Test Footer 2

Tăng cường liên kết bảo vệ hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL

(TN&MT) - ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng, vùng nước ngọt, lợ, mặn đan xen nhau, đồng thời đây là khu vực duy nhất tiếp giáp biển Đông và biển Tây với bờ biển dài trên 750km, diện tích rừng khoảng 347.500ha thuận lợi trong việc khai thác lâm hải sản, góp phần bảo vệ môi trường trong khu vực. Tuy nhiên, hệ sinh thái ven biển của ĐBSCL đang phải đối mặt với các mối đe dọa bởi tác động của BĐKH và cần thiết phải có giải pháp thực sự hiệu quả để thích ứng kịp thời.
 
Liên kết trong quy hoạch quản lý tổng hợp vùng ven biển…
 
Các nghiên cứu chính thức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho thấy hiện nay một số khu vực ven biển đang bị xâm thực khoảng 30m/năm; rừng ngập mặn dọc theo bờ biển bảo vệ đất liền khỏi ảnh hưởng của bão, lũ, con người tàn phá… hiện đang bị suy giảm nghiêm trọng; mức độ gia tăng xâm nhập mặn dẫn đến tình trạng đất nhiễm mặn, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp...
 
 
Mô hình "đồng quản lý rừng" tại ấp Âu Thọ B, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã phát huy được ý thức của người trong việc bảo vệ rừng ven biển, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế
 
Một trong những định hướng có tính giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với BĐKH ở BĐSCL là tăng cường liên kết trong quy hoạch quản lý tổng hợp vùng ven biển, tiếp cận và giải quyết các vấn đề về BĐKH theo vùng, không theo từng tỉnh đơn lẻ... Điều này đúc kết từ kinh nghiệm hiệu quả ở các nước Hà Lan, CHLB Đức, Úc được các đại biểu thảo luận, nghiên cứu, để suất lồng ghép và ứng dụng vào các quy trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL theo hướng bền vững – tại Hội thảo “Đối thoại chính sách về quản lý môi trường bền vững ven biển vùng ĐBSCL” thuộc Chương trình ICMP/CCCEP, diễn ra gần đây, tại Sóc Trăng.
 
Hiệu quả các giải pháp thực hiện trên cơ chế liên kết đã được dẫn chứng bằng thực tiễn triển khai Chương trình Quản lý Tổng hợp vùng Ven biển (ICMP) giúp khắc phục các thách thức tác động từ BĐKH, nước biển dâng, cụ thể là việc củng cố vùng bờ tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Ghi nhận bước đầu cho thấy: Chương trình đã góp phần tích cực xây dựng các giải pháp kỹ thuật giúp đường bờ biển dịch chuyển thêm ra phía biển 180m, giành lại đất phục hồi rừng ngập mặn. Hỗ trợ nông dân áp dụng các kỹ thuật mới trong ứng phó BĐKH, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường, như: phương pháp canh tác lúa cải tiến, giúp giảm 30% lượng nước và thuốc bảo vệ thực vật; biện pháp hỗ trợ các hộ nuôi tôm sinh thái thân thiện với môi trường, tiếp cận thị trường quốc tế...
 
Giải pháp hiệu quả đã định hình từ thực tiễn…
 
Thực tế tại tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2007, Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật của Cộng hòa Liên Bang Đức (GTZ) tài trợ Dự án “Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển tỉnh Sóc Trăng”. Đây là dự án nhằm cung cấp những giải pháp thử nghiệm để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh giữa phát triển kinh tế và quản lý một cách bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dự án này cũng bao gồm những hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách tập trung vào đa dạng hóa cách thức kiếm sống của người dân nghèo và công tác quản lý rừng ngập mặn.
 
 
Hàng chục ha cây bần được trồng từ chục năm qua trong rừng phòng hộ ven biển tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đã bị tàn phá hồi đầu năm 2014
 
Theo Tiến sĩ Klaus Schmitt, Cố vấn trưởng Dự án GTZ tại Sóc Trăng: Dự án sẽ thử nghiệm nhiều cách thức trồng rừng ngập mặn khác nhau để bắt chước thiên nhiên, hoặc mô phỏng những mô hình khoanh nuôi tái sinh tự nhiên thành công. Dự án áp dụng thí điểm các phương pháp trồng rừng mới nhằm tạo ra các khu rừng ven biển đa dạng cả về cơ cấu loài cũng như tăng khả năng thích ứng đối với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Vì thế, Dự án đã khởi động một nghiên cứu chi tiết do Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng phía Nam tại thành phố HCM thực hiện để phân tích những nguyên nhân thành công và thất bại của việc trồng rừng trong quá khứ. Căn cứ vào những bài học từ thực tiễn, trong nước và quốc tế, Dự án đã xây dựng một báo cáo chi tiết về lịch sử rừng ngập mặn ở Sóc Trăng từ 1965 đến 2008. Ngoài những phương pháp trồng rừng truyền thống, Dự án còn bao gồm những thử nghiệm các biện pháp tiếp cận mới bắt chước thiên nhiên và các biện pháp khác nhằm chuyển các khu rừng mới trồng thành các khu rừng đa dạng (về tầng và loài) với sức chống chịu tốt hơn...
 
 
Hệ sinh thái ven biển ĐBSCL đang bị tác động mạnh do sạt lở, xâm mặn
 
Dự án của GTZ đã thực hiện thí điểm một số kỹ thuật trồng, khôi phục rừng ở một vài khu vực trong địa bàn huyện Vĩnh Châu – địa bàn có trên 3.560 ha rừng và đất rừng ngập mặn ven biển. Bước đầu, được UBND huyện Vĩnh Châu, đánh giá góp phần tích cực bảo vệ và phát triển được vốn rừng có thể sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cả về kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân địa phương và trong khu vực. Điển hình là mô hình “Đồng quản lý” tại ấp Âu Thọ B, người dân đã chuyển biến rất tốt về hành vi cùng phối hợp bảo vệ môi trường, ý thức tự giác cao trong việc đồng quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Dự án đã triển khai.
 
Cần tăng cường liên kết, phối hợp để phát huy hiệu quả…
 
Hiệu quả nổi bật các giải pháp từ Chương trình ICMP/CCCEP đem lại, là đã giúp các địa phương như: Sóc Trăng và Bạc Liêu có khoảng 99% bờ biển không còn chịu tác động trực tiếp của sóng biển; phục hồi 603ha rừng ngập mặn; giới thiệu 22 mô hình sinh kế, giúp giảm áp lực môi trường và tăng 60% thu nhập cho 8.500 gia đình... Theo ông Dương Quốc Xuân - Phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nếu được kết hợp với các giải pháp bảo vệ vùng bờ khác, những đai rừng này là giải pháp tốt nhất để bảo vệ, chống lại ảnh hưởng bão, lụt, tạo nền tảng để các địa phương phối hợp thực hiện kế hoạch bảo vệ tổng hợp vùng bờ ĐBSCL.
 
Ông Xuân, nói: “Các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đã và đang thực hiện chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm thích ứng với BĐKH. Chương trình ICMP/CCCEP đóng góp tích cực trong quản lý các hệ sinh thái ven biển, phục hồi và giảm thiểu tổn hại; hỗ trợ nâng cao nhận thức về môi trường, xây dựng một số mô hình, tạo sinh kế bền vững. Thời gian tới, các địa phương trong khu vực cần tranh thủ sự hỗ trợ, tăng cường liên kết, phối hợp để phát huy hiệu quả chương trình”.
 
Được biết, trong giai đoạn 2 (2014 – 2017), Chương trình ICMP/CCCEP sẽ tập trung thể chế hóa và nhân rộng các giải pháp nhằm tác động toàn diện trên quy mô lớn hơn tại vùng ĐBSCL.
 
Bài & ảnh: Hùng Minh
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment