Test Footer 2

Quảng Nam: Dự án nạo vét sông khiến dân khốn đốn

(TN&MT) - Dự án nạo vét sông Cổ Cò để khơi thông dòng chảy nhằm kết nối TP. Đà Nẵng và TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) bằng đường thủy được triển khai từ 2013-2015. Tuy nhiên, gần đây ở hợp phần đoạn qua phường Cẩm An (TP. Hội An) lượng cát hút lên được địa phương tận dụng bồi đắp xây dựng khu dân cư Làng Chài đã gây ô nhiễm và làm hàng loạt lồng cá nuôi của hàng chục hộ dân trên đoạn sông này có nguy cơ mất trắng.

Hàng chục hộ dân nuôi lồng bè cá trên sông Cổ Cò điêu đứng vì ô nhiễm
 
Khơi thông sông, gây ô nhiễm
 
Sông Cổ Cò chảy dài dọc theo đường bờ biển nối sông Hàn với sông Thu Bồn, khu vực hai bên sông là trục kết nối giữa Đà Nẵng và Hội An. Do bị bồi lấp, cuối năm 2012 lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng quyết định triển khai Dự án nạo vét, khôi phục sông Cổ Cò và đầu tư phát triển đô thị, du lịch sinh thái có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng để khai thác, phát triển du lịch đường sông Đà Nẵng – Hội An. Tuy nhiên, từ khi dự án nạo vét sông Cổ Cò tận thu cát san lấp mặt bằng khu tái định cư Làng Chài đã dẫn đến tình trạng dòng sông bị ô nhiễm do bùn đất và phèn gây ra khiến các hộ dân khối phố Tân Thịnh, phường Cẩm An, TP. Hội An vô cùng bức xúc.
 
Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống, thực trạng này còn ảnh hưởng đến sinh kế của các hộ nuôi thả cá lồng bè và chài lưới dọc bờ sông. Nguồn nước bị ô nhiễm, cá trong các lồng bè nuôi bị chết cùng với đó là nguồn cá trên sông cũng cạn kiệt dẫn đến nghề chài lưới của người dân gặp nhiều khó khăn. Bức xúc, các hộ dân đã viết đơn phản ánh lên các cơ quan chức năng TP. Hội An nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi, giải đáp.
 
Trong khi đó, các máy hút cát trên sông vẫn hoạt động
 
 
Ông Lê Hạ (người dân tổ 1, khối phố Tân Thịnh, Cẩm An) than phiền, bao đời nay người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề chài lưới trên sông Cổ Cò nhưng từ khi dự án hút cát diễn ra đã làm ảnh hưởng đến môi trường môi sinh của cá, người dân hết kế sinh nhai. Việc nuôi cá trong lồng bè cũng gặp khó khăn do nước bị bùn đục, cá chết hoặc không lớn nổi. “Ngày trước, cá từng đàn, mỗi buổi vợ chồng ông bắt cũng được hơn chục kg. Bây giờ, việc hút cát gây ô nhiễm, tôm cá thưa thớt dần, có bữa chết nổi trắng một góc sông. Người dân sinh sông khu vực này không có ruộng nương, sống chỉ phụ thuộc vào con sông này, nên thành phố phải tính toán giải quyết đời sống cho bà con, nếu không được thì hãy ngừng hút, trả lại sông yên tĩnh để chúng tôi làm ăn” - ông Hạ bức xúc.
 
Bà Phạm Thị Hùng (người dân tổ 1, khối phố Tân Thịnh) cho biết thêm, những năm trước nhà bà thả 3 lồng cá trên sông mỗi năm thu được vài chục triệu đồng, nhưng từ khi việc hút cát diễn ra khiến nước sông ô nhiễm thì không thể nuôi cá lồng được, kinh tế gia đình càng thêm khó khăn. “Chồng tôi mới mất, thân góa bụa như tôi chỉ trông chờ vào 3 bè cá nhưng bây giờ sông ô nhiễm không làm chi được, tết nhất thì đến nơi rồi, chỉ mong các cấp lãnh đạo thành phố xem xét giải quyết” - bà Hùng nói. Sự việc càng khiến cho người dân thêm bức xúc khi cùng chịu ảnh hưởng như nhau nhưng những hộ dân tại tổ 2 và tổ 4 (nơi đặt máy hút cát) thì được hưởng mức hỗ trợ với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng mỗi hộ, trong khi  ba tổ 1, 7, 8 cách điểm hút cát khoảng 100m thì không được hỗ trợ!
 
Những vòi cát đen ngòm từ lòng sông được hút lên xả thành bãi bồi đắp nền cho khu dân cư Làng Chài
 
 
Chờ… kết quả xét nghiệm nước
 
Quan sát tại hiện trường có thể nhận thấy cát được máy hút bơm thẳng từ lòng sông lên xả thành bãi bồi đắp nền cho khu dân cư Làng Chài nhưng không được xử lý nên nước lắng và bùn bẩn lại thấm chảy ngược xuống sông đã gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Huệ - Trưởng khối phố Tân Thịnh cho hay, không phải đến bây giờ vấn đề ô nhiễm sông Cổ Cò mới được phản ánh mà từ năm 2013 người dân cũng đã làm đơn kiến nghị lên phường và thành phố, việc hút cát dừng một thời gian nay lại tiếp tục.
 
Theo ông Trương Văn Bay – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, dự án nạo vét sông Cổ Cò tận thu cát san lấp mặt bằng phân khu tái định cư Làng Chài đã được thành phố hoàn thành xong giai đoạn 1 vào năm 2013. Trước đây khi dự án mới triển khai, người dân cũng đã phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường, môi sinh, ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng trên sông. Thành phố đã chỉ đạo Ban quản lý dự án, Phòng Kinh tế và các ban ngành liên quan mời đại diện người dân đến chứng kiến lấy mẫu nước để kiểm tra. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm đều khẳng định chất lượng nước không ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá. Thời gian qua, trước những thông tin phản ánh của người dân, thành phố cũng đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tiếp tục lấy mẫu nước xét nghiệm và đang chờ kết quả. “Người dân hãy bình tĩnh, nếu thực sự có thiệt hại cho dân thì thành phố sẽ tính toán bồi thường, hỗ trợ vì đây là việc chung chứ không phải của riêng ai” - ông Bay cho biết.
 
Ông Bay cũng khẳng định, thành phố chưa hỗ trợ cho việc nuôi cá lồng chết mà chỉ hỗ trợ các phương tiện đánh bắt trong phạm vi bị ảnh hưởng do hút cát vì những dụng cụ này đã được người dân đặt cố định dưới sông, nay phải di dời nên ảnh hưởng đến sinh kế người dân. “Tôi khẳng định là thành phố mới chỉ hỗ trợ người dân tổ 2, tổ 4 những thiệt hại về phương tiện đánh bắt thủy sản đặt cố định ở khu vực hút cát như chươm, rớ, đáy… vì khi hút cát làm ảnh hưởng đến việc đánh bắt cá của họ chứ thành phố chưa hề hỗ trợ về việc cá chết trong lồng vì phải khảo sát xem xét có phải do nước ô nhiễm gây ra hay không. Còn những lý do người dân đưa ra đòi hỗ trợ về việc đánh bắt thủy sản trên sông sụt giảm do ô nhiễm, thành phố không đồng ý giải quyết vì không có cơ sở” - ông Bay khẳng định.
 
Cát bùn hút lên nhưng không được xử lý mà lại thấm chảy ngược lại xuống sông đã gây ô nhiễm nghiêm trọng
 
 
Dự án nạo vét sông Cổ Cò với mục đích hồi sinh một dòng sông đẹp và thơ mộng như vốn có của nó sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho hai địa phương Đà Nẵng và Hội An và cho toàn vùng nhất là khai thác du lịch, dịch vụ. Do đó, để tạo được sự đồng thuận chung, nên chăng các cơ quan chức năng liên quan của TP. Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung cần có sự tìm hiểu, thẩm tra kỹ lưỡng thực trạng ô nhiễm mà các hộ dân phản ánh. Từ đó, đưa ra những giải pháp ngăn chặn ô nhiễm để giảm thiểu thiệt hại cho người dân./.
 
Bài & ảnh: Lan Anh – Quỳnh Anh-tainguyenmoitruong
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment