Test Footer 2

Sạt lở đê biển: “Cuộc chiến” ở biển Tây (Kỳ 2)

Biển Tây vùng bán đảo Cà Mau vốn là biển bồi nhưng những năm gần đây sạt lở diễn ra nặng nề. Rừng ngập mặn phòng hộ, trước từng dày tới cả cây số chạy dài ven biển, nay chỉ còn lưa thưa, đoạn có đoạn không. Có chỗ, người ta đã phải dời đê vào sâu trong đất liền, đê cũ chỉ còn vết tích…
Biển ăn đất, nuốt rừng
Gia đình anh Trần Văn Phong và chị Bùi Thị Nhiệm sống ở căn chòi thứ hai trên chỏm đất nhô ra biển Tây của ấp Cái Cám, xã Tân Hải này.
Kể từ khi anh chị ra ở riêng được ông bà cho 30 công đất và cất cho căn nhà nhỏ, đến nay đã hơn chục năm. Mọi sự đã thay đổi nhiều.
Không chỉ vì sự xuất hiện thêm 3 đứa trẻ, mà nhà cửa đất đai cũng khác. Đất rừng chỉ còn chừng 4 công, nhà thì cũng đã dời vào sâu về phía đất liền.
Chỉ tay một cành cây khô nhô lên trên mặt biển mênh mông nước, anh Phong bảo: “Nhà tôi trước ở đó, cách đây cũng tới hai cây số lận. Đất cứ lở lở loài, sóng lớn, bờ thấp đâu có chịu nổi”.
Ngay cửa biển xã Tân Hải nay vẫn còn trưng tấm biển lớn ghi dòng chữ “Rừng phòng hộ rất xung yếu, cấm chặt phá”, nhưng nhìn xa xa chhir còn thấy lớp rừng xanh mỏng tang. Gần bờ một vài cây mắm, đước lớn chỉ còn nhô lên phần ngọn xanh. Có thể chúng cũng mới bị sóng đánh lở  vài tháng trước.
Ảnh: ThienNhien.Net
Khi trước nơi đây từng là dải rừng ngập mặn xanh mướt
Bà con trong ấp bảo so với trước cái ấp này đã bị đẩy lui vào đất liền tới ba cây số. Rừng mất, vuông tôm mất, còn nhà cửa thì cứ lùi mãi về phía đất liền.
Trao đổi với chúng tôi về sạt lở vùng ven biển Cà Mau, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết, tình trạng này đang diễn ra nghiêm trọng và có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt khoảng từ năm 2009 trở lại đây.
Trừ vùng bãi bồi ở Mũi Cà Mau ít bị ảnh hưởng, trên 80% bờ biển Cà Mau kéo dài từ Đông sang Tây đều sạt lở. Bốn đoạn xung yếu nhất gồm 7.560m ở Phú Tân, 2100m ở khu vực Gành Hào, 2.700m ở Đất Mũi và 3.800m ở bãi Khai Long.
So với bờ biển phía Đông, sạt lở diễn ra ở biển Tây có nghiêm trọng hơn. Trước đây để biển Tây được bảo vệ bởi một đai rừng ngập mặn kéo dài từ khu vực tiếp giáp Cà Mau – Kiên Giang tới vịnh Rạch Chèo gần trăm cây số, nơi rừng mỏng nhất cũng dày tới 300m.
Nay rừng gần như đã bị phá hủy, nhiều chỗ sóng đánh tới sát chân đê, thậm chí có chỗ hoàn toàn không còn đê phòng hộ. Trước tình hình này, tỉnh Cà Mau đã phải ban bố quyết định hộ đê khẩn cấp, cắt cử lực lượng túc trực 100% vào mùa gió Tây Nam, khi sóng lớn và sạt lở diễn ra mạnh mẽ.
Cuộc chiến chống sạt lở
Sạt lở tới đâu, nhà cửa và người sẽ phải dời tới đó. Nhưng không lẽ cứ chịu thua biển mà lùi mãi, quỹ đất cũng chỉ có hạn.
Anh Phong, chị Nhiệm và nhiều hộ khác ở ấp Cái Cám, tuy khổ đã nhiều, nhưng nay nếu thuyết phục họ chuyển hẳn vô đất liền, gần chợ để buôn bán, gần trường để cho con cái được đi học, xài điện thay vì dùng ắc quy, không còn phải lo dời nhà khi biển lấn chưa chắc họ đã chịu, chỉ đơn giản vì họ đã gắn cả đời với nghề đi ốc đi ghe. Nếu vào sâu trong bờ, họ biết sống bằng gì.
Từ căn nhà của ông Ngô Văn Vững, tổ trưởng tổ tự quản của ấp Cái Cám, chúng tôi thấy thấp thoáng một khu đất trống bị bỏ hoang lâu ngày, ông Vững bảo đó là khu đất quy hoạch di dân của xã.
Trong lúc kế hoạch di dời dân vào vùng an toàn hơn chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa được, cả người dân và chính quyền địa phương vẫn không ngừng nỗ lực chống sạt lở ngay tại chỗ.
Trước nhà ông Vững là một bờ kè bằng rọ đá chạy dài vài chục mét. Những tảng đá hộc được xếp chồng, “bọc” trong lưới thép B40 chạy ôm quanh mấy hộ gia đình thành một bức tường thành kiên cố. Làm bờ kè rọ đá rất tốn kém nên kinh phí trên cấp mới chỉ đủ để đầu tư cho một đôi đoạn bị sóng đánh trực tiếp và mạnh nhất, còn lại toàn bộ vẫn là bờ đất tự nhiên.
Ông Vững thở dài “Rọ đá vậy mà cũng chỉ được hai năm thôi”. Theo tay ông chỉ, chúng tôi nhìn sát vào rọ lưới, quả thực vài chỗ lưới cũng đã đứt mối, rêu và hà bám đầy. Dường như những dây thép to kềnh có tài mấy cũng chẳng chịu nổi muối mặn của biển.
Chẳng mấy tháng nữa, những mối nối đồng loạt bị phá vỡ, thành trì đá hộc kia và công sức tiền của của chính quyền tỉnh Cà Mau, huyện Phú Tân và người dân nơi đây cũng sẽ ào trôi xuống biển, cũng nhanh tựa như chiếc kiệu của bà Trần Thị Xê năm nào lăn tùm theo dòng nước mà không kịp vớt.
Bên trong hàng rọ đá có mấy gốc dừa rất lớn nằm nghiêng ngả trên mặt bùn lầy. Những người dân nơi đây cho biết, đó là hàng rào người dân và lãnh đạo địa phương chung sức làm hơn hai năm trước, khi chưa được tỉnh hỗ trợ bờ kè đá.
Phú Tân vốn xưa là đất dừa. Giải pháp cắm gốc dừa làm bờ kè bảo vệ đất cũng thật là sáng tạo mà thuận tiện, đỡ được bao chi phí. Những gốc dừa hẳn đã được lựa chọn rất kỹ vì thân nào thân nấy to đến cả vòng tay ôm. Vất vả nhất chỉ là công người vận chuyển và làm sao cắm được các gốc dừa vừa to vừa nặng ấy xuống bùn cho thành hàng rào vững chãi.
Vậy mà xong việc , bà con cũng chỉ thở phào được có một chốc, niềm vui chẳng tày gang. Qua một mùa gió Tây Nam, vài đợt nước lên, sóng vỗ mạnh, hàng rào thân dừa hỏng cả. Cái đổ nghiêng ngửa, cái lặn đi đâu mất tăm.
Kè ngầm tạo bãi – đến người Nhật cũng muốn học
Khi chúng tôi có mặt ở ấp Cái Cám, một hàng rào bê tông đặc biệt cách đất liền chừng đôi ba cây số đang được gấp rút thi công để xong trước mùa mưa bão năm nay.
Thiết kế của hàng rào rất kiên cố với hai hàng cọc bê tông chạy song song, cách nhau chừng đôi mét. Giữa hai hàng cọc ấy người ta đổ loại đá có kích thước to vừa phải sao cho chúng không lọt khe giữa các cọc bê tông khi sóng đánh qua.
Lớp hàng rào kiên cố bằng cọc bê tông, được đổ đá để cản sức sóng và giữ bồi lắng
Lớp hàng rào kiên cố bằng cọc bê tông, được đổ đá để cản sức sóng và giữ bồi lắng
Lớp hàng rào này chạy dài một cây số rưỡi, sẽ tạo thành “bức bình phong” ngay cửa biển nhằm cản sức mạnh của sóng và giữ bùn đất, phù sa để tạo bãi phục hồi rừng ngập mặn.
Hào hứng chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng xây hàng rào bê tông này, ông Nguyễn Long Hoai cho biết đây là kết quả sáng tạo rút ra từ chính những bài học và thất bại trước đây khi làm bờ kè bằng thân dừa hay rọ đá.
Giải pháp “bê tông hóa” tuy đòi hỏi đầu tư tốn kém, song là biện pháp có hiệu quả về lâu dài và đặc biệt cần thiết đối với những vùng có nền đáy tương đối dốc, sạt lở diễn ra mạnh mẽ như cửa biển sông Bảy Háp.
Sau khi thi công giai đoạn 1, kết quả quan trắc cho thấy lượng đất bùn phù sa trong hàng rào đã tăng, tình trạng sạt lở bờ cũng đỡ hơn. Tại một số bãi tự nhiên, những cây đước, mắm tái sinh cũng được ổn định.
Ông Hoai cũng cho biết, ý tưởng này đã được các bạn Nhật khen ngợi và mong muốn được học tập kinh nghiệm. Nếu được Trung ương đầu tư, Cà Mau sẽ đẩy mạnh triển khai xây dựng hàng rào này cho một số tuyến sạt lở xung yếu khác trong thời gian tới.
Theo Hoàng Chiên, Diễn đàn Đầu tư 14/03/2013
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment