Là nước nằm trên đầu nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc có lợi ích tuyệt đối từ khai thác thủy điện. Đến nay Trung Quốc đã hoàn thành và đưa vào vận hành 6 đập thủy điện trên sông Lan Thương – tên gọi sông Mê Kông trên lãnh thổ Trung Quốc. Từ khi các dự án thủy điện trên dòng Lan Thương được vận hành, nhiều nghiên cứu khoa học đã được thực hiện nhằm đánh giá tác động tới hạ lưu vực. Dưới đây là một vài kết luận chính từ nghiên cứu “Tác động môi trường-xã hội của các đập trên dòng Lan Thương” của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, xin được giới thiệu tới độc giả.
Biến động lưu lượng dòng chảy
Hai đập thủy điện Tiểu Loan và Nọa Trát Độ là hai đập có bể chứa lớn, được điều tiết hàng năm, trong khi tất cả các đập khác chỉ có dung tích bể chứa điều tiết hạn chế theo mùa. Mùa mưa hàng năm (từ tháng 5 đến tháng 10), các con đập trên sông Lan Thương hoạt động ở mức công suất trung bình để cung cấp điện và chỉ xả nước nếu lượng nước vượt quá mức bình thường. Vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4), khi lượng nước đầu vào giảm, Tiểu Loan và Nọa Trát Độ sẽ xả nước xuống cho các đập hạ lưu để chúng có thể hoạt động hết công suất.
Một loạt các nghiên cứu kết luận rằng các đập trên sông Lan thương sẽ khiến lưu lượng dòng chảy giảm vào mùa mưa và tăng vào mùa khô. Vì sông Lan Thương đóng góp 45% lượng nước cho sông Mê Kông trong mùa khô, các tác động của việc thay đổi dòng chảy đối với các nhánh hạ lưu chắc chắn là rất lớn, có thể tăng tới hơn 100% lưu lượng dòng chảy ở Chiang Saen (Thái Lan).
Sự gia tăng mực nước vào mùa khô sẽ làm giảm diện tích đất trồng trọt ven bờ sông và các hoạt động nông nghiệp theo mùa khác. Mất đất canh tác, cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người làm nông nghiệp ven sông Mê Kông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngược lại, vào mùa mưa, lượng nước ở Chiang Saen giảm khoảng 30% do đập Lan Thương trữ nước và điều tiết các bể chứa. Điều này sẽ làm giảm diện tích vùng ngập nước cũng như nguồn phù sa màu mỡ cho đất.
Số lượng và thành phần loài cá suy giảm
Khi các đập ở trung lưu sông Lan Thương được xây dựng và đi vào hoạt động, các tác động tích lũy của các con đập có thể ảnh hưởng ít nhất ở phạm vi hàng trăm kilomet xuống khu vực hạ lưu. Đơn cử, sau khi đập Đại Triều Sơn đi vào hoạt động, nhiệt độ nước trung bình hàng ngày tại Chiang Saen giảm và gia tăng biên độ dao động nhiệt độ nước trong một năm. Điều này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và hoạt động di cư của các loài cá. Hơn nữa, các thành phần loài của tảo và vi sinh vật, nền tảng của chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái thủy sinh, cũng có thể bị thay đổi.
Các con đập không chỉ thay đổi dòng chảy và nhiệt độ mà còn chặn đường di cư của cá, một yếu tố quan trọng trong quá trình sinh sản. Mặc dù đến nay chưa có ghi chép về quy mô cá di cư từ hạ lưu lên thượng lưu sông Mê Kông, song người ta đã ghi nhận loài cá tra kiếm ăn và đẻ trứng trên sông Buyuan, một nhánh của Lan Thương giữa đập Cảnh Hồng và đập Mãnh Tòng. Những loài cá khác như cá chép, cá leo, cá lăng nha có thể cũng di cư từ hạ lưu lên thượng lưu sông Mê Kông. Do chưa có dữ liệu nền, việc đánh giá tác động của 6 con đập đang hoạt động đối với các loài cá di cư giữa thượng lưu và hạ lưu sông Mê Kông hiện nay còn khó khăn.
Số lượng và thành phần các loài cá địa phương đã có những thay đổi kể từ khi đập Mãn Loan được xây dựng. Trong khi cá tầng đáy thích nghi hơn với điều kiện chảy nhanh, các loài cá sống ở tầng giữa đã giảm đáng kể do mất môi trường sống, khu vực sinh sản và thức ăn. Số lượng cá cỡ lớn cũng đã giảm, nhường chỗ cho các loài cá có kích thước trung bình và nhỏ.
Bên cạnh đó, do hoạt động nuôi trồng thủy sản địa phương, hiện nay trên dòng sông có thể thấy sự tồn tại của cả các loài cá bản địa và cá ngoại lai ở khu vực các hồ chứa. Một số loài cá ngoại lai đã trở thành loài ưu thế dẫn đến việc sụt giảm số lượng cá bản địa. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu dự đoán sẽ có sự thay đổi số lượng và thành phần loài cá rõ rệt hơn ở khu vực trung và hạ lưu sông Lan Thương.
Bồi đắp phù sa giảm
Một số nghiên cứu đã nhận định rằng một nửa trầm tích ở hạ lưu sông Mê Kông bắt nguồn từ lưu vực sông Lan Thương, vào khoảng 80*106 tấn/năm. Bằng các phương pháp đo lường và phân tích khác nhau về trầm tích giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông, lượng trầm tích ước tính mà đập Mãn Loan giữ lại chiếm tới 53% đến 94%.
Lượng trầm tích bồi đắp cho hạ lưu giảm không chỉ gây ra hiện tượng xói lở bờ sông mà còn làm giảm lượng phù sa, tăng xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng. Theo một số nghiên cứu, tác động lưu trữ trầm tích của đập Mãn Loan tác động tới cả Viêng Chăn, Lào. Trong khi đó, Mãn Loan chỉ là một trong bốn đập tương đối nhỏ hơn nằm trên hạ lưu của Lan Thương so với hai con đập khác lớn gấp ba lần Mãn Loan cả về công suất và chiều cao đập. Khi tất cả sáu con đập cùng vận hành, trầm tích chảy xuống khu vực hạ lưu sẽ càng giảm thêm và tác động của nó sẽ nghiêm trọng và có quy mô rộng hơn xuống khu vực hạ lưu.
Tất cả những thay đổi về thủy văn, thủy sản và trầm tích… mà các con đập trên sông Lan Thương gây ra không chỉ làm biến đổi dòng sông mà còn tác động sâu rộng lên hàng triệu người dân sống phụ thuộc vào nguồn lương thực và sinh kế mà dòng sông mang lại, tạo ra những thách thức lớn về an ninh lương thực.
Theo Trần Hiền/Vanhien.vn, 11/2014
0 nhận xét:
Post a Comment