Test Footer 2

Kiên Giang: Đội tàu biển có nguy cơ thiếu nơi neo đậu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, hiện địa phương này có tổng số hơn 12 nghìn phương tiện đánh bắt hải sản với tổng công suất hơn 1,3 triệu CV, trong đó có trên 4.300 tàu từ 90CV trở lên. 

 Tàu biển neo đậu ở khu lấn biển thành phố Rạch Giá- Kiên Giang
(Ảnh: K.V)
 Trong đó, chỉ tính riêng thành phố Rạch Giá đã có hơn 3 nghìn tàu đánh cá các loại, hầu hết các phương tiện này đều có công suất cao, khai thác ngư trường xa bờ.
Những năm trước đây, các tàu cá tập trung neo đậu tại khu vực cửa biển 16ha, thuộc phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá. Sau khi công trình Cảng cá Tắc Cậu thuộc địa bàn huyện Châu Thành được hoàn thành, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu tất cả tàu cá phải đến neo đậu tại đây. Do Cảng cá Tắc Cậu chỉ tiếp nhận được hơn 1 nghìn phương tiện, chính vì vậy khi lượng tàu về nhiều hơn đã phải neo đậu dọc theo tuyến sông Cái Lớn và sông Cái Bé, gây cản trở giao thông đường thủy, mất an toàn và nguy cơ xảy ra tai nạn là hiện hữu.
Theo Ban quản lý bến cảng cá Tắc Cậu, cảng cá chính của tỉnh Kiên Giang, thì tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài. Vì dự án đầu tư bến cảng ở giai đoạn I chỉ đáp ứng cho công tác hậu cần nghề cá là chính. Do đó, việc gánh thêm nhiệm vụ giải quyết nơi neo đậu là quá sức với đơn vị.
Cũng theo đơn vị này, từ 2008, Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương đầu tư cảng cá ở giai đoạn II, mở rộng từ 32 ha lên hơn 100 ha, tuy nhiên dự án này vẫn đang triển khai. Được biết, tổng kinh phí để thực hiện cho giai đoạn II của dự án lên hơn 800 tỷ đồng, do dự án kéo dài, kinh phí giải phóng mặt bằng tăng lên làm cho nguồn vốn thiếu hụt.
Để khắc phục tình trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã chấp thuận nơi neo đậu tạm cho tàu thuyền tại khu vực cửa biển 16ha kéo dài xuống khu lấn biển. Về lâu dài sẽ có hướng xây dựng Nam Rạch Sỏi, có tính đến quy hoạch khu neo đậu tàu nơi đây. Tiếp theo sẽ cho neo đậu từ Kinh Dài kéo dài vào đến Xẻo Rô thuộc bên phía bờ huyện An Biên. Thêm một khu vực nữa là qua Cảng cá Tắc Cậu kéo dài lên ngã ba Tà Niên thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành.
Mặc dù, trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư xây dựng nhiều bến cảng và các khu neo đậu tàu thuyền. Nhưng, so với điều kiện khai thác thủy sản của tỉnh thì hệ thống bến, cảng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Hầu hết các huyện ven biển và hải đảo, người sống bằng nghề biển chiếm đến 50%. Nhưng sau chuyến biển, các phương tiện phải tự tìm nơi neo đậu, vừa không đảm bảo an toàn, vừa khó quản lý.
Được biết, số ngư dân trực tiếp tham gia đánh bắt thủy sản ở Kiên Giang cũng tăng nhanh, từ hơn 70 nghìn người năm 2000, lên gần 90 nghìn người vào cuối năm 2012.
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, hằng năm bà con ngư dân trong tỉnh khai thác trung bình hơn 40.000 tấn thủy sản các loại, đóng góp lớn vào sản lượng đánh bắt của cả nước./..
(Theo ĐCSVN)
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment