Test Footer 2

Nghệ An: Rác tấn công biển

Nghệ An có 5 đơn vị hành chính tương đương cấp huyện có đơn vị hành chính giáp biển với chiều dài 82km. Do đặc thù cuộc sống của người dân vùng ven biển cùng với sự phát triển của dân cư, kinh tế - xã hội... nhưng lại chưa thật sự chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường nên hiện nay các vùng ven biển Nghệ An đang đối mặt với nỗi lo ô nhiễm...
Ô nhiễm xuất hiện từ ý thức
Huyện Quỳnh Lưu có 33km bờ biển; huyện Diễn Châu cũng có tới 9 xã với trên 25km giáp biển tạo nên một vùng kinh tế - văn hóa – xã hội của một vùng phía Bắc của tỉnh Nghệ An. Những năm gần đây, cả hai huyện đều đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường bê tông hóa để các xã thông thương, buôn bán qua lại lẫn nhau. Hơn nữa, tuyến đường bê tông ven biển còn phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh cho cả vùng ven biển tỉnh nhà. Mặt khác, việc nối dài các tuyến đê biển ở đây còn tạo động lực để người dân khu vực mở rộng kinh doanh đa ngành, đa nghề và ngăn mặn xâm lấn vào đất liền. Từ khi có tuyến đường bê tông này, đời sống kinh tế, xã hội của các xã ven biển đã có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn hiện nay đang hiện hữu trước mắt người đi đường là cảnh tượng rác thải sinh hoạt được người dân vô tư đổ bừa bãi. Thực trạng rác tràn ngập, “án ngữ” cả tuyến đường đê biển không chỉ mất mỹ quan mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho cả vùng biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Nhiều người tham gia giao thông đi qua đây đều bị “tra tấn” bởi mùi xú uế, hôi thối của rác thải. Bãi biển Diễn Thành, Lạch Thới, Lạch Vạn, cảng cá Diễn Ngọc…đều bị rác thải ứ đọng gây tắc nghẽn dòng chảy và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước.
“Từ khi có tuyến đường đê bao ven biển chạy dài qua 9 xã ven biển của huyện Diễn Châu, người dân chúng tôi phải gánh chịu mùi hôi thối từ rác thải khắp mọi nơi mang đến đây đổ. Những hôm trời mưa, nước từ khắp nơi đổ về tràn qua thân đê kéo theo rác thải vào tận nhà dân. Còn những hôm triều cường, mưa bão, nước lên cao là y như rằng rác thải ngập cả vào ruộng muối. Mùa hanh khô hoặc gió mùa về, rác bay tung tóe lên nhà dân. Cứ tình trạng này kéo dài, chúng tôi chưa biết phải chấp nhận sống chung với rác đến khi mô. Rồi trẻ con, người già gần đây sinh ra bệnh tật vì rác thải…khổ lắm” - Anh Hồ Hoài Năng, ở xã Diễn Ngọc bức xúc cho biết.
Tình trạng này xảy ra tại tuyến đường ven biển huyện Quỳnh Lưu cũng không khá hơn. Đơn cử như cả một đoạn đường dài qua các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, rác thải đã ngập tràn ra cả lòng, lề đường. Mùi hôi thối, túi ni lông bay vung vãi ra lấp cả đường khiến cho người tham gia giao thông qua đây vô cùng khó chịu. Và, người dân khu vực này vẫn hay quen gọi đây là "cung đường rác".
Không chỉ tập kết rồi đổ rác thải bừa bãi ra các tuyến đường ven biển, các tuyến đê kè ven biển mà tình trạng các cảng cá đổ chất thải chưa qua xử lý trực tiếp xuống lạch cũng khiến cho môi trường ven biển thêm phần ô nhiễm.
Đơn cử là cảng cá Lạch Vạn, dù chính quyền và các cấp có thẩm quyền đã kiểm tra, xử lý và đưa ra không ít giải pháp để giải quyết tình trạng này nhưng quả thực rác thải từ người dân, chất thải từ hàng trăm tàu thuyền đánh cá ra vào lạch, nước thải của các nhà máy chế biến cá...cứ vô tư xả ra và đang trở thành "đồng phạm" trong việc làm ô nhiễm nước biển.
Tình trạng vứt rác bừa bãi, xả nước thải, chất thải gây ô nhiễm, mất mỹ quan tại các lạch như lạch Lò (thị xã Cửa Lò); lạch Quèn (ở huyện Quỳnh Lưu)...cũng đang khiến cho chính quyền sở tại và các nhà chức trach đau đầu. Còn chính người dân sống xung quanh phải lãnh hậu quả ô nhiễm.
Ngoài ra, một tác nhân phải kể đến là trên dưới 4000 tàu thuyền khai thác thủy sản với hàng vạn ngư dân tham gia đánh bắt cũng đã thải ra một lượng chất thải, nước thải không nhỏ xuống vùng biển.
Cần ngay giải pháp
Qua thực trạng ô nhiễm môi trường ven biển ở trên cho thấy vấn đề vệ sinh môi trường ở các khu dân cư ven biển đang là vấn đề hết sức lo ngại. Phần lớn các hộ dân vùng ven biển không có nhà vệ sinh, do vậy, chất phế thải trong gia đình đều “chọn” bờ biển làm nơi xử lý. Dọc các xã ven biển, có thể bắt gặp đủ các loại rác, tạp chất, xác súc vật. Vì thế, ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư ven biển trở thành vấn đề bức xúc. Làm thế nào để cải thiện, bảo đảm môi trường sống của người dân ven biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay đang là vấn đề đáng quan tâm của các ngành, các cấp. Nhưng để giải quyết được vấn đề đó không phải chuyện một sớm một chiều.
Về gánh nặng ô nhiễm môi trường khu dân cư ven biển, lãnh đạo của một xã ở huyện Diễn Châu, cho biết: "Vấn đề ô nhiễm môi trường tại địa phương luôn là đề tại nóng trong các cuộc họp. Tuy nhiên, cái khó nhất ở đây là từ ý thức của người dân khi họ không có ý thức trong việc thu gom rác thải, mạnh ai nấy đổ, mà lại đổ lung tung dù xã cũng đã tuyên truyền về vấn đề này".
Còn ông Lê Văn Thuận - Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Diễn Châu tâm sự: "Thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, nhất là vùng dân cư ven biển luôn được chúng tôi đặc biệt quan tâm và sát sao chỉ đạo biện pháp tháo gỡ. Trước đó, từ năm 2011, UBND huyện đã chỉ đạo các xã phải có bãi rác thải tập trung riêng nhưng cái khó nhất là phải có đất, kinh phí, trong khi xã thì lấy đâu ra tiền để đủ lo việc này. Thời gian qua, Phòng và UBND huyện đã nhiều lần có văn bản đề nghị các xã cần đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý tình trạng người dân đổ rác thải bừa bãi. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không chấm dứt được. Đây là trách nhiệm của xã và phần lớn là ý thức gìn giữ môi trường của người dân".
Nói về ô nhiễm môi trường tại các khu vực ven biển, ông Hồ Sỹ Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Nghệ An, nói: "Vấn đề này ở khía cạnh nhà quản lý chúng tôi cũng đã nhận thức rõ. Đặc thù các xã, các vùng dân cư ven biển lâu nay tình trạng ô nhiễm môi trường đã là vấn đề nóng mà các cấp, các ngành phải quan tâm. Hiện, chúng tôi đang xây dựng Dự thảo về việc này để trình UBND tỉnh xem xét ra chỉ thị về công tác bảo vệ, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh. Nói chung để môi trường nông thôn, nhất là môi trường tại các khu vực ven biển không ô nhiễm thì ngoài sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền sở tại; các cấp, ngành thì phần lớn vẫn nhờ vào ý thức của chính người dân ở đó".
Bài & ảnh:  Đình Tiệp-Monre.gov.vn
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment