Sau gần 5 năm dang dở với 4 lần hoãn khởi công, dự án đầu tư xây dựng cảng biển Kê Gà tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) trị giá hơn 1 tỷ USD do Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) làm chủ đầu tư sẽ bị ngưng lại.
Thông tin này được cho biết tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận mới đây. Sau khi ngừng dự án, Thủ tướng giao chủ đầu tư cùng các Bộ, ngành liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết thiệt hại cho các nhà đầu tư du lịch bị thu hồi đất làm cảng Kê Gà.
Dự án cảng biển nước sâu này vốn được coi như một phần của dự án khai thác bauxite cũng do Vinacomin làm chủ đầu tư; nhưng trên thực tế, dự án cảng biển Kê Gà đang lâm vào bế tắc và khó hình thành, vì Vinacomin đang gặp khó khăn về nguồn vốn, trong khi công tác đền bù, giải tỏa lấy mặt bằng hầu như “giậm chân tại chỗ”. Trong kỳ họp thứ 5 (khóa IX) Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận (tháng 12/2012), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương đã cảnh báo nguy cơ khó khởi công dự án cảng biển Kê Gà trong năm 2013. Và cho đến thời điểm này, Vinacomin chỉ chuyển vẻn vẹn…4 tỷ đồng cho tỉnh Bình Thuận để đền bù cho các nhà đầu tư du lịch bị thu hồi đất; trong khi họ đã bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để đầu tư các khu du lịch hiện đại, phù hợp với quy hoạch du lịch của tỉnh.
Được biết, trước đó, ngày 14/6/2012 trong Văn bản số 216/TB-VPCP, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Vinacomin: “Rà soát lại quy hoạch cảng Kê Gà, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2012, xem xét thêm phương án thực hiện nhiệm vụ trung chuyển than tại cảng Kê Gà trước khi cảng trung chuyển than khu vực ĐBSCL được đưa vào vận hành chính thức; đồng thời làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để xem xét phương án vận chuyển alumin từ các nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ qua cảng Vĩnh Tân khi cảng này được đưa vào vận hành trong năm 2014; so sánh với phương án vận chuyển qua cảng Gò Dầu, xây dựng mới cảng Kê Gà hoặc phương án kết hợp vận chuyển qua các cảng để lựa chọn phương án hợp lý nhất”.
Trong một diễn biến khác, tháng 9/2012, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã trình lên Bộ Giao thông vận tải phương án tuyến vận chuyển phục vụ công nghiệp nhôm qua cảng Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận; lý do vì việc triển khai đầu tư xây dựng cảng Kê Gà của Vinacomin đang gặp nhiều khó khăn. Phương án vận chuyển alumium – nhôm từ các nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ qua cảng Vĩnh Tân được Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng để so sánh lựa chọn với phương án cảng Kê Gà, bởi có ưu điểm là cảng Vĩnh Tân đã và đang được triển khai xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014, trong khi đó dự án cảng Kê Gà vẫn còn đang nằm trên giấy, trong bối cảnh hiện nay Vinacomin nợ hàng chục ngàn tỷ đồng!.
Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, Tổng Thư ký Hội khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM, cho rằng về bản chất, vị trí xây cảng Kê Gà “là hạ sách”, bởi : “Ở miền Trung, các vịnh sâu và kín sóng gió phải có cửa vịnh quay về hướng nam và không có dòng sông lớn đổ vào vịnh. Tại mũi Kê Gà hoàn toàn không có những yếu tố trên, nên buộc phải làm các đê chắn cát và sóng nhân tạo”. Theo ông Dũng, điều này khiến chi phí lên cao, chưa kể dòng biển tại Kê Gà (hay Khe Gà) có vận tốc khá lớn (có khi tới 31 hải lý/giờ) nên là "vùng nguy hiểm cho tàu thuyền". Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng còn nhận định: “Nếu cương quyết xây dựng cảng Kê Gà thì buộc phải xây dựng đê chắn sóng để chống dòng ngầm Bắc Nam, gió đông bắc và cả gió tây nam", đẩy chi phí lên cao, chưa kể vùng đáy biển định làm cảng "mà có nhiều đá thì vô phương cứu vãn". Vì vậy, theo ông Dũng, việc xây cảng biển nước sâu Kê Gà với dự kiến tổng kinh phí mà Vinacomin đưa ra lên tới khoảng 1 tỷ USD là “cuộc phiêu lưu lớn về tài chính”. Bởi nếu thực hiện dự án, Vinacomin phải bỏ ra 4.000 tỷ đồng để xây đê chắn sóng dài 3km hướng ra biển, cách ngọn hải đăng Kê Gà khoảng 2,3 km.
Mặt khác, Kỹ sư Phạm Hùng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Thuận đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng “nước trồi” tại khu vực biển mũi Kê Gà là rất nguy hiểm, thường xảy ra trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm…
Sau thông tin Chính phủ sẽ ngưng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà, ông Vũ Chí Công, chủ resort Đức Hạnh cho biết: Các nhà đầu tư du lịch có đất bị thu hồi để xây cảng Kê Gà đang ngày đêm mong mỏi, trông chờ các cơ quan chức năng Trung ương và tỉnh Bình Thuận xem xét để được tiếp tục đầu tư hoàn thiện những khu du lịch khang trang, hiện đại, phù hợp với quy hoạch của tỉnh, mà họ đã dốc hết cả gia sản với biết bao tâm huyết, nhằm giảm bớt phần nào thiệt hại nặng nề trong nhiều năm qua do vướng quy hoạch cảng biển Kê Gà.
Việt Đức – Tường Văn-TN&MT
0 nhận xét:
Post a Comment