Test Footer 2

Bờ biển bị băm nát bởi chưa có luật quản lý đới bờ

Bờ biển bị băm nát bởi chưa có luật quản lý đới bờ
Việt Nam là một quốc gia biển từ trong lịch sử lâu đời.

"Bối sơn, diện thuỷ" với miền Trung là tựa lưng vào dãy Trường Sơn, hướng mặt ra biển Đông. Đó không chỉ là quan niệm phong thủy trong quy hoạch, xây dựng để đặt nền móng vững chãi cho tương lai, mà còn là xu thế phát triển kinh tế, xã hội của người dân ở dải đất hẹp duyên hải miền Trung tự bao đời nay...
Thông điệp

Trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 tổ chức tại Đà Nẵng, phần thi ứng xử có một câu hỏi thông minh, thú vị của nhà thơ Trần Tuấn: "Nếu đứng trước biển Mỹ Khê, Đà Nẵng- một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh- thả một thông điệp vào chai tới những người bạn quốc tế, em sẽ nhắn gì?". Trả lời của một thí sinh trong top 5 là kêu gọi, hãy cùng chung tay để giữ gìn đại dương trong xanh.

"Không sai, nhưng đó là câu trả lời quá đơn giản. Đáng tiếc". Rất nhiều nhận xét như vậy từ hàng quán vỉa hè. Thế rồi các "thí sinh" này lại xôn xao ứng thí. Nếu là tôi, thông điệp sẽ là "... dù bạn là ai, ở đâu thì chúng ta cũng cùng chung sống trên một đại dương, xin bạn biết cho rằng, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam". Một "thí sinh" khác lại đưa ra thông điệp là xin đừng băm nát bờ biển đẹp, đừng xẻ lô bán nền, đừng lấp kín bờ biển bằng các khách sạn, resort... Có "thí sinh" khác lại lái câu chuyện sang vấn đề bảo vệ ngư dân, khai thác dầu khí, thậm chí là các xung đột, tranh chấp trên biển Đông...

Rõ ràng, câu chuyện biển Đông là một đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt hiện nay. Hơn bao giờ hết, người dân lại quan tâm đến việc ứng xử trên biển Đông của Nhà nước, từ chính sách vĩ mô trong công tác đối ngoại, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trong chiến lược phát triển kinh tế... cho đến việc bảo vệ những ngư dân đi đánh cá ngoài khơi. Không chỉ giới khoa học, các nhà nghiên cứu mà người dân cũng "soi mói", phản biện các hành xử đối với những vấn đề liên quan đến biển Đông. Đã có rất nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế về biển Đông được tổ chức trong năm 2012. Vì thế, các vấn đề liên quan đến biển Đông được mổ xẻ nhiều, kỹ lưỡng nhất.

Các nhà nghiên cứu khoa học nhận định Việt Nam là một quốc gia biển từ trong lịch sử lâu đời, trong tiềm thức của nhiều thế hệ, sớm hướng ra biển để phát triển kinh tế, xã hội, để lại nhiều dấu ấn trong phong tục tập quán, trong văn hoá, kiến trúc...; nhưng chưa bao giờ người Việt phát huy hết lợi thế và tiềm năng to lớn từ biển. Việt Nam không chỉ là quốc gia có bờ biển dài, diện tích lãnh hải rộng lớn đến hàng triệu kilômét vuông, khả năng tiếp cận dễ dàng đến các đại dương, các nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu trữ lượng, mà còn có vị trí địa- kinh tế- chiến lược đặc biệt.

Biển Đông nằm trên các tuyến hải hành và các luồng giao thương quốc tế chủ yếu của thế giới. Tuy vậy, xưa nay chúng ta chỉ chú trọng đến lợi thế về mặt tự nhiên, các định hướng phát triển kinh tế cũng theo đường lối truyền thống là... khai thác, bán thô nguyên liệu. Các quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế biển ở địa phương cũng nhỏ lẻ, manh mún và thiếu bền vững. Vì thế, dù có bờ biển trên 3.260km, với cả trăm cảng biển lớn nhỏ, nhưng đến nay Việt Nam chưa có một cảng biển, đô thị biển đúng nghĩa. Chưa có khu trung chuyển hàng hoá, vùng kinh tế biển quy mô khu vực, có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh bùng nổ thương mại quốc tế. Sự yếu kém, thiếu bền vững từ cơ sở hạ tầng, nhân lực cho đến tiềm lực khoa học công nghệ...

Ứng xử mớiPGS-TS Nguyễn Tác An- Hội KHKT biển, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang- tiếc nuối: "Hơn 45 năm làm khoa học, ngành nghiên cứu biển, 15 năm quản lý Viện Hải dương học, tôi thấy công tác nghiên cứu biển của chúng ta còn nhiều thiếu sót lớn. Phần lớn các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn làm việc ở Viện Hải dương học, các ngành, đơn vị nghiên cứu kỹ thuật biển đều xuất thân từ lĩnh vật khoa học tự nhiên. Gần như không có kỹ sư, chuyên gia nào xuất thân từ ngành khoa học xã hội nhân văn.

Bởi vậy, những thành quả nghiên cứu biển, mà theo đó là khai thác tiềm năng, ứng xử với biển của Việt Nam đều bị thiên lệch, thiếu tính nhân văn, không bền vững. Chúng ta đã quá chú trọng đến việc khai thác tài nguyên, bán nguyên liệu thô... ". Theo tiến sĩ An, muốn thay đổi cách ứng xử đối với biển, có chiến lược khai thác biển đảo hợp lý, bền vững, mang tính nhân văn thì phải thay đổi tư duy ngay từ việc đào tạo, tiếp nhận con người nghiên cứu, làm việc ở lĩnh vực KHKT biển.

Các chuyên gia nghiên cứu biển cho rằng, việc sử dụng thành quả nghiên cứu, những ý kiến đề xuất của các nhà khoa học vào quản lý nhà nước đối với các vấn đề liên quan đến biển đảo là còn quá chậm. Tất nhiên, thông tin, chứng cứ khoa học là "lạnh lùng", rõ ràng, khách quan- điều đó không phải lúc nào cũng có thể áp dụng ngay trong quản lý nhà nước, đối ngoại, thế nhưng độ "lệch pha" lớn sẽ làm trì trệ.

Cũng theo TS Nguyễn Tác An, việc Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1.1.2013) là hết sức cần thiết đối với quốc gia biển. Song, đến bây giờ mới có được Luật Biển là chậm so với những đòi hỏi cấp thiết của kinh tế và an ninh quốc phòng đất nước. Tương tự, một đạo luật hết sức cần thiết đối với một đất nước có 3.260km bờ biển là Luật Quản lý đới bờ. Giới khoa học đã kiến nghị từ lâu, song đến nay vẫn chưa được ra đời. Hậu quả của việc quản lý lỏng lẻo, thiếu cơ sở pháp lý cơ bản là luật đã khiến không ít bờ biển đẹp ở các đô thị lớn bị băm nát, xẻ nhỏ để chia lô bán nền, giao đất cho các doanh nghiệp, dự án nước ngoài thuê cả 50 năm...

Có nơi thì bị rào kín bởi hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà bịt luôn cả đường ra biển của ngư dân. Đới bờ là không gian an sinh của cộng đồng, còn là không gian an ninh quốc gia. Nếu Luật Quản lý đới bờ sớm ra đời, sẽ không có chuyện quy hoạch vụn nát kiểu hàng trăm cảng biển nhưng nhỏ lẻ và kém năng lực như hiện nay.

Cần bổ sung ngay những khiếm khuyết trong chiến lược kinh tế biển, bắt đầu ngay từ bờ.

Năm 2012 là thời điểm có rất nhiều hành động cụ thể, đa diện của cả nhà nước lẫn người dân hướng về biển đảo. Có rất nhiều tổ chức bảo vệ, hỗ trợ ngư dân ra đời. Không chỉ bằng vật chất là những tay lưới, những con tàu đóng mới mà còn là nguồn động viên lớn lao cho ngư dân yên lòng ra khơi, bám biển. Khắp các tỉnh thành miền Trung, ngư dân bắt đầu đóng lớn tàu cá để vươn khơi. Sự quyết tâm, đồng lòng đó là những tín hiệu đáng mừng, song để tiến nhanh, mạnh ra biển, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, nhất thiết phải bổ sung ngay những khiếm khuyết trong chiến lược kinh tế biển, bắt đầu ngay từ bờ.

Theo laodong.com.vn
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment