Test Footer 2

Lận đận mưu sinh dưới những tán rừng – Kỳ 3

Kỳ 3: Con chữ rơi rớt trong rừng, ngoài bãi
Cuộc sống người dân nghèo rày đây mai đó, sáng làm chiều ăn nên việc học hành trở nên xa lạ với họ. Việc kiếm ăn để no bụng còn khá dễ chứ nói đến chữ nghĩa thì thật xa xôi. Không cơm ăn, đói mới chết nhưng dốt nát thì chẳng chết ai bao giờ…!

Các em học sinh ở Cái Cám, xã Tân Hải (Phú Tân, Cà Mau) nghỉ học để đi làm bạn chài lưới (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng)
Các em học sinh ở Cái Cám, xã Tân Hải (Phú Tân, Cà Mau) nghỉ học để đi làm bạn chài lưới (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng)
Con chữ ở một gia đình 24 năm sống trên rừng phòng hộ
Vợ chồng ông Tô Văn Chiến ở kinh Mương Bảy, ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình, Bạc Liêu) đã 24 năm dựng chòi, cất nhà trên rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu. Sở dĩ vợ chồng ông ra mé rừng, giáp với sóng biển để sinh sống dựa vào rừng, vào biển là do dễ kiếm ăn hơn ở trong đồng, không đất đai vườn tược, làm thuê. Ngày ấy, đàn con của vợ chồng ông đang tuổi ăn, tuổi học mà chẳng được học hành gì. Nay đại gia đình gồm 8 người con của ông đã đủ cặp đủ đôi, đủ con cái.
Ngồi sát bên hiên nhà, rót tách trà nguội từ sáng sớm, ông mời khách và kể lại: “Lo làm ăn bù đầu, không có thời gian lo cho con đi học. Tám đứa con tôi chỉ có thằng út (Tô Ngọc Đức) học biết mặt chữ, đi TP HCM làm công nhân. Các anh chị của nó đều dốt, không biết chữ, chỉ biết mặt đồng tiền để bán cá, bán cua…”.
Con tôi dốt rồi, còn đàn cháu cũng dốt. Ngày trước, vùng này không có trường học. Những năm gần đây, trường học dựng lên thì mấy đứa con đã lớn chồng ngồng, mắc cỡ, không muốn đi học…
Ông Chiến cho biết, ở xóm kinh Mương Bảy này, trình độ gia đình ông, gia đình nhà anh ruột và ông sui đều ngang ngang nhau, hầu như là mù chữ hoặc chỉ biết đọc nhấp nhem. Con trai lớn lên, con gái dậy thì là đi tìm người yêu. Nhưng quanh quẩn trong rừng bắt ốc, ra biển mò sò, giăng lưới, thả câu… toàn gặp người cùng cảnh ngộ nên dễ thông cảm và dễ đến với nhau. Các con của ông Tô Văn Chiến đã có vợ, có chồng cùng ở trình độ mù chữ và xóa mù chút đỉnh.
Nói về chuyện học hành để có tương lai, vợ ông Chiến – bà Lê Hoàng Anh gãi tai: “Con tôi dốt rồi, còn đàn cháu cũng dốt. Ngày trước, vùng này không có trường học. Những năm gần đây, trường học dựng lên thì mấy đứa con đã lớn chồng ngồng, mắc cỡ, không muốn đi học. Vả lại, sống tuốt ngoài bìa rừng, đường vào trong để lên đê đi học bùn lầy. Mùa khô còn đi được, mùa mưa trơn trợt mà không có xuồng đưa mấy đứa nhỏ coi như chịu trận!”.
Vợ chồng ông Tô Văn Chiến bây giờ đã làm ông bà nội, ngoại của 15 đứa cháu thì chỉ có 4 đứa đang học lớp 1, lớp 2. Ông Tô Văn Chiến nói: “Mấy đứa cháu lớn chịu dốt rồi, vì lúc đó không có trường học. Mấy đứa mới sinh sau này, chúng được đi học nhưng vào mùa mưa sắp tới chắc phải nghỉ học vì không ai đưa đến trường nữa!”.

Em Nguyễn Văn Đủ ở xã Vĩnh Thịnh, Hòa Bình, Bạc Liêu đếm được 53.000 đồng sau một ngày mò cua, bắt ốc cùng với mẹ và các em (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng)
Đi biển có tiền, đi học không có tiền
Huyện Phú Tân (Cà Mau) có 37 km bờ biển, với 6 cửa biển ăn thông ra biển. Cuộc sống người dân ở rừng phòng hộ cũng na ná như ven biển miền Tây Nam bộ. Cụm dân cư ven biển ở Cái Cám, xã Tân Hải (Phú Tân, Cà Mau) có rất đông trẻ em tụ tập đến chơi vì thấy vị khách lạ đến quay phim, chụp hình. Em Trần Văn Tý, 16 tuổi, học lớp 4, hiện đã nghỉ học hơn 6 tháng nhanh nhảu đáp: “Em chán học, không muốn đi học, ở nhà đi biển sướng hơn, có tiền”.
Trung bình, lao động trẻ em từ 13-16 tuổi ở cửa biển Cái Cám không cần có phương tiện đánh bắt ven bờ, chỉ cần làm công cho ghe xuồng nhỏ giăng lưới, cắm câu cũng có từ 30-40 ngàn đồng/ngày. Vào mùa tôm cá nhiều, thu nhập thậm chí còn cao hơn. Nhưng lúc biển động thì đành ở nhà đi đánh bài, đánh bi-da… Em Bùi Minh Đức, 15 tuổi, học lớp 7, nghỉ học đã 5 tháng, nói: “Đi học tốn tiền, bài không thuộc bị la rầy, ở nhà đi làm mướn có tiền. Tụi em ở đây đi học hơn 10 cây số, tiền học, tiền đò, tiền ăn cha mẹ lo không nổi!”.
Đi học tốn tiền, bài không thuộc bị la rầy, ở nhà đi làm mướn có tiền. Tụi em ở đây đi học hơn 10 cây số, tiền học, tiền đò, tiền ăn cha mẹ lo không nổi!…
Trường tiểu học Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận (Đầm Dơi, Cà Mau) lại nằm ở phía trong dải rừng phòng hộ bị sạt lở dữ dội những năm gần đây. Trường tiểu học Lưu Hoa Thanh có 25 cán bộ, giáo viên, 442 học sinh. Ông Thi Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lưu Hoa Thanh cho biết: “Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng 5%/năm là cố gắng lắm rồi. Các em theo cha mẹ làm ăn xa phải bỏ học thì đành phải chịu. Những năm trước, tỷ lệ bỏ học còn cao hơn nhưng năm nay giảm là nhờ chúng tôi áp dụng tiêu chí thi đua của giáo viên chủ nhiệm, bằng mọi cách phải giữ chân các em ở lại học”.
Trường tiểu học Lưu Hoa Thanh có 73 học sinh nghèo, 13 học sinh cận nghèo được hỗ trợ 70.000đ/tháng. Nhưng tới thời điểm này, từ đầu năm đến nay, các em học sinh nghèo vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Ông Thi Văn Phúc nói: “Năm nào cũng chậm, chưa biết lúc nào mới có tiền hỗ trợ cho các em. Rồi tiền hỗ trợ tiền đò cũng chưa biết có hay không mà chúng tôi đã lập danh sách gởi lên để xin trợ cấp nhưng chưa được trả lời có không, bao giờ?”.
Hoàn thành phổ cập giáo dục nhưng dân ở rừng 20% bị mù chữ
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nằm lọt giữa các cụm, tuyến dân cư các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, trong đó xã Đất Mũi nằm chính giữa Vườn với hơn 3.690 hộ dân, khoảng 16.000 nhân khẩu.
Theo thống kê, huyện Ngọc Hiển và Phú Tân hiện đã hoàn thành chương trình phổ cập Trung học cơ sở nhưng kết quả khảo sát 140 hộ thuộc các xã Đất Mũi, Viên An (Ngọc Hiển), Nguyễn Việt Khái (Phú Tân) cho thấy, còn khoảng 20% số người bị mù chữ, 49% có trình độ cấp 1 và 23% có trình độ trung học phổ thông.
Không chỉ tăng cao về tỷ lệ mù chữ, các xã quanh khu vực Vườn còn chiếm tỷ lệ cao về hộ nghèo. Khảo sát thực tế tại các xã xung quanh Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thì riêng xã Đất Mũi có đến 26,9% hộ nghèo, xã Viên An 5%, xã Nguyễn Việt Khái 6,2%.
Bất chấp cái nghèo, cái thất học, dòng người di cư vẫn tiếp tục lấn theo đất rừng, bãi bồi với phương châm “đất sinh sôi, rừng biết đi về phía biển”.
Nguyễn Tiến Hưng-(Diễn đàn Đầu tư)
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment