Test Footer 2

Người dân Bình Thuận chống chọi nạn biển xâm thực

Người dân sinh sống tại phường Phước Lộc, thôn Hồ Tôm (thị xã La Gi) và phường Đức Long, thành phố Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận, đang phải gồng mình chống chọi với nạn biển xâm thực mạnh vào đất liền.
 
 
Ảnh minh họa. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)
Hiện 120 hộ của thôn Hồ Tôm đang bị đe dọa trực tiếp từ biển xâm thực. Trong đó, một số nhà dân phải chuyển đi hoặc thuê nhà nơi khác để ở.
Biển xâm thực mạnh không chỉ ảnh hưởng đến nhà cửa, các công trình dân sinh, mà tại khu vực này khoảng 50 ha hồ nuôi tôm được các gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng cũng đang có nguy cơ phải bỏ hoang.
Ông Trần Khắc Hải - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Phước cho biết hơn 2 ha rừng phòng hộ ven biển do nhân dân xã đã cất công trồng từ hơn chục năm trước bị sóng biển cuốn trôi. Trước đây, biển cách nhà dân đến 300m thì nay có ngày nước biển đã ngập vào tận sân nhà. Nếu không sớm có biện pháp khắc phục, chẳng mấy chốc toàn bộ khu vực này sẽ biến mất.
Hiện tại, những lúc triều cường dâng cao, sóng biển đập mạnh phá hủy gần hết bờ bao chắn sóng của những hồ nuôi tôm ngoài cùng, nước có thể tràn vào hồ bất cứ lúc nào. Nhiều người lo lắng nếu để nước tràn vào những hồ nuôi tôm này thì chẳng mấy chốc nó sẽ phá hủy toàn bộ bờ bao của những hồ nuôi phía trong, như vậy thiệt hại sẽ rất lớn.
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân thị xã La Gi, hai điểm bị xâm thực mạnh nhất trên địa bàn là phường Phước Lộc và thôn Hồ Tôm. Từ năm 2005 đến nay, biển xâm thực đã làm 320 hộ dân bị biển cuốn mất nhà.
Tỉnh Bình Thuận đã huy động người dân dùng hàng ngàn bao cát, đóng cọc gia cố đê biển để bảo vệ tính mạng và tải sản cho người dân. Tuy nhiên chỉ sau một đêm, sóng lại cuốn tất cả ra biển.
Không chỉ riêng nhà dân, đất tại các khu du lịch Hàm Tiến, Mũi Né cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Khảo sát sơ bộ tại những khu du lịch này của phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết cho thấy 3 năm gần đây biển lấn vào đất liền khoảng 4-5m, kéo dài hơn 1.000m. Khu vực này, nhiều nhà đầu tư đã phải dùng những loại vật liệu như ván dừa, cừ tràm, bao cát... để giữ bờ, giữ đất.
Bờ biển Bình Thuận dài 192km, có 20 cung bờ từ Tân Thắng (Hàm Tân) đến Cà Ná (Tuy Phong). Trong đó có 6 cung bờ thường xảy ra xói lở nghiêm trọng, cần phải có biện pháp bảo vệ do ảnh hưởng đến khu dân cư, khu du lịch như Đồi Dương, Hàm Tiến-Mũi Né, xã Hòa Phú, Phan Rí Cửa...
Theo nhận xét của các hộ dân trong vùng biển xâm thực, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng biển xâm thực ngày càng dữ dội hơn, một phần là do nước biển có khuynh hướng dâng cao và sóng biển vỗ trực diện vào bờ, gây xói lở rất nhanh.
Trong khi đó, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, do cấu trúc địa chất ven bờ biển gồm cát, đất bở rời nên dễ dàng bị xói lở khi có sóng biển vỗ mạnh vào bờ. Qua khảo sát cho thấy có những vùng biển xâm thực vào đất liền từ 30 - 60m trong vòng khoảng 40 năm, cụ thể như khu phố 2 phường Hàm Tiến.
Để chống chọi với nạn biển “ăn” đất, tỉnh Bình Thuận đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng kè một số khu vực. Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 15.000m đê, kè biển được xây dựng hoàn chỉnh với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng.
Riêng bờ biển Hàm Tiến - Mũi Né, khu vực có nhiều resort và khu du lịch nghỉ dưỡng, đã xây dựng gần 3.000m kè với kết cấu kiên cố.
Tại bãi biển Đồi Dương, trước đây tỉnh đã cho thi công 1.600m kè mềm để bảo vệ bờ biển theo công nghệ từ Hà Lan. Đây là phương án mới vừa chống sạt lở, vừa giữ được cảnh quan bờ biển. Tuy nhiên, sóng biển vỗ vào bờ quá mạnh nên kè đang xây dựng đã bị sóng biển cuốn trôi.
Tỉnh đành phải chuyển hướng xây kè bằng bê tông để bảo vệ bờ biển này. Còn tại các khu dân cư, phần lớn người dân vẫn phải tự mình đóng cừ tràm, đấp bao cát làm kè để bảo vệ nơi ở cho mình.
Việc xây dựng kè chống biển xâm thực trong những năm qua cũng đã được sự quan tâm rất lớn của tỉnh. Nhưng do bờ biển dài, phát sinh nhiều nơi sạt lở mới, việc đầu tư rất tốn kém về kinh phí, trong lúc ngân sách có nhiều khó khăn nên phải giải quyết dần từng bước./.
Theo Vietnamplus.vn
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment