Test Footer 2

Rừng ngập mặn bảo vệ vững chắc trước sóng biển

Vfej.vn)-Qua những trận bão vừa qua tác động đến Việt Nam và các nước trên thế giới, một điều rõ ràng rằng rừng ngập mặn đã bảo vệ các khu vực ven biển vững chắc hơn bất cứ công trình bê tông nào trước sức tàn phá của nước mặn và sóng biển - Phó Chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia về Biến đổi Khí hậu khẳng định.


Theo ông Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng – Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, tổng diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam vào khoảng 200.000 ha, đứng khoảng thứ 2 hoặc thứ 4 nước có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất trên toàn cầu.
 

Gần đây Việt Nam cũng đã có những chương trình thực hiện rà soát diện tích rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu (Ảnh: Mạnh Cường)
Tuy nhiên, cùng với sự đe dọa của biến đổi khí hậu (BĐKH), nguyên nhân suy giảm rừng ngập mặn là do nạn phá rừng ngập mặn và đắp bờ kè làm đầm nuôi trồng thủy sản; gió bão, sóng biển tàn phá rừng sụt lở; khai thác quá mức gỗ, củi rừng ngập mặn và tài nguyên; ô nhiễm môi trường; và chính sách chưa khuyến khích.
“BĐKH đang đe dọa rất mạnh mẽ, rất lớn đến rừng ngập mặn”, theo ông Dựng, “Điển hình là khoản 20 năm trước ở tỉnh Bến Tre chỉ có một số xã bị nhiễm mặn thì nay chỉ có một số xã không bị nhiễm mặn.”
 
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn&Biến đổi Khí hậu, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia về Biến đổi Khí hậu: Các nghiên cứu cho Việt Nam cũng đã khẳng định, biến đổi khí hậu đã và đang tác động nặng nề đến Việt Nam và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Rừng ngập mặn mang lại giá trị to lớn
Bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, rừng ngập mặn còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường. Rừng ngập mặn có khả năng hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm.
Nhận thức được vai trò quan trọng của rừng ngập mặn nên khoảng 10 năm nay, Quảng Ninh, Hải Phòng, và Nam Định đã quan tâm bảo vệ nên diện tích rừng ở các tỉnh này đang gia tăng, bảo vệ đê, đời sống và phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản.
Rừng ngập mặn mang lại các giá trị và dịch vụ to lớn cho đời sống, là vườn ươm và phát triển của nhiều loài thủy hải sản, cung cấp dược liệu, chất đốt, nguyên liệu cho công nghiệp, tạo cảnh quan cho du lịch và tham quan học tập, là tấm lá chắn phòng hộ vùng ven biển và lá phổi xanh hấp thụ khí các-bon-nic điều tiết nhiệt độ và khí hậu...
Một nghiên cứu cho thấy thu nhập ở một xã từ rừng ngập mặn nằm trong khoảng từ 35 – 50%. Thậm chí một xã ở huyện Cần Giờ thì đến 60 – 70%. Một km2 rừng ngập mặn có thể cung cấp lượng đánh bắt khoảng 450 kg hải sản ở đồng bằng sông Cửu Long – theo bà Trần Thị Hoa, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển&Phát triển Cộng đồng.
Những kết quả từ nghiên cứu ở huyện Giao Thuỷ (tỉnh Nam Định) cho thấy, người dân địa phương trong các khu vực rừng ngập mặn sử dụng thuỷ sản trong bữa ăn 20-30 lần mỗi tháng, trong đó 42 - 48% là thuỷ sản đánh bắt được từ bãi triều và rừng ngập mặn. Bình quân một phụ nữ làm nghề khai thác thủ công nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở khu vực rừng ngập mặn có được thu nhập từ 35-40 triệu đồng/năm.
Với rất nhiều nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, diện tích rừng ngập mặn tương đối ổn định trong 10 năm qua. Ở một số tỉnh, độ che phủ rừng ngập mặn thậm chí còn tăng lên như ở tỉnh Nam Định. Các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế cộng đồng, đã góp phần nhất định vào thành công đó mà điển hình là mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ở Giao Thủy (Nam Định), Cát Bà (Hải Phòng), Cần Giờ (TP.HCM), Hậu Lộc (Thanh Hóa).
Tuy nhiên, các mô hình quản lý và phát triển rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng do các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ vẫn còn chưa nhiều, chưa được thể chế hóa vào các chương trình của địa phương và chính phủ. Cơ chế của mỗi mô hình khác nhau, nên việc khái quát hóa và nhân rộng còn gặp nhiều khó khăn.
“Khả năng chống chịu và hồi phục của vùng ven biển phụ thuộc rất lớn vào năng lực của cộng đồng dân cư và tình trạng của các hệ sinh thái biển và ven biển, trong đó rừng ngập mặn giữ vai trò rất quan trọng”, bà Hồ Thị Yến Thu, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), đồng sáng lập và Thành viên Ban Điều hành Mạng lưới các Tổ chức Phi chính phủ Việt Nam&Biến đổi Khí hậu, cho biết.
Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu
Nhiều cơn bão lớn đổ bộ vào nước ta những năm qua, nơi nào rừng ngập mặn được trồng và bảo vệ tốt thì các đê biển vùng đó vẫn vững vàng trước sóng gió lớn, dù là đê biển được đắp từ đất nện, trong khi những tuyến đê biển được xây dựng kiên cố bằng bê tông hoặc kè đá nhưng rừng ngập mặn bị chặt phá để chuyển sang nuôi tôm thì bị tan vỡ.
Bà Claudia Futterknecht, Giám đốc Quốc gia Tổ chức CARE Việt Nam, đại diện CCWG, chia sẻ: “Cộng đồng cần hiểu vai trò của rừng ngập mặn không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn là công cụ hữu hiệu giúp giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với BĐKH và hỗ trợ sinh kế bền vững”.
“Qua những trận bão vừa qua tác động đến Việt Nam và các nước trên thế giới, một điều rõ ràng rằng rừng ngập mặn đã bảo vệ các khu vực ven biển vững chắc hơn bất cứ công trình bê tông nào trước sức tàn phá của nước mặn và sóng biển”, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn&Biến đổi Khí hậu, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia về Biến đổi Khí hậu, ông Tấn khẳng định.
Thực tế cho thấy, bảo tồn rừng ngập mặn có giá trị to lớn về nhiều mặt trước sự đe dọa của BĐKH, giúp giảm thiểu tới 50% năng lượng tác động của sóng biển, ngăn ngừa nước biển dâng cao, góp phần quan trọng bảo vệ dân cư cũng như hạ tầng cơ sở ven biển.
Rừng ngập mặn từ lâu đã được coi là tấm lá chắn bảo vệ đê, chống xói lở và gió bão; là nguồn dự trữ sinh quyển và là nơi trú ngụ của nhiều loài chim di cư, các loài động và thực vật quý hiếm. Rừng ngập mặn còn được coi như giải pháp sinh thái hiệu quả để ứng phó với BĐKH và đảm bảo sinh kế cho người dân vùng ven biển.
Rừng ngập mặn có tác dụng làm giảm mạnh độ cao của sóng khi triều cường độ cao sóng biển giảm mạnh khi đi qua dải rừng ngập mặn, với mức biến đổi từ 75% đến 85%, từ 1,3m xuống 0,2m - 0,3m. Theo một số nghiên cứu rừng trồng 6 tuổi với chiều rộng 1,5 km đã giảm độ cao của sóng từ 1 m ở ngoài khơi xuống còn 0,05 m khi vào tới bờ đầm cua và bờ đầm không bị xói lở. Còn nơi không có rừng ngập mặn ở gần đó, cùng một khoảng cách như thế thì độ cao của sóng cách bờ đầm 1,5 km là 1 m, khi vào đến bờ vẫn còn 0,75 m và bờ đầm bị xói lở.
Cùng với tổng kinh phí 248,3 tỷ đồng của chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu trong năm 2013, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn cũng đã dự thảo kế hoạch phục hồi rừng ngập mặn trong cả nước đến năm 2015, với tổng kinh phí lên tới 1.900 tỷ đồng. 
Theo Minh Phúc-vfej.vn
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment