Test Footer 2

 
Ảnh Alos-2 PALSAR chụp đợt lũ tại Quảng Ninh gửi về từ Hệ thống Sentinel Asia


Tai biến lũ lụt ở nước ta là một trong những tai biến thiên tai xếp hàng đầu về phạm vi ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng, tần suất xuất hiện và cũng là loại thiên tai gây thiệt hại lớn nhất về kinh tế, môi trường và xã hội. Ngày nay, nhờ sự phát triển sự phát triển mạnh của công nghệ viễn thám đã đem lại rất nhiều hiệu quả trong nghiên cứu tai biến tự nhiên và hỗ trợ thông tin nhanh phục vụ cảnh báo và giám sát các hiện tượng bão lũ. Mới đây nhất là đợt lũ lụt tại khu vực tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Giám sát tài nguyên môi trường và thiên tai - Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã chủ động kích hoạt hệ thống hỗ trợ quản lý thiên tai châu Á Thái bình dương (Sentinel Asia) với mức ưu tiên khẩn cấp đã góp phần cảnh báo và giảm thiểu thiệt hại đáng kể do lũ lụt gây ra trên địa bàn tỉnh.
 
Hỗ trợ thông tin nhanh phục vụ cảnh báo, giám sát lũ lụt tại Quảng Ninh
Theo Trung tâm Giám sát tài nguyên môi trường và thiên tai, ngay sau khi nhận được thông tin về tình hình mưa lũ ở Quảng Ninh diễn biến phức tạp, đầu mối đặt tại Trung tâm đã chủ động kích hoạt hệ thống Sentinel Asia với mức ưu tiên khẩn cấp và đã được cơ quan quản lý Sentinel Asia đưa vào kế hoạch quan trắc nên đã tích cực hỗ trợ thông tin nhanh chóng phục vụ cảnh báo và giám sát lũ lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các vùng ưu tiên đặt chụp ảnh Rada để quan trắc gồm khu vực TP.Hạ Long, khu vực huyện Vân Đồn và khu vực tỉnh Lạng Sơn. Ngày 31/7/2015 Trung tâm đã nhận được tổng số 9 cảnh ảnh Alos-2  PALSAR trong đó 6 cảnh chụp trước khi lũ (11h45` ngày 19/7) và 3 cảnh chụp sau khi lũ xảy ra (11h45’ ngày 31/7). Nhờ vậy, các tư liệu nhận được đã được xử lý và phân tích chiết tách thông tin vùng bị ngập nước, khoanh vùng nước ngập sâu, góp phần thông tin kịp thời cho địa phương để sớm có phương án hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau lũ.
Tính ưu việt của Hệ thống Sentinel Asia
Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của thiên tai, bão, lũ cũng như biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Việt Nam là một trong 25 quốc gia thành viên của diễn đàn không gian Châu Á Thái Bình Dương nhằm tăng cường trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ của các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt là Hệ thống hỗ trợ quản lý thiên tai châu Á Thái bình dương (Sentinel Asia) là một trong những dự án về quan trắc, chia sẻ và hỗ trợ thông tin nhanh phục vụ cảnh báo và giám sát các hiện tượng bão lũ và thiên tai trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Hệ thống xây dựng mạng lưới các cơ quan thu nhận ảnh vệ tinh, cơ quan xử lý ảnh và các cơ quan ứng dụng dữ liệu ảnh phục vụ cho nhiệm vụ cảnh báo sớm (gần thời gian thực) và giám sát thiên tai ở các nước và các tổ chức thành viên. Trong trường hợp có thiên tai xảy ra hệ thống sẽ được kích hoạt bởi các cơ quan đầu mối của các nước thành viên và dữ liệu ảnh viễn thám sẽ được lên kế hoạch thu nhận và chia sẻ giữa các cơ quan không gian và cơ quan quản lý về thiên tai thông qua cổng thông tin Web-GIS và qua trạm thông tin vệ tinh mặt đất WINDS-VSAT trong trường hợp khẩn cấp.
 
Giao diện của Hệ thống  Sentinel Asia
Với những ưu điểm về độ bao phủ không gian rộng lớn, chu kỳ thu nhận dữ liệu ngắn, mức độ chi tiết cao (ảnh vệ tinh độ phân giải cao và siêu cao), sử dụng các dải phổ đặc biệt khác nhau để quan trắc các đối tượng… công nghệ viễn thám đang trở thành công nghệ chủ đạo cho quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi truờng và thiên tai hiện nay trên thế giới.
 
Theo Huyền Trang-monre.gov.vn 
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment