Ngày 21/8, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh tổ chức hội thảo “Chuẩn bị tham vấn dự án thủy điện Don Sahong trên dòng chính sông Mê Kông.”
Tham dự hội thảo có đông đảo các nhà khoa học từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học, Ủy ban Hợp tác sông Mê Kông của Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, mục tiêu của hội thảo là nhằm cung cấp thông tin và cập nhật về tiến trình, các chính sách có liên quan tới phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông; hỗ trợ cho các bên có liên quan tại Đồng bằng sông Cửu Long tham gia có hiệu quả vào quá trình tham vấn thủy điện Don Sahong.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học trình bày các nội dung như cập nhật quá trình phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông từ Xayaburi tới Don Sahong; quy trình thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận của dự án thủy điện Xayaburi; các vấn đề đánh giá tác động môi trường của đập Don Sahong; quá trình tham vấn dự án thủy điện Xayaburi…
Các đại biểu còn thảo luận về hoạt động tham vấn cần được tổ chức như thế nào, các bên liên quan tại Đồng bằng sông Cửu Long nên tham gia quá trình tham vấn dự án thủy điện Don Sahong như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên chuyên trách, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết nếu cả 12 dự án thủy điện được tiến hành trên thượng nguồn sông Mê Kông thì 55% tổng chiều dài của sông sẽ biến thành các hồ chứa nước lớn. Vùng hạ lưu, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu hiểm họa về môi trường.
Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp của vùng sẽ bị nhiễm mặn, các hệ thống canh tác và hệ sinh thái đất ngập nước bị đảo chiều.
Nhiều cư dân trong vùng, nhất là nông dân sẽ bị mất đất sản xuất và buộc phải di dời. Cả vùng nước ngọt và nước mặn sẽ bị biến thể, tác động đến nguồn sinh kế của khoảng hơn 30 triệu dân, sản lượng lương thực suy giảm và nhiều loài sinh vật đặc hữu của vùng sẽ bị tuyệt chủng.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – thuộc Trường Đại học Cần Thơ, đập Don Sahong là dự án thủy điện thứ hai trên sông Mê Kông nằm trên đất nước Lào.
Các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông có thể làm tuyệt diệt giống cá da trơn và các loài cá di cư khác trên sông Mê Kông, làm giảm nhiều loài cá đặc hữu ở vùng hạ nguồn.
Các dự án thủy điện trên sông Mê Kông sẽ đe dọa mất cân bằng nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và suy giảm hệ sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập sông Mê Kông là một trong những dòng sông vĩ đại nhất thế giới với nguồn tài nguyên thiết yếu cho khu vực, duy trì sinh kế, sức khỏe, văn hóa của hàng triệu người.
Toàn vùng sẽ chịu ảnh hưởng của các quyết định về sự phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.
Vì vậy, các quyết định phải dựa trên các nghiên cứu nghiêm túc và công nghệ được kiểm chứng, có sự tham vấn với các chính phủ và các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Theo Ngọc Thiện/TTXVN, 21/08/2014
0 nhận xét:
Post a Comment