ứng phó với sự cố môi trường trong các tình huống khẩn cấp
Các kết quả nghiên cứu giúp cho hiểu biết về bản chất các sự cố môi trường ngày càng tăng và diễn biến phức tạp trên biển. Sự cố dầu tràn đã xuất hiện nhiều lần với quy mô khác nhau, trên vùng biển Việt Nam, kể từ vụ đầu tiên tại vịnh Quy Nhơn vào năm 1989.
Với vụ tràn dầu điển hình vào tháng 2 đến đầu tháng 5/2007, đã xảy ra trên quy mô lớn dọc ven biển, xuất hiện ở 20 tỉnh thành với khối lượng dầu tràn lớn không rõ nguồn gốc, một số đề tài nghiên cứu đã sử dụng không ảnh, ảnh vệ tinh, đến các mô hình địa kiến tạo (KC.09.11/06-10), mô hình thủy động lực để tìm hiểu nguyên nhân và xây dựng các phương án ứng xử khi xảy ra sự cố tương tự.
Nguy cơ bùng phát thuỷ triều đỏ và nạn tảo độc rất cao và đã từng được ghi nhận tại nhiều nơi ngoài tự nhiên (KC.09.03/06-10) và trong các đầm nuôi thuỷ sản (KC.09.19). Một số đề tài thuộc chương trình KC.09 đã làm sáng tỏ đặc điểm phân bố, thời gian xuất hiện và quy mô ảnh hưởng của nạn Thủy triều đỏ tại các vùng nuôi tập trung và tại các vùng biển ven bờ, nhất là ở Vịnh Bắc Bộ và Nam Trung Bộ.
3. Nghiên cứu quản lý môi trường biển
Xây dựng chỉ tiêu, quy chuẩn môi trường, quy hoạch và chiến lược bảo vệ môi trường biển
Các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu đã cung cấp cơ sở khoa học, tham gia đánh giá tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội, các sự cố môi trường và thiên tai đến TN&MT biển và giải pháp, quy trình giảm thiểu; Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển - đảo thích ứng với biến đổi khí hậu và dâng cao mực biển.
Tham gia xây dựng các quy hoạch, chiến lược bảo vệ môi trường biển, xây dựng cơ sở khoa học và các quy trình phục vụ xây dựng các chính sách, các quy định pháp luật, chiến lược biển, qui hoạch và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường,
Nghiên cứu và phát triển mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ biển và quy hoạch không gian biển đảo
Trong lĩnh vực quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển và các đảo, Các đề tài nghiên cứu của các chương trình KHCN biển đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và áp dụng các mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ biển phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam bắt đầu từ giai đoạn 1995 – 2000 (KHCN.06-07) cho vùng Cát Bà – Hạ Long và Đà Nẵng; tiếp tục cho đến KC.09/11-15; Đã Xây dựng cơ lý luận và quy trình thực hành quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển (KC.09.13/06-10; KC.09.08/06-10; KC.09.24/06-10) cho phát triển bền vững áp dụng cho các địa phương Bắc Trung Bộ (KC.09.08/06-10: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), Nam Trung Bộ (KC.09.24/06-10; KC.09.12/11-15), vùng ven bờ Nam Bộ (KC.09.10/11-15), phân vùng QLTH đới bờ Việt Nam (KC.09.27/06-10) v.v. Đến nay quản lý tổng hợp ở Việt Nam đã có mô hình định hướng ngày càng rõ, đó là quản lý nhà nước tập trung và thống nhất, có sự tham gia của cộng đồng, được thực hiện theo quy mô ba cấp cơ bản trung ương, vùng và địa phương (cấp tỉnh).
Đã có được những nghiên cứu, đánh giá và kiểm kê toàn diện, đầy đủ về số lượng, diện tích và phân bố của các hệ thống vũng vịnh (KC.09.22, KC.09.05/06-10), đầm phá, cửa sông và hải đảo của Việt Nam. Đây là bộ tư liệu hết sức quý giá phục vụ xây dựng chiến lược, tổ chức không gian lãnh hải – lãnh thổ, quy hoạch phát triển tổng thể vùng miền và quy hoạch phát triển các ngành. Đã có những góp góp quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn cho công tác bảo tồn biển trên vùng biển và các đảo Việt Nam (KC.09.04/06-10). Đặc biệt, vấn đề quy hoạch không gian biển lần đầu tiên đã được tổ chức nghiên cứu, xây dựng cơ sở khoa học cho một hướng mới quản lý các vùng biển đảo, phục vụ phát triển bền vững (KC.09.16/11-15).
4. Xây dựng tiềm lực về giám sát và nghiên cứu môi trường biển
Xây dựng đội ngũ cán bộ về môi trường biển
Cùng với các thành tựu khoa học, sự trưởng thành từng bước của lực lượng khoa học biển, cơ sở vật chất kỹ thuật điều tra nghiên cứu môi trường biển ở các cơ quan khoa học biển cũng đã được tăng cường và đổi mới rõ rệt. Với sự đầu tư của nhà nước và viện trợ của nước ngoài, chúng ta đã có được một số tàu khảo sát và những thiết bị khảo sát khá tốt và các máy phân tích hiện đại trong công tác nội nghiệp. Cùng với sự tăng cường, đổi mới trang bị kỹ thuật, trình độ nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học cũng được nâng cao một bước rõ rệt. Với mở rộng quan hệ HTQT, cán bộ ta đã nhanh chóng tiếp cận được những thành tựu phương pháp kỹ thuật hiện đại. Nhờ vậy, các kết quả nghiên cứu hiện nay đã khác nhiều so với trước về chất lượng và tính hiện đại. Trong HTQT, vai trò và vị thế của cán bộ khoa học biển Việt Nam đã được nâng cao, là thành phần không thể thiếu trong các hội thảo, hội nghị khoa học biển, các đề án hoặc chương trình hợp tác nghiên cứu và các tổ chức khoa học biển khu vực. Cùng với sự phát triển nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường biển, đã hình thành một số tổ chức nghiên cứu chuyên về môi trường biển, ví dụ Viện Tài nguyên và Môi trường biển thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN.
Góp phần xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường biển
Thông qua các đề tài, các chương trình nghiên cứu biển đã đóng góp xây dựng hệ phương pháp nghiên cứu và đánh giá môi trường biển và các quy trình, quy chuẩn quản lý môi trường biển: xây dựng các thông số kỹ thuật, các quy trình giám sát và quan trắc; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho ô nhiễm biển, quy trình ứng phó các sự cố tràn dầu trên biển; cung cấp cơ sở khoa học cho soạn thảo và ban hành các kế hoạch chiến lược, các quy chuẩn quốc gia bảo vệ môi trường biển, ven bờ và hải đảo. Những kết quả trong lĩnh vực này đã cung cấp cơ sở khoa học cho Bộ KHCN&MT trước đây, Bộ TN&MT hiện nay soạn thảo và ban hành các kế hoạch chiến lược, các quy chuẩn quốc gia bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và ven bờ. Đúc kết từ các kết quả nghiên cứu, mà phần quan trọng là từ các đề tài thuộc các chương trình KHCN biển, Viện Tài nguyên và Môi trường biển năm 2014 đã xuất bản và công bố công trình: “Quy trình điều tra khảo sát tài nguyên và môi trường biển” – Nxb Khoa học tự nhiên và công nghệ, 291 trang.
Phát triển ứng dụng các công nghệ cao vào giám sát và quan trắc môi trường biển
Thông qua tham gia các chương trình KHCN biển, một số đơn vị nghiên cứu đã đạt được một số thành công trong việc phát triển và ứng dụng các công nghệ cao, các kỹ thuật hiện đại và các quy trình tiên tiến phục vụ giám sát và đánh giá tài nguyên và môi trường biển: công nghệ thông tin, viễn thám, hệ thông tin địa lý, kỹ thuật khảo sát ngầm, các mô hình, lập trình v.v. Các công nghệ và kỹ thuật này đã hỗ trợ dự báo xói lở, sa bồi, thuỷ triều đỏ, tràn dầu và hoá chất, biến đổi khí hậu và dâng cao mực biển v.v.
Để hỗ trợ cho các hoạt động quan trắc và giám sát môi trường biển, nhiều đơn vị nghiên cứu đã chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ và kỹ thuật khảo sát, nghiên cứu môi trường biển. Để phục vụ dự báo, đã nghiên cứu ứng dụng và phát triển một số công nghệ cao trong nghiên cứu biển như viễn thám và hệ thông tin địa lý, các mô hình sinh thái biển, lan truyền ô nhiễm biển, các mô hình tương tác biển – khí; lục địa biển; sức tải môi trường biển v.v.
III. NHỮNG TỒN TẠI CƠ BẢN
1.Hạn chế
Bên cạnh các kết quả nổi bật đã đạt được, hoạt động nghiên cứu phục vụ quản lý và bảo vệ môi trường biển còn có những hạn chế cơ bản như sau:
- Chất lượng nghiên cứu chưa đồng đều và hiệu quả ứng dụng chưa cao, còn có những vấn đề quan trọng vẫn nằm trong các mảng trống
Chất lượng nghiên cứu chưa đồng đều và trên thực tế các công trình nghiên cứu có chất lượng cao còn rất hạn chế, mặc dù kết quả nghiệm thu và đánh giá các dề tài phổ biến là loại khá. Chất lượng thấp là vì phần nhiều các nghiên cứu có điều kiện phương tiện và trang thiết bị khảo sát chưa hiện đại, hệ thống chuỗi số liệu khảo sát thiếu đồng bộ và thiếu số lượng cần thiết và thiếu những điều kiện đặc trưng, đặc thù do hạn chế về thời gian thực hiện và kinh phí đầu tư. Do vậy, tính khách quan của các kết luận khoa học chưa cao, hiệu quả ứng dụng thực tiễn chưa cao, ví dụ như vấn đề áp lực môi trường môi trường biển chưa được đánh giá đầy đủ (Môi trường xuyên biên giới, tác động ô nhiễm từ trên lưu vực, ảnh hưởng của các đập thủy điện v.v.); ảnh hưởng tiềm năng của biến đổi khí hậu và dâng cao mực biển. Riêng về nghiên cứu về tác động biến đổi khí hậu và dâng cao mực nước ở Việt Nam còn rất mờ nhạt và thiếu định lượng, chưa tạo ra một nhận thức rõ ràng, xác thực. Vì vậy, có tình trạng cái gì cũng đổ cho biến đổi khí hậu và quên đi trách nhiệm của hoạt động nhân sinh, các giải pháp thích nghi, ứng phó chung chung, thiếu cụ thể và có thể không chuẩn hướng.
-Hoạt động nghiên cứu còn thiếu tính chuyên nghiệp, nội dung nghiên cứu còn thiếu chiều sâu và dàn trải.
Khoa học biển, gồm cả bảo vệ biển được coi là một ngành khoa học có mục đích, đối tượng và phương pháp riêng, đòi hỏi một hệ thống riêng từ đào tạo, tổ chức hoạt động và triển khai nghiên cứu. Việc thực hiện nghiên cứu quản lý và bảo vệ môi trường biển đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, trong khi chúng ta chưa có cơ sở chính thống nào đào tạo chuyên gia về lĩnh vực này và có rất ít cơ quan nghiên cứu chuyên về khoa học biển. Gần đây một loạt đơn vị mới thành lập nghiên cứu về biển, nhưng còn rất thiếu phương tiện, chuyên gia và kinh nghiệm. Trong khi đó, yêu cầu nghiên cứu về lĩnh vực này khá cao, phương thức giao nhiệm vụ cho cơ quan chủ trì phần nhiều là tuyển chọn hơn là chỉ định giao nhiệm vụ. Thực tế là không ít tổ chức, đơn vị không chuyên sâu đã tham gia nghiên cứu lĩnh vực này, rồi sau đó có thể chuyển hướng sang lĩnh vực khác. Do vậy, không ít công trình nghiên cứu thể hiện tính ít chuyên nghiệp, nội dung nghiên cứu thiếu chiều sâu.
Việc thiếu chiều sâu trong các nội dung nghiên cứu còn do cách thức lựa chọn vấn đề, phạm vi không gian và đối tượng nghiên cứu còn dàn trải, nên kết quả khó tránh định hướng chung chung theo bề rộng, thiếu chi tiết và định lượng. Ví dụ, hiện nay nghiên cứu về biến đổi khí hậu có vẻ đang thành một phong trào ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhưng định hướng mục tiêu nghiên cứu đều rất chung chung, thiếu những nghiên cứu chuyên sâu để có những kết quả thuyết phục.
Nghiên cứu chi tiết và định lượng đòi hỏi tính chuyên nghiệp, thiết bị khảo sát và phân tích tốt và kinh phí đầu tư cao. Trong quá trình nghiên cứu, khi có phát hiện vấn đề mới, cần nghiên cứu sâu hơn thì điều kiện tài chính và cơ chế quản lý không cho phép tiếp tục. Khi đề tài đã kết thúc thì vấn đề mới phát hiện rất cần nghiên cứu kỹ hơn ấy bị đóng gói và nếu có đề xuất tiếp thì thường không được chấp nhận vì coi là vấn đề đã được thực hiện rồi. Tập thể khoa học này nếu muốn duy trì, cần phải chuyển sang tham gia tuyển chọn chủ đề nghiên cứu khác và có thể phải tìm hiểu từ đầu. Với cách tiếp cận như vậy, rất khó hình thành các tập thể khoa học mạnh theo chuyên ngành, rất ít khả năng có những nghiên cứu hệ thống theo chiều sâu để có khả năng đạt được hiệu quả ứng dụng thực tiễn cao, đạt được những giải thưởng cao hay có được các công bố ở các tạp chí uy tín của thế giới.
- Không gian và chủ đề nghiên cứu tập trung ở ven bờ, còn rất hạn chế ở hải đảo, vùng biển sâu, biển xa.
VBB liên quan đến 28 tỉnh/thành phố với nhiều hoạt động kinh tế quan trọng mang tầm quốc gia như các cảng biển, khu kinh tế trọng điểm, khu công nghệp và dịch vụ, các vành đai và hành lang kinh tế, nên xứng đáng được đầu tư nghiên cứu. Tuy nhiên, do hạn chế lớn về phương tiện và thiết bị khảo sát, kinh phí đầu tư và cả về trình độ, kinh nghiệm của cán bộ khoa học, các công trình nghiên cứu cho các vùng biển sâu và biển xa còn rất hạn chế, phần nhiều dựa vào tài liệu khảo sát của nước ngoài, hoặc thực hiện được nhờ các chuyến khảo sát hợp tác quốc tế. Vì vậy, một số vấn đề về vùng biển sâu và biển xa thuộc quyền tài phán của ta, nước ngoài có thể có những tài liệu tốt hơn chúng ta. Những hạn chế này, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên, ngăn ngừa phòng chống thiên tai, mà còn hạn chế về khả năng đảm bảo chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
- Thiếu tính chiến lược, chậm chuyển hướng và chưa đủ năng lực để ứng phó với những tình huống bất thường hoặc đột xuất.
Đến nay chúng ta vẫn chưa có một chiến lược về KH&CN biển trong đó có lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường biển đảo. Do vậy, các nhiệm vụ nghiên cứu được đặt ra chưa thật định hướng rõ ràng và thiếu tính hệ thống, mà chủ yếu xuất phát từ các hoàn cảnh, tình huống thực tế, thường chỉ là các nhiệm vụ được xác định theo kế hoạch 5 năm. Vì vậy, khó tránh được có những nhiệm vụ trùng lặp, hoặc cần nhưng lại thiếu và khó có thể phát triển nghiên cứu có định hướng theo quy mô mở rộng hay nâng cao. Trước những biến động phức tạp và suy thoái của môi trường gần đây, các nghiên cứu còn chậm chuyển hướng vào công nghệ dự báo, công nghệ phục hồi hay quy trình quản lý. Nhiều vấn đề mới và cấp thiết nhưng triển khai chậm so với yêu cầu của thực tiễn và trễ khoảng 5- 10 năm so với các nước trong khu vực.
Đôi khi có những nhiệm vụ đột xuất cần giải quyết hoặc những tình huống bất thường cần giải pháp ứng phó, thực tiễn cho thấy, hoạt động nghiên cứu chưa đủ năng lực để ứng phó và giải quyết kịp thời. Ví dụ, vào năm 2007 khi xảy ra tràn dầu quy mô lớn ở vùng bờ biển Việt Nam, câu hỏi về nguồn gốc dầu tràn đã không được giải đáp kịp thời. Đó là biểu hiện rõ hạn chế về cả năng lực quản lý và nghiên cứu, thiếu tài liệu điều tra cơ bản và quan trắc, giám sát môi trường có hệ thống.
2. Một số nguyên nhân cơ bản
- Chậm có một chiến lược phát triển khoa học công nghệ biển, trong đó có lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trườngbiển. Đây là lý do chủ yếu nhất của những hạn chế trong nghiên cứu triển khai và ứng dụng trong lĩnh vực này. Mặc dù có những nhiệm vụ được xác định theo kế hoạc 5 năm, việc chậm có chiến lược hạn chế tầm cỡ, quy mô, trọng tâm, tính liên tục và kế thừa của các nhiệm vụ nghiên cứu và ảnh hưởng đến tiến độ và tiềm lực phát triển của lĩnh vực.
- Đội ngũ cán bộ còn mỏng và trình độ còn hạn chế. Sau nhiều năm hoạt động, đội ngũ khoa học trong lĩnh vực này đã hình thành, nhưng chưa hoàn chỉnh về cơ cấu chuyên môn, hạn chế về cả số lượng và chất lượng, thiếu các chuyên gia có trình độ cao, hầu hết từ đầu không được đào tạo về môi trường biển. Trong nước chưa có được một cơ sở nào đào tạo đạt trình độ cao về lĩnh vực này.
- Cơ sở hạ tầng còn yếu, phương tiện và trang thiết bị nghèo, phần nhiều còn lạc hậu. Với những yêu cầu cơ bản về cơ sở hạ tầng của một nền khoa học công nghệ biển chính quy, hiện đại và chuyên nghiệp, những đổi mới đã có về cơ sở trang bị kỹ thuật rất đáng ghi nhận, nhưng còn xa so với yêu cầu. Còn thiếu một đội tàu khảo sát đúng yêu cầu về số lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể được công nhận quốc tế về chất lượng, độ tin cậy về dữ liệu khảo sát.Các phương tiện và thiết bị nghiên cứu về môi trường biển và hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực kèm theo chưa được đầu tư thích đáng đối với một quốc gia có biển lớn.
- Thiếu nền tảng tài liệu quan trắc, điều tra cơ bản và hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia. Điều tra cơ bản, quan trắc và cơ sở dữ liệu là nền tảng cho nghiên cứu triển khai và ứng dụng. Ở nhiều nước, cơ sở dữ liệu biển được coi là một nguồn tài nguyên quan trọng. Điều tra cơ bản của ta thường đơn lẻ và đơn ngành, thiếu điều tra tổng hợp theo vùng. Mạng lưới quan trắc về môi trường biển còn thưa, ít thông tố và không liên tục, chưa được tin hoạc hóa và tự động hóa. Chúng ta chưa có một cơ sở dữ liệu biển quốc gia, để thống nhất quản lý và đáp ứng yêu cầu sử dụng cho các ngành cũng như trao đổi dữ liệu hải dương quốc tế.
- Đầu tư kinh phí còn hạn chế. Gần đây, đầu tư kinh phí của nhà nước cho lĩnh vực này tăng đáng kể, nhưng còn rất hạn chế so với nhu cầu cho một lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao, cần chuỗi số liệu khảo sát và thực nghiệm dài, đặc trưng cho mùa khí hậu. Nguồn ngân sách chủ yếu từ nhà nước, rất khó xã hội hoá do thiếu cơ chế và các chính sách phù hợp.
- Nguồn: PGS.TS Trần Đức Thạnh - Phó Chủ nhiệm Chương trình KC.09/11-15
0 nhận xét:
Post a Comment