Test Footer 2

Mù mờ về tài nguyên biển

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT) cho rằng chính khoảng trống mênh mông trong nghiên cứu, điều tra tài nguyên biển đã và đang là trở ngại lớn trong việc hoạch định chính sách, khai thác hợp lý và bền vững tài nguyên biển.

Mù mờ về tài nguyên biển
Ngư dân đánh cá hiện chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, các nhà khoa học vẫn chưa xây dựng được tài liệu dự báo ngư trường, quá trình di biến của các loài hải sản để “chỉ điểm” cho ngư dân khai thác hiệu quả - Ảnh: Ngọc Minh
Khoảng trống mênh mông đó là gì thưa ông?
Mù mờ về tài nguyên biển
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - Ảnh: Q.D
Có quá nhiều điều chúng ta chưa biết về tài nguyên biển của đất nước. Các nhà khoa học mới chỉ hoàn thành việc điều tra cơ bản địa chất được khoảng 1% diện tích lãnh hải. Chỉ một tỷ lệ quá nhỏ chúng ta đã phát hiện được dầu khí, bể than trữ lượng lớn kéo dài dọc theo vùng biển từ khu vực Bắc bộ đến Quảng Ngãi và titan zico trong tầng cát đỏ ven biển miền Trung. Trong 99% diện tích lãnh hải còn lại có những tài nguyên gì, mang trong mình những bí mật gì, chúng ta cần phải tiếp tục khám phá.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xây dựng được các tài liệu dự báo ngư trường, quá trình di biến của các loài hải sản, để “chỉ điểm” cho ngư dân khai thác hiệu quả, phục vụ công tác quản lý và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản. Tiềm năng về vận tải biển đã nhìn thấy rõ nhưng cơ sở dữ liệu đầu vào phục vụ việc hoạch định chính sách khai thác, lập quy hoạch các cảng biển, phát triển các đội tàu cũng còn hạn chế…
Theo ông nói thì “hàm lượng khoa học” trong các quyết sách về quản lý và khai thác các thế mạnh của biển của chúng ta hiện còn rất khiêm tốn?
Đúng vậy. Theo quan sát của tôi, trong mấy chục năm trời các nghiên cứu, điều tra cơ bản về tài nguyên biển mới chỉ tạo ra được những hiểu biết ban đầu chứ để dùng được vào các quyết sách thì rất khiêm tốn. Chúng ta chưa thể nhận ra và trả lời rõ ràng rằng, chính sách này, chủ trương kia, dự án nọ được phê duyệt là dựa trên luận cứ được rút ra từ công trình nghiên cứu, từ tài liệu điều tra nào. Rõ ràng, nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về biển hiện vẫn tách rời. Chưa thực sự là một bộ phận của công việc quản lý nhà nước và khai thác các ngành kinh tế. Nói theo đúng nghĩa, là nó không đáp ứng được, không trả lời được cho những câu hỏi cụ thể từ thực tiễn. Sự hiểu biết của chúng ta về biển còn ít ỏi...
 
Mỗi năm kinh phí cho nghiên cứu của Tổng cục cũng chỉ ở mức trên dưới 1 tỉ đồng.
Số tiền này chia nhỏ cho các dự án, thành ra cũng chỉ đủ để làm chính sách thôi, đủ chi cho họp hành và thu thập tài liệu thôi, chưa thể ra biển khảo sát được
Nhưng chúng ta đã có lịch sử gần 100 năm nghiên cứu, điều tra cơ bản về biển, thưa ông?
Đúng là Viện Hải dương học (Nha Trang, Khánh Hòa) đến nay đã có 97 “tuổi đời” nhưng rõ ràng nghiên cứu biển đòi hỏi kinh phí lớn và trình độ khoa học công nghệ cao. Trong khi kinh phí hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của công tác này. Hồi còn công tác ở Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, phụ trách mảng nghiên cứu khoa học nên tôi biết rất rõ, mỗi năm kinh phí cho nghiên cứu của Tổng cục cũng chỉ ở mức trên dưới 1 tỉ đồng. Số tiền này chia nhỏ cho các dự án, thành ra cũng chỉ đủ để làm chính sách thôi, đủ chi cho họp hành và thu thập tài liệu thôi, chưa thể ra biển khảo sát được. Với số tiền nêu trên, nhà khoa học khó có thể làm gì đó ra tấm ra món. Tôi không nói về đề án nhà nước đang có nhiều bộ ngành cùng tham gia, Tổng cục chỉ là đầu mối.
Vậy chúng ta cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
Nhất thiết phải thể chế hóa, cơ cấu lại hệ thống nghiên cứu, điều tra cơ bản về biển. Nếu không làm được việc này, chúng ta bỏ tiền vào đâu cũng loãng. Bởi vì như hiện nay, chẳng có chỗ nào có đủ nhân lực, vật lực để có thể làm tốt trọng trách kể trên. Chúng ta phải xác định rõ, việc điều tra cơ bản về biển là của nhà nước, còn các hoạt động nghiên cứu về biển là có thể xã hội hóa nhưng phải có tiêu chí, điều kiện rõ ràng.
Không thể ra biển khi không có công nghệ. Rõ ràng, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho hạ tầng và khoa học kỹ thuật, không thể để tái diễn tình trạng các nhà khoa học về biển nghiên cứu "chay" như đang diễn ra tại nhiều nơi. Hợp tác quốc tế để tiếp thu cái mới, đi tắt đón đầu, tạo ra đột phá trong nghiên cứu khoa học về biển là một trong những việc tôi cho là cần phải làm ngay.
Các đề tài, dự án phải được thực hiện dựa trên những đơn đặt hàng của thực tiễn thì mới có thể đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, chúng ta nên xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về biển và có cơ chế quản lý, chia sẻ hợp lý, vừa tránh để lộ bí mật quốc gia, vừa đảm bảo các ngành kinh tế,  nhà hoạch định chính sách có được nguồn đầu vào cần thiết khi ban hành các chính sách, phê duyệt và triển khai các dự án kinh tế…
TS Chu Quang Thứ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải VN: Đồng bộ hướng về biển
Nghị quyết T.Ư 4 nói đồng bộ cơ sở hạ tầng nhưng là đồng bộ hướng lên núi hay ra biển? Thế giới mấy chục năm nay đã đồng bộ hướng về biển, nhưng không có tài liệu nào của VN, không có bài toán kinh tế nào của VN nói về điều này. Phải đồng bộ hướng về biển.
Hướng về biển không phải là khẩu hiệu, mà là tạo ra các trung tâm logistic, các “chợ đầu mối”, chuỗi phân phối. Logistic, chứ không phải là cảng hay đội tàu, sẽ quyết định sự hoạt động, cạnh tranh. Đồng bộ cơ sở hạ tầng, đường sắt, đường bộ, đường sông cũng phải hướng về biển. Nhưng hạ tầng của chúng ta lại đang rất lệch nhau do thiếu một tầm nhìn dài hạn 100 năm. Thực tế là cầu đường bộ chỗ thì độ cao 3,7 m; 4,2 m rồi hơn 5 m, dẫn tới độ cao 3,7 m phá hỏng độ cao 4,2 m, độ cao 4,2 m lại phá hỏng độ cao hơn 5 m. Trọng tải cầu chỗ cho đi 25 tấn, chỗ đi 30 tấn, thiếu thống nhất, trong khi trọng tải này rất quan trọng với vận tải logistic. Logistic là hàng hóa sẽ vận chuyển từ VN sang Mỹ chẳng hạn, trên tất cả các hệ thống từ đường biển, đường thủy, bộ, sắt... và cả hệ thống phải đồng bộ, thì hàng hóa mới thông suốt.
Mai Hà (ghi)

Theo Quang Duẩn-TNO
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment