Test Footer 2

Tiềm năng tài nguyên vị thế đới bờ châu thổ sông Cửu Long

Đới bờ biển là khu vực chuyển tiếp giữa lục địa và biển, được đặc trưng bởi các quá trình tương tác trực tiếp và mạnh mẽ giữa phần lục địa và biển, giữa nước ngọt và nước mặn và các sự tương tác chặt chẽ   giữa các hệ sinh thái khác nhau. 
  Đới bờ châu thổ sông Cửu Long được chia thành 2 phần gồm: bờ phía Đông có các huyện ven biển kéo dài từ Bến Tre đến Cà Mau, bờ phía Tây là phần ven biển kéo dài từ Cà Mau đến Kiên Giang. Đây là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đặc biệt có nguồn tài nguyên vị thế là những giá trị và lợi ích có được từ vị trí địa lý và các thuộc tính về cấu trúc, hình thể sơn văn và cảnh quan, sinh thái của một không gian, có thể sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và chủ quyền quốc gia.   
  Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Tưởng, Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển bền vững, đới bờ châu thổ sông Cửu Long có tiềm năng vị thế hết sức to lớn. Vùng cửa sông là các cửa sông của hệ thống sông Cửu Long và các sông nội địa như: Gánh Hào, Ông Đốc... Đây là những vùng tập trung dân cư đông đúc, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ như giao thông vận tải, nuôi trồng và chế biến thủy sản, công nghiệp đóng tàu thuyền... và các hoạt động du lịch dịch vụ khác.   
  Vũng, vịnh đới bờ châu thổ sông Cửu Long là một phần của biển ven bờ lõm vào lục địa hoặc do đảo chắn thành một vũng nước nửa khép kín như: Vịnh Rạch Giá, Cây Dương, Ba Trại; vũng Trâu Đằm. Đây là vùng vị thế địa kinh tế quan trọng đối với dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng biển, giao thông biển, nơi trú bão của tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái...   
  Các đảo và quần đảo ven bờ, trong đó có các đảo lớn như: Phú Quốc, Hòn Khoai, quần đảo Nam Du, có vị thế rất lớn trong hoạt động phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, cầu cảng, giao thông vận tải... Đảo còn có vai trò to lớn trong khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái đặc trưng vùng đới bờ châu thổ sông Cửu Long như trở thành các vườn quốc gia, bảo tồn thiên nhiên biển – đảo. Đặc biệt là Phú Quốc đã trở thành khu kinh tế biển đảo trọng điểm của Việt    Nam  .    
  Các đảo ven bờ đới bờ châu thổ sông Cửu Long có tài nguyên du lịch phong phú và đặc sắc với nhiều thắng cảnh nổi tiếng, nhiều bãi tắm đẹp, hệ sinh thái đảo biển đa dạng với nhiều loài đặc hữu và quý hiếm được bảo vệ tốt trong các vườn quốc gia và khu bảo tồn biển, có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, nhất là các di tích cách mạng đặc biệt trên Côn Đảo và Phú Quốc.   
  Ngoài các giá trị kinh tế, các cụm đảo này có lợi ích đặc biệt đối với an ninh quốc phòng, lợi ích quan trọng đó là hoạch định đường biên giới biển, cũng như xác định, phân chia vùng chồng lấn với các nước láng giềng.    
  Do vậy, việc phát huy tiềm năng tài nguyên vị thế các đảo biển, cửa sông, vũng vịnh ven bờ biển sẽ đáp ứng được nhu cầu lâu dài cho phát triển nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng và chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển. Việc lồng ghép sử dụng hợp lý không gian biển mà kinh tế cảng, dịch vụ là trọng tâm với bảo vệ môi trường, bảo tồn tự nhiên và phát huy các giá trị văn hóa, khoa học và giáo dục cùng với quản lý và quy hoạch tốt sẽ giúp giải quyết mâu thuẫn trong sử dụng tài nguyên vị thế biển hiệu quả.
Theo TN - MT
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment